Giúp ngư dân tiếp cận chính sách

Sau gần tám năm triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật, phát huy vai trò hết sức to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng.
0:00 / 0:00
0:00

Mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm (13,2%), số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng (20,1%). Nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển. Ngư dân mạnh dạn đầu tư trang bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất…

Được kỳ vọng sẽ tạo nên tính đột phá, đồng bộ cho phát triển thủy sản, song trong quá trình thực hiện, Nghị định 67 đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập khiến không thể phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế. Công tác giám sát thi công, đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực và yếu về trình độ. Không ít tàu cá bị hư hỏng sau khi mới đưa vào sử dụng, gây thiệt hại đối với ngư dân. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao. Hàng loạt chủ tàu cá đóng mới theo chính sách ưu đãi của Nghị định 67 bị khởi kiện ra tòa vì không thể trả nợ… Thực tế đòi hỏi, cần có những gói giải pháp tháo gỡ khó khăn, rủi ro cho ngư dân và các ngân hàng cho vay.

Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan về dự thảo nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản (thay thế Nghị định 67). Theo đó, ngoài chính sách tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản; duy trì mức hỗ trợ và phạm vi bảo hiểm đã cam kết tại Nghị định 67, dự thảo nghị định mới đặc biệt quan tâm về quy định cơ cấu lại nợ, chính sách chuyển đổi chủ tàu để tháo gỡ khoản nợ xấu hình thành từ việc cho vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Đơn giản thủ tục hành chính, giúp ngư dân dễ dàng tiếp cận chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép. Dự thảo nghị định mới sẽ có thêm chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Việc xây dựng, ban hành những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ, huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển thủy sản là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để tránh xảy ra tình trạng lại phải có thêm nghị định khác sửa chữa, thay thế, đòi hỏi nghị định mới lần này cần phải được kế thừa, tổng kết từ thực tiễn một cách chặt chẽ, chắc chắn để khi đi vào cuộc sống, các chính sách phải bảo đảm được tính hiệu lực, hiệu quả. Nghị định mới cần được cân nhắc trong khâu xây dựng thiết chế, tránh tình trạng chính sách có những kẽ hở và bị lợi dụng.