Giữ gìn tính liêm chính trong khoa học

Vấn đề "liêm chính trong khoa học" lại tiếp tục được giới học thuật và báo chí đề cập, dư luận xã hội quan tâm. Cách nhau không xa, hai văn bản mới đây được Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) ban hành, gồm Danh mục tạp chí có uy tín trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật (ngày 30/12/2021) và Quy định về Liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (ngày 15/2/2022), đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học Việt Nam. Cùng đó, sau khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2021, cũng đang nhận nhiều ý kiến khác nhau.

Đợt xét này, có 78/451 ứng viên (do Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị) bị Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành loại khỏi danh sách. Đứng đầu số lượng ứng viên bị loại là ngành Toán (14/25), thứ hai là liên ngành Điện-Điện tử-Tự động hóa (13/26). Nguyên nhân các ứng viên bị loại chủ yếu do vi phạm Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.

Cụ thể, một số Đảng viên Giáo sư, Phó Giáo sư có bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí đã bị loại ra khỏi danh sách Scopus (thời điểm tác giả đăng bài) hoặc tạp chí phi pháp (tạp chí "rởm"), hay ứng viên thuộc khối Khoa học xã hội lại kê khai bài báo quốc tế xuất bản trên tạp chí nghiên cứu lĩnh vực Toán học, Máy tính,…

Để khắc phục những "lỗ hổng" này, năm đề xuất của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện công tác tại Trường đại học New South Wales (Australia) nhận được nhiều đồng tình của giới chuyên môn. Đó là, xác định rõ các tập san chính thống, xem xét uy tín của tập san khoa học, phân biệt thể loại bài báo khoa học, xem xét đến vai trò của tác giả trong bài báo khoa học và bỏ sự lệ thuộc vào con số bài báo.

Có thể thấy, việc cần thiết phải điều chỉnh quy định cũ, chuẩn hóa, cụ thể hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn là điều không phải bàn cãi. Việc phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư vừa là sự ghi nhận thành tựu chuyên môn, vừa là sự tôn vinh nhân cách, tấm gương lao động của các ứng viên - đội ngũ trí thức quan trọng của đất nước. Vì thế, nếu những "lỗ hổng", bất cập, gian dối trong quá trình xét chọn còn kéo dài, để lọt những ứng viên vi phạm đạo đức học thuật, bỏ sót những người xứng đáng, thì hậu quả sẽ thật khôn lường.

Bởi vậy, các cơ quan chức năng, trong đó gồm cả hội đồng chức danh phải xem xét xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liêm chính khoa học; đồng thời, đề xuất quy trình, bộ tiêu chuẩn phù hợp, linh hoạt hơn nhằm bảo đảm tính khả thi, công bằng, minh bạch trong các đợt xét chọn danh hiệu, chức danh. Trên thực tế, có không ít nhà nghiên cứu uy tín cao cả về học thuật và nhân cách, cống hiến cho xã hội nhiều công trình khoa học chất lượng tốt, nhưng danh hiệu "Giáo sư" vẫn mãi chỉ là do người dân yêu mến phong tặng!