Giữ gìn tinh hoa di sản văn hóa dân tộc

Chưa bao giờ xã hội quan tâm đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa như ngày nay. Sự quan tâm ấy dường như đang trở thành phong trào. Như mọi phong trào, ắt hẳn dồi dào sức mạnh thúc đẩy và lan tỏa, song cũng tiềm ẩn những quan ngại. Làm lâu năm trong lĩnh vực bảo tồn di tích, luôn canh cánh một câu hỏi: Ấy vậy, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt di sản vật thể, có bảo đảm tính khả thi không?
0:00 / 0:00
0:00
Chùa Cầu - Điểm nhấn của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. Nguồn: Tieudung.vn
Chùa Cầu - Điểm nhấn của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. Nguồn: Tieudung.vn

Cho đến tháng 8/2022, đã xếp hạng 10.356 di tích cấp tỉnh và thành phố, 3.594 di tích cấp quốc gia và 123 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Số lượng di tích xếp hạng này còn được bổ sung, do công cuộc phát hiện và xác định giá trị di tích vẫn tiếp diễn.

Số lượng di tích xếp hạng này cũng có thể rà soát để giảm bớt. Một dạo tồn tại nỗi lo, không hẳn thiếu cơ sở, về nguy cơ các đình và chùa có thể bị xâm phạm, do đó nhất thiết phải được xếp hạng. Lại khá phổ biến nhận thức: hễ là công trình thuộc quá khứ thì cần đưa vào danh mục xếp hạng. Ngoài ra, việc xác định di tích chưa phải bao giờ cũng đủ độ nghiêm ngặt theo các tiêu chí khoa học, ấn định bởi Luật Di sản văn hóa. Người viết bài này thiên về đòi hỏi rà soát lại danh sách di tích đã xếp hạng, loại bớt các đối tượng chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí giá trị, hoàn trả lại chúng cho cộng đồng xã hội vốn tạo dựng nên chúng và vẫn còn gắn bó với chúng. Việc tinh hoa hóa di sản sẽ là một trong những bảo đảm thực sự cho công cuộc bảo tồn khả thi di sản ấy.

Mới đây, nghe thông tin địa phương nọ đặt ra chỉ tiêu phấn đấu năm tới sẽ công nhận 50% di tích. Những đối tượng nào và con số là bao nhiêu được đưa vào diện 100%? Mà hễ gọi là "di tích" thì đã phải được công nhận rồi chứ? Càng nới lỏng xếp hạng, càng lạm phát hóa di sản, càng làm cho bảo tồn di tích càng thiếu tính khả thi hơn.

Với hơn một vạn rưỡi di tích được xếp hạng ở các cấp, cho đến nay vẫn chưa có những quy định và hướng dẫn mang tính thực tế về đầu tư và về những cách ứng xử trong tu bổ. Nếu với các di tích quốc gia đặc biệt thì chắc hẳn có sự đầu tư từ nguồn tài chính nhà nước và việc tu bổ phải được thực hiện nghiêm ngặt theo khoa học, tương ứng với những quy định của Luật Di sản văn hóa là lẽ tự nhiên. Với ngót bốn nghìn di tích cấp quốc gia, điều làm ta băn khoăn, liệu có đủ cán bộ chuyên môn và quản lý, đủ thợ chuyên môn hóa để thực thi việc tu bổ theo đòi hỏi khoa học bảo tồn không? Có thực tế không việc đặt ra các yêu cầu tu bổ hàng vạn di tích cấp tỉnh cũng theo bài bản khoa học, đặc biệt là việc bắt buộc sử dụng vật liệu theo gốc và bảo toàn tính nguyên gốc của di tích?

Giữ gìn tinh hoa di sản văn hóa dân tộc ảnh 1

Di tích quốc gia đặc biệt Đình Tây Đằng - nơi sở hữu những di sản kiến trúc, nghệ thuật độc đáo bậc nhất xứ Đoài. Ảnh: Hiếu Trần

Theo cách làm phổ biến bây giờ, để tu bổ một di tích, cần dùng cả trăm m3 gỗ tứ thiết. Như thế, để tu bổ hàng trăm di tích, mỗi năm cần đến hàng vạn m3 gỗ đặc chủng. Rừng ở ta đã cạn kiệt những thứ ấy.

Cũng theo cách tính bây giờ, để tu bổ "thật cơ bản" một di tích, đòi hỏi đầu tư cả trăm tỷ đồng. Thực tế, mỗi năm, từ các nguồn, chỉ huy động được vài trăm tỷ. Trông chờ vào các nguồn xã hội hóa ư? Nhận ra sự thiên về đầu tư xây dựng các công trình tín ngưỡng mới.

Đã thực sự đến lúc cần tính toán và cân nhắc mọi bề, huy động cho được tấm lòng, tri thức, kinh nghiệm và sự cẩn trọng tối đa cho việc xác định những gì đích thực là tinh hoa của di sản văn hóa để dứt khoát giữ gìn nguyên vẹn cho được, để yên tâm trao vào tay con cháu mai sau.

Giữ lại những tinh hoa của di sản không chỉ bằng đầu tư tiền của và công sức, mà bằng cả sự chăm sóc ân cần và cặn kẽ thường nhật. Những gì quan sát được làm người viết bài này lo lắng. Tại ngôi đình Tây Đằng, di tích quốc gia đặc biệt, hoàn toàn thiếu vắng các công cụ và phương tiện phòng cháy chữa cháy. Nếu cháy thì ngôi đình cổ nhất này, ngôi nhà gỗ cổ nhất và một bảo tàng mỹ thuật dân gian độc hiếm này, khó bề không hóa thành tro bụi. Cũng ở huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội, ngôi đình Chu Quyến, di tích quốc gia đặc biệt, không được trang bị công cụ phòng cháy, chữa cháy. Nhiều lần đến thăm tuyệt tác kiến trúc gỗ từ thế kỷ 17 này, luôn phát hiện ở một góc sàn gỗ vung vãi những đầu lọc thuốc lá. Rùng mình!

Bên cạnh mối lo lớn về khả năng bảo tồn trọn vẹn ở mức tối đa có thể, di sản văn hóa vật chất của dân tộc, nhận ra những chiều hướng gây lo ngại cho sự vẹn toàn của nó.

Trước tiên, đó là xu hướng coi trọng tôn tạo di tích hơn là tu bổ duy trì, làm đẹp và làm sang nó theo cách hiểu nào đó, nhằm tăng sức hấp dẫn cho nó và thậm chí nhằm tăng thu nhập từ di tích. Hệ lụy là di tích và môi trường chung quanh bị biến dạng, bị hiện đại hóa, thậm chí rẻ rúng hóa. Đâu đó, trên những diễn đàn văn hóa, ai đó cổ súy cho việc làm kinh tế bằng di tích. Bảo tồn di sản là hoạt động có động lực và có bản chất văn hóa sâu xa.

Quá khứ xâu chuỗi bằng lịch sử. Lịch sử minh chứng bằng di tích-chứng nhân. Di tích là cái còn sót lại, may mắn thoát khỏi những tác nhân xâm hại và hủy hoại. Di tích không thể nào tái tạo, dù ta có trong tay các phương tiện hiện đại nhất. Cái được tái tạo có thể giống hoặc giông giống, song không bao giờ nó có được cái mà di tích là - sản phẩm của thời gian, không đảo ngược. Hãy gạt bỏ lối tư duy thực dụng, những toan tính trước mắt. Trước chúng ta là tổ tiên, nối tiếp chúng ta là con cháu. Vốn liếng cao đẹp chúng ta truyền vào tay hậu thế là những tinh hoa di sản văn hóa và dĩ nhiên, cả những gì thế hệ chúng ta đã tạo nên mà thời gian dung tha.

Chỉ mới ngót thế kỷ nay các thế hệ chúng ta mới giác ngộ ra về sự cần thiết phải giữ gìn những tài sản từ quá khứ, không phải với tư cách tài sản để sở hữu và sử dụng tiếp, mà là di sản văn hóa. Có lẽ thời nay tất cả các dân tộc, các quốc gia đều dành tâm sức và tiền của cho việc giữ gìn vốn liếng từ quá khứ của mình.

Phổ biến trong tu bổ di tích một cách làm, đó là chọn đại tu, tu bổ kiên cố, thay vì việc bảo quản và việc tu sửa nhỏ kịp thời. Cũng như trong xây dựng cơ bản, người ta chuộng những dự án lớn. Hễ là dự án lớn, thì vốn lớn, vật liệu nhiều, phần trăm lớn, lợi nhuận tương ứng. Từ đó, dự án tu bổ-đại tu một di tích cần đến cả trăm m3 gỗ tứ thiết, cả trăm tỷ đồng. Có lẽ các cụ ngày xưa xây cất nên cái đình, cái chùa ấy chẳng mất ngần nấy tiền. Rồi cũng như trong xây dựng, người ta tổ chức đấu thầu. Trúng thầu chưa chắc đã là anh có chuyên môn, có bề dày kinh nghiệm. Kết quả sau cuộc "tu bổ", đại xáo trộn ấy, di tích tuy vững chắc hẳn lên, tuy dồi dào sức sống hẳn lên, thậm chí đẹp hẳn lên trong mắt ai đó, song nó khó có thể được gọi tôn kính là cụ, mà là anh. Tuổi của nó phải đếm từ ngày nó được tái sinh. Nó bị làm giả. Chứng nhân lịch sử bị làm giả.

Việc chữa trị bệnh tình cho di tích giông giống việc chữa trị người bệnh già. Khác ở chỗ, người bệnh già vừa thuyên giảm bệnh lại vừa trẻ ra thì hay quá. Còn di tích sau khi can thiệp, lại phải giữ nguyên độ tuổi, bảo lưu được giá trị chuyên biệt của mình - chứng nhân lịch sử hiếm hoi.

Suy nghĩ theo dòng này, những ai làm phận sự tu bổ bảo tồn di tích, dù là kỹ sư, chuyên gia bảo quản, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, v.v. đều nên nhận rõ mình là những bác sĩ của di tích, ưu tiên phòng bệnh hơn chữa bệnh, ưu tiên can thiệp nhỏ hơn can thiệp lớn. Củng cố tăng tuổi thọ cho di tích chứ không làm cái việc cải lão hoàn đồng.

Công cuộc bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử và văn hóa, ở ta đã diễn ra hơn 60 năm nay, với quy mô ngày càng rộng lớn và những thành tựu không thể phủ định. Tuy nhiên, đã đến lúc cần thực hiện một cuộc tổng đánh giá tình hình nghiên cứu và tình trạng bảo tồn của di tích và di sản; rà soát lại danh mục các di tích đã được xếp hạng theo sự cân đối với khả năng thực tế về đầu tư mọi mặt cho bảo tồn an toàn, dựa trên sự ưu tiên tối đa, duy trì cho được những tinh hoa, những gì tiêu biểu hơn cả cho toàn bộ di sản văn hóa dân tộc; tổng đánh giá kỹ thuật và chất lượng, hiệu quả bảo quản và tu bổ di tích, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt và trọng điểm khác. Nên chăng xây dựng một Xưởng - bệnh viện chuyên chữa trị các di tích quý giá nhất.

Duy trì nguyên vẹn di tích là việc cực kỳ khó khăn. Làm biến dạng và làm mất di tích lại dễ hơn nhiều. Sự nghiệp bảo tồn di sản nặng trĩu trách nhiệm với quá khứ-hiện tại và mai sau. Đụng chạm vào di tích, hãy dè dặt và ân cần.