Vì vậy, mặc nhiên, cho đến nay, cơ quan quản lý, cấp giấy phép cho các hoạt động thuộc lĩnh vực này là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm (MTNATL) và dưới đó là Phòng Nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa địa phương. Nhưng Cục MTNATL hiện vẫn chưa có văn bản, quy chế chính thức nào về việc quản lý và cấp phép triển lãm cho các tác phẩm nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, như một sự thừa nhận chính thức loại hình này - với rất nhiều nét đặc thù khác hẳn hội họa, điêu khắc, tượng đài, nhiếp ảnh, điện ảnh, múa...
NGHỆ THUẬT SẮP ĐẶT (NHƯ) LÀ NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC?
Cuối năm 1999, sự kiện “nghệ thuật đương đại” gây ồn ào nhất Hà Nội có thể kể đến là chương trình Bay vào vũ trụ của họa sĩ Đào Anh Khánh với những màn chuyển động cơ thể của anh trên cao, trong lửa, khói và âm nhạc điện tử. Trước anh, một số nghệ sĩ mỹ thuật như cố nghệ sĩ Vũ Dân Tân, các họa sĩ Trần Lương, Trương Tân, Nguyễn Bảo Toàn... từng thực hiện những chương trình nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn nhưng hầu như chỉ bó hẹp trong phạm vi giới làm nghề, mang đậm mầu sắc thử nghiệm, khám phá với cái mới.
Gần một thập kỷ sau những hoạt động bước đầu của cá nhân các nghệ sĩ, năm 2003, lần đầu tiên, một bộ môn nghệ thuật đương đại (nghệ thuật sắp đặt) được đưa vào (một cách rụt rè) trong một hoạt động của Bộ Văn hóa và Hội Mỹ thuật - triển lãm Điêu khắc toàn quốc định kỳ mười năm. Trong cuộc họp báo, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật thừa nhận: Là một trong những người tích cực vận động nghệ sĩ trẻ gửi các sáng tác sắp đặt tham gia triển lãm nhưng chính ông cũng “không lý giải được” tại sao lại xếp loại hình nghệ thuật này thuộc điêu khắc? Thực tế này dẫn đến nghi vấn: Vậy làm thế nào để định ra tiêu chí đánh giá chất lượng một tác phẩm sắp đặt trong triển lãm này, trong khi chưa thể phân loại nó một cách rõ ràng?
Xuất hiện ở phương Tây từ hàng chục năm qua, nghệ thuật sắp đặt đã có những bước phát triển mạnh mẽ, lan tỏa ra khắp thế giới bằng cái tên của chính nó chứ không hề nép dưới cái bóng điêu khắc. Nghệ thuật sắp đặt chiếm lĩnh không gian ba chiều như điêu khắc nhưng lại mang những nguyên tắc kiến tạo riêng. Không có giới hạn về không gian và vật liệu thể hiện, nó tạo ra một không gian của nghệ thuật nên đòi hỏi có sự tham gia của người xem (chứ không thuần túy là một đơn vị tác phẩm nghệ thuật và chỉ cần người xem đứng ngoài thưởng lãm). Việc mở rộng biên độ của nghệ thuật là một thay đổi đáng mừng từ triển lãm này. Nhưng nếu đó chỉ là những thay đổi nửa vời thì có lẽ sự mừng thì ít mà nỗi bối rối để lại cho công chúng cũng như giới điêu khắc lại nhiều.
NGHỆ THUẬT TRÌNH DIỄN (NHƯ) LÀ NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN?
Tháng 8 năm 2010, nghệ sĩ Lại Thị Diệu Hà trình diễn Bay lên và gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều. Ở đoạn cuối tác phẩm, chị cởi bỏ trang phục trên người, rồi phủ lên mình những chiếc lông chim nhuộm màu xanh da trời, làm động tác như thể chỉ muốn bay lên. Một số người có trách nhiệm từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội và Cục Nghệ thuật biểu diễn đã lên tiếng mạnh mẽ, khi cho rằng tác phẩm đi ngược lại “thuần phong mỹ tục” và đề xuất cần quản lý chặt chẽ hình thức nghệ thuật này. Tháng 4 năm 2011, trong một hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định biểu diễn nghệ thuật của Cục Nghệ thuật biểu diễn, một quan chức của Cục này bày tỏ lý do muốn đưa nghệ thuật sắp đặt và trình diễn vào Nghị định, với nội dung: “Đây là loại hình mới xuất hiện tại Việt Nam mà luật hiện hành chưa điều chỉnh được”. Cũng chính ông, sau khi nhắc đến màn trình diễn Bay lên đã cho rằng: “việc cởi đồ và gắn lông chim lên người hoàn toàn mang tính trình diễn. Hơn nữa, nghệ thuật trình diễn hiện giờ có sự kết hợp nhiều yếu tố khác như điện ảnh, mỹ thuật và độc lập, không gắn gì với mỹ thuật”. Vấn đề cắc cớ ở đây: Một tác phẩm nghệ thuật trình diễn hoàn toàn khác một tác phẩm nghệ thuật biểu diễn ở nguyên lý hình thành và khái niệm về sự thể hiện. Chính vì thế, giả định đưa nghệ thuật trình diễn vào “khuôn khổ” quản lý của Cục Nghệ thuật biểu diễn cho thấy một sự khập khiễng trong cách hiểu về cả hai loại hình nghệ thuật này của cơ quan quản lý.
Cuối năm 2011, lần đầu tiên, Cục MTNATL chính thức tổ chức một sự kiện mỹ thuật mà trong đó dung chứa ba bộ môn của nghệ thuật đương đại: nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật vi-đê-ô. Điều gây “khó hiểu” nhất là trong thành phần Hội đồng nghệ thuật có ông Vương Duy Biên (Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) và bà Ngô Phương Lan - nhà lý luận phê bình điện ảnh (hiện là Cục trưởng Cục Điện ảnh). Người trong giới ngầm hiểu rằng, hai nhân vật này sẽ có tiếng nói nhất định với các sáng tác lần lượt thuộc nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật vi-đê-ô. Sự ngầm hiểu này không phải không có cơ sở, nếu căn cứ vào những thông tin từ chính giới chức văn hóa trong hội nghị kể trên. Ấy là chưa kể đến, trong danh sách Hội đồng dài dặc, có tên của rất nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc song dường như, tư duy thẩm mỹ của đa số họ là của một giai đoạn đã qua trong mỹ thuật, khó mà tương thích với những hình thức nghệ thuật đương đại. Có lẽ, bên cạnh những vui mừng của giới nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ về một biểu hiện công nhận chính thống dành cho các hình thức nghệ thuật này, họ nhanh chóng nhận ra nhiều yếu tố đáng lo ngại về cách nhìn nhận nghệ thuật đương đại của chính nhà tổ chức.
“GIẤY THÔNG HÀNH” NÀO CHO NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM?
Ngay từ khi mới xuất hiện, các hình thức nghệ thuật đương đại Việt Nam đã được nhiều địa chỉ nghệ thuật uy tín trong khu vực và thế giới chú ý vì những tiếng nói mới mẻ, giàu bản sắc cá nhân và tính nhân bản của nghệ sĩ. Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã được mời tham gia Liên hoan Nghệ thuật đương đại châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Triennial- APT) do Queensland Art Gallery (Australia) tổ chức năm 1996, với các sáng tác của cố nghệ sĩ Vũ Dân Tân và họa sĩ Nguyễn Minh Thành. Năm 1999, lần đầu tiên Nhà văn hóa Thế giới (House of World Cultures, Berlin, Đức) tổ chức triển lãm tiêu đề Gặp Việt Nam, giới thiệu những thành quả của nghệ thuật thị giác đương đại Việt Nam với hai lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật đương đại. Viện Goethe Hà Nội từng chọn nghệ thuật đương đại làm lời giới thiệu ra mắt địa chỉ mới (số 56 - 58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) với triển lãm Xanh - Đỏ - Vàng. Năm 2008, nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Xin-ga-po, Bảo tàng nghệ thuật quốc gia của nước này (Singapore Art Museum - SAM) tổ chức một triển lãm lớn về mỹ thuật Việt Nam mang tiêu đề Post Doi Moi (Hậu Đổi Mới) mà trong đó, các hình thức nghệ thuật đương đại không thể thiếu vắng. Đặc biệt, trong chuỗi hoạt động tại triển lãm của SAM, một số nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Việt Nam được mời sang để nói về nghệ thuật đương đại Việt Nam tại Xin-ga-po...
Qua khoảng 20 năm xuất hiện, tồn tại và phát triển, nghệ thuật đương đại Việt Nam chứng minh cho sức sống nội tại của chính nó, chứ không phải sống vì/để “hướng ngoại” như trong cách nghĩ định kiến của ai đó. Do vậy, hẳn đã đến lúc nghệ thuật đương đại Việt Nam cần có một “giấy thông hành” chính thức. Để có được tấm giấy này, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nghệ thuật nên có những lần ngồi lại cùng đại diện các nghệ sĩ đương đại, để nghe họ chia sẻ những vấn đề bản thân đang phải đối diện cũng như điều họ chờ đợi trong cách thức quản lý nghệ thuật của Nhà nước và từ đó có được những điều chỉnh thích hợp.