MỖI khi tuyển sinh, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp là một trong những điều kiện tiên quyết để sinh viên lựa chọn ngành đại học. Trong đó, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Công tác xã hội có thể làm việc trong các tổ chức kinh tế-chính trị-xã hội, tổ chức đoàn thể quần chúng ở các cấp từ trung ương đến địa phương; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, giáo dục, pháp luật, tín ngưỡng, tôn giáo, môi trường, an sinh xã hội, dân số, sức khỏe, truyền thông,… Làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước với vai trò là người hỗ trợ, tham mưu cho tổ chức, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên; làm việc tại bệnh viện với vai trò hỗ trợ cho y, bác sĩ, hỗ trợ chính sách cho người bệnh;…
Nhìn chung, ta có thể nhận thấy cơ hội cho cử nhân ngành Công tác xã hội là rất rộng.
Sau khi Đề án 32 (Quyết định 32/2010/QĐ-TTg) được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/3/2010, về việc phê duyệt "Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020", đến nay các cơ sở đào tạo chuyên ngành Công tác xã hội cũng nở rộ cả về chất và lượng. Tính đến hiện tại, cả nước có: 55 cơ sở đào tạo ngành Công tác xã hội ở trình độ cao đẳng và trình độ đại học, năm cơ sở đào tạo ngành Công tác xã hội ở trình độ thạc sĩ và hai cơ sở đào tạo ở trình độ tiến sĩ.
Về chương trình đào tạo, mỗi cơ sở đều có chương trình riêng, tuy nhiên, các chương trình đều có học phần chuyên ngành tương đương nhau để bảo đảm mục tiêu chuẩn đầu ra, có thể kể đến một số học phần như: tâm lý học đại cương, hành vi con người và môi trường xã hội, công tác xã hội cá nhân, công tác xã hội trong trường học, tham vấn, an sinh xã hội,…
Qua quan sát thực trạng đào tạo sinh viên ngành Công tác xã hội trong các cơ sở đào tạo, nhiều vấn đề được nhìn nhận. Về lý thuyết, sinh viên được trang bị kiến thức, thái độ để có thể đáp ứng nhu cầu công việc sau khi ra trường. Dù sinh viên chuyên ngành nắm sát kiến thức cơ bản, nhưng khi tiếp cận các lĩnh vực chuyên sâu với các đối tượng đặc thù như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật... thì còn thiếu kiến thức thực tiễn.
Về cách thức đưa sinh viên đi thực tập, ngành Công tác xã hội cũng thực hiện tương tự như các ngành đào tạo khác. Một số trường liên kết với các đơn vị trung tâm để đưa sinh viên đến thực tập, bên cạnh đó cũng có các cơ sở đào tạo để sinh viên tự chủ động tìm kiếm cơ sở thực tập cho riêng mình. Đề cương thực tập, các nhiệm vụ sinh viên cần đạt được trong quá trình thực tập được nêu rõ, tuy nhiên khó tránh khỏi tình trạng cơ sở thực tập chưa tạo cơ hội cho sinh viên tham gia nhiều vào các công việc chuyên môn, hoặc còn nới lỏng quá trình thực tập khiến sinh viên chưa học được những kỹ năng nghề cần có.
Trong khi đó, công tác xã hội đã được nhìn nhận như một ngành nghề chính thức phải đối mặt không ít khó khăn và đôi khi còn gặp sự cố, nhưng những người làm ngành này lại luôn phải giữ cho mình có một tâm nguyện là mang đến những điều tốt đẹp cho người bệnh, người yếm thế, người khó khăn bằng thái độ chuyên nghiệp nhất, nên rõ ràng thực hành, thực tập, va chạm thực tế là rất cần thiết đối với sinh viên trước khi ra trường.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và tổ chức các chương trình ngày hội việc làm để giới thiệu công việc cho sinh viên ngành Công tác xã hội cũng chưa được triển khai nhiều. Vì thế, không ít sinh viên học xong vẫn mơ hồ không biết làm gì, dẫn đến việc họ đi xin việc bất cứ nơi nào có đăng tin tuyển dụng miễn họ được chấp nhận là đồng ý đi làm. Khi tiếp nhận công việc, do không được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành, cộng với tâm lý chưa ổn định trong việc lựa chọn nghề khiến tình trạng lực lượng lao động trẻ "nhảy việc" thường xuyên, gây ra báo động lớn cho các đơn vị doanh nghiệp. Trong khi đó, mảng Công tác xã hội vẫn thiếu nhân lực.
TỪ các vấn đề nêu trên, để tránh tình trạng sinh viên ngành Công tác xã hội đi làm trái ngành sau khi ra trường, cần thiết phải đưa ra đồng bộ một số giải pháp.
Trước hết, về phía cơ sở đào tạo cần có biện pháp siết chặt công tác kiến tập, thực tập, theo sát sinh viên trong quá trình kiến tập, thực tập để sinh viên được trang bị kỹ năng vững chắc trước khi ra trường; cơ sở thực tập cần nhấn mạnh việc lồng ghép kiến thức thực tế vào bài học của từng học phần nhằm giúp sinh viên tạo dựng lòng yêu nghề, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp. Cùng đó cần có tiêu chí đánh giá về quá trình rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp trong xét điều kiện tốt nghiệp.
Thứ hai, cần có các chính sách ưu đãi hơn nữa dành cho những người làm trong ngành Công tác xã hội. Truyền thông những thông tin về chế độ, công việc, nhu cầu việc làm trong lĩnh vực này lên các kênh thông tin truyền thông để lực lượng lao động ngành Công tác xã hội mới ra trường có thể nắm được thông tin. Các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này cũng có thể có các chương trình truyền thông mạnh mẽ để cộng đồng biết tới công việc của họ, nâng cao nhận thức của cộng đồng về lĩnh vực này.
Chắc chắn, những giải pháp trên là chưa đủ nhưng sẽ tác động phần nào để hạn chế tình trạng sinh viên ngành Công tác xã hội ra trường phải đi làm trái ngành, trái lĩnh vực chuyên môn, trong khi nhu cầu xã hội đang rất cần nguồn nhân lực này.