Giá trị của giấc ngủ

Làm việc xuyên đêm đang trở thành thói quen của nhiều bạn trẻ, đa phần là sinh viên. Lâu dần, thói quen này đang trở thành trào lưu, theo đó nhiều quán cà-phê phục vụ 24/7 ở Hà Nội đã mở ra để phục vụ các khách hàng “cú đêm” này.
0:00 / 0:00
0:00
Thức đêm đang trở nên trào lưu đáng báo động trong đời sống xã hội.
Thức đêm đang trở nên trào lưu đáng báo động trong đời sống xã hội.

Giấc ngủ không được bảo đảm

Do bài tập nhiều, phân bổ thời gian chưa hợp lý, bạn Nguyễn Thu Hà (sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền) phải thường xuyên thức khuya để hoàn thành bài tập. “Em chưa có khả năng sắp xếp thời gian hợp lý nên bài tập dồn lại rất nhiều, có những hôm thức trắng đêm để làm bài tập là chuyện hết sức bình thường. Ở phòng trọ thì ảnh hưởng đến bạn cùng phòng nên em thường xuyên ra các quán cà-phê để ngồi học, lâu dần cũng thành thói quen”, Hà chia sẻ.

Tại các quán cà-phê xuyên đêm ở Hồ Tây, không khó bắt gặp các bạn trẻ tập trung tìm không gian làm việc. 2 giờ sáng là khoảng thời gian đông khách nhất. Nhiều bạn cũng tò mò với trải nghiệm này. “Em biết quán này qua mạng xã hội nên cùng bạn đến đây trải nghiệm. Ở nhà em cũng hay thức đến sáng nên việc thức khuya em cũng quen rồi”, bạn Mai An (19 tuổi) cho biết.

Đa phần các bạn tìm đến không gian làm việc xuyên đêm là học sinh, sinh viên. Ban đêm thức, ban ngày lại đến trường để học tập, điểm chung của những bạn trẻ này là khi đến lớp thì… “ngủ bù”. Vòng lặp cứ thế tiếp diễn, khi giấc ngủ không được bảo đảm thì năng suất học tập giảm sút. Sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần thì luôn ở mức báo động đỏ.

Theo PGS, TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội: “Giấc ngủ có khả năng giúp con người tái tạo năng lượng, hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức khỏe trí nhớ, đặc biệt giúp điều chỉnh tâm trạng, nhất là trong độ tuổi các bạn trẻ dễ gặp phải nhiều vấn đề tâm lý như hiện nay. Tình trạng thiếu ngủ thường xuyên và kéo dài dễ dẫn đến giảm khả năng học tập, lao động. Bên cạnh đó dễ mắc các bệnh về tâm lý như: cáu gắt, trầm cảm, rối loạn lo âu…”.

Theo bác sĩ tâm lý Lương Thị Ngư - Phòng Khám bác sĩ gia đình 4.0 Med 247, thực trạng các bạn trẻ thức khuya như hiện nay là đáng báo động, cứ 10 bạn tìm đến bác sĩ thì 6 bạn thức khuya do dùng mạng xã hội.

Cần thiết lập lại đồng hồ sinh học

Ai cũng biết, thức khuya sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tuy nhiên việc thiết lập lại đồng hồ sinh học và thay đổi thói quen tích cực không phải dễ dàng làm được, mà cần phải có sự quyết tâm và nỗ lực thay đổi bản thân, lên kế hoạch, sắp xếp công việc và thực hiện theo.

Ở các thành phố lớn, việc sử dụng các thiết bị công nghệ là một trong những nguyên nhân lấy đi thời gian cho giấc ngủ. PGS, TS Trần Thành Nam nhận định: “Các thiết bị điện tử như “con dao hai lưỡi”, nếu không biết cách sử dụng hợp lý thì chúng ta sẽ mất nhiều thời gian nghỉ ngơi cho nó. Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử cũng gây ra sự mất ngủ và giấc ngủ không sâu. Để có một giấc ngủ tốt, chúng ta phải ngắt hoàn toàn các thiết bị điện tử trong một giờ đồng hồ. Không sử dụng các chất kích thích gần giờ đi ngủ, không ăn quá no…”.

Để cài lại đồng hồ sinh học, đòi hỏi bản thân mỗi người phải có sự tự giác và kỷ luật cao. Dẫu biết rằng mỗi một cá nhân đều sẽ có một khung giờ làm việc hiệu quả cho riêng mình, thế nhưng phân bổ thời gian sao cho hợp lý, không ảnh hưởng đến thời gian ngủ cần đòi hỏi thêm kế hoạch và mục tiêu trong thời gian dài. Quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi người hiểu rõ tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe, để từ đó có những thay đổi tích cực trong lối sống sinh hoạt.

Giấc ngủ là sợi dây vàng để gắn kết sức khỏe và cơ thể với nhau. Cần xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực, làm nền tảng tốt cho việc học tập, phấn đấu được hiệu quả, bền vững.

Với nhiều bạn trẻ làm công việc sáng tạo nội dung, ngoài có những sản phẩm ấn tượng, chỉn chu thì đó còn là sự đánh đổi về thời gian. “Công việc sáng tạo nội dung không chỉ dừng lại ở việc lên hình, mà còn đòi hỏi từ khâu lên ý tưởng, viết kịch bản..., do đó thời gian ban ngày là không đủ để mình làm hết được những công việc đó, ban đêm là lúc mình tập trung và cho ra nhiều ý tưởng nhất. Tuy nhiên đổi lại sức khỏe mình cũng bị giảm sút khi mỗi ngày chỉ ngủ từ 3-4 tiếng”, Minh Anh, một bạn trẻ làm sáng tạo nội dung chia sẻ.