Duy trì động lực tăng trưởng

Mặc dù còn những quan ngại liên quan rủi ro lạm phát, tuy nhiên dự báo từ các định chế tài chính quốc tế vẫn cho thấy niềm tin vào đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 của nền kinh tế Việt Nam. Một trong những động lực tăng trưởng, đó là sự vững vàng của ngành chế biến, chế tạo và sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ.
0:00 / 0:00
0:00
Tính chung bảy tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: Duy Linh
Tính chung bảy tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: Duy Linh

Thông tin này dường như tương đồng với số liệu Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố vào cuối tháng 7 vừa qua: sản xuất công nghiệp tháng 7/2022 tiếp tục phục hồi, ước tăng 1,6% so tháng trước và tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động ổn định trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Sự tăng trưởng của khu vực chế biến, chế tạo được xem là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Một động lực quan trọng nữa đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, đó là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ. Trong bảy tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so cùng kỳ năm 2021. Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, lao động có việc làm ngành dịch vụ đang tăng lên. Trong ba quý gần đây nhất, bình quân khu vực dịch vụ đón nhận thêm gần 900.000 lao động/quý.

Trên cơ sở phân tích ba kịch bản dự báo kinh tế toàn cầu thời gian tới, và những thách thức trong nước như: thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng, và rủi ro cao hơn trong khu vực tài chính, dịch bệnh diễn biến phức tạp…, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra những nhận định về rủi ro, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong những tháng cuối năm 2022. Từ đó Bộ kiến nghị Chính phủ có thêm các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước.

Trước hoàn cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng được xác định là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Theo đó, cần tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa... để các động lực tăng trưởng tiếp tục phát huy vai trò trong mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế.