Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Đưa nhạc hàn lâm đến gần công chúng

Thời gian qua, trong khi âm nhạc bình dân nở rộ theo kiểu “trăm hoa đua nở” thì âm nhạc hàn lâm tại Việt Nam vẫn khá khu biệt trong một nhóm công chúng hạn hẹp, chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của cộng đồng. Thực trạng này đã đến lúc cần phải thay đổi.
0:00 / 0:00
0:00
Dàn nhạc giao hưởng nhạc - vũ kịch TP Hồ Chí Minh tại liên hoan “Giai điệu mùa thu” 2022.
Dàn nhạc giao hưởng nhạc - vũ kịch TP Hồ Chí Minh tại liên hoan “Giai điệu mùa thu” 2022.

Xóa đi những rào cảnvô hình

Gần đây, một sự kiện thu hút đông đảo công chúng yêu nghệ thuật của thành phố mang tên Bác là Liên hoan nghệ thuật giao hưởng, nhạc - vũ kịch “Giai điệu mùa thu” 2022 diễn ra tại Nhà hát thành phố. Liên hoan do Ban Tổ chức Kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh thực hiện với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi ở trong nước và quốc tế, mang đến cho khán giả các chương trình đặc sắc thuộc nhiều loại hình: vũ kịch, hòa nhạc giao hưởng, thanh xướng kịch.

Đặc biệt, liên hoan phục vụ công chúng hoàn toàn miễn phí với mong muốn của ban tổ chức là đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là giới trẻ, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, phát triển du lịch. Ngay khi diễn ra, liên hoan đã đón nhận sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân thành phố. Không ít người nuối tiếc chỉ vì đăng ký chậm nên đã lỡ mất cơ hội được tham dự chương trình đặc sắc này.

Điều đáng nói đây là lần thứ 13 Liên hoan nghệ thuật giao hưởng, nhạc - vũ kịch “Giai điệu mùa thu” diễn ra. Tính trung bình hai năm tổ chức một lần thì liên hoan đã đi qua chặng đường 26 năm bền bỉ và dần trở thành một điểm nhấn văn hóa ấn tượng, mang “thương hiệu” riêng của TP Hồ Chí Minh. Dòng người đổ về nhà hát, say mê thưởng thức những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao, phần nào cho thấy hiệu quả của một cách làm đúng đắn, góp phần định hướng, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc trong cộng đồng.

Sự kiện trên khiến nhiều người nhớ lại những hoạt động ý nghĩa đưa âm nhạc bác học đến gần hơn với cộng đồng từng diễn ra thời gian qua đó là: LuaLa Concert - chương trình hòa nhạc cổ điển, do Nhà xuất bản Âm nhạc, LuaLa và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam thực hiện, diễn ra vào mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật, trong tháng 11 và 12/2011 tại Hà Nội. Hay chuỗi chương trình Hòa nhạc Giáo dục của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (Sun Symphony Orchestra) năm 2019 nhằm truyền cảm hứng và đưa âm nhạc hàn lâm trở nên gần gũi hơn với khán giả trẻ.

Trong các năm 2020-2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khốc liệt trên thế giới cũng như ở Việt Nam, với mong muốn mang đến cho người dân đang giãn cách tại nhà cơ hội thưởng thức các chương trình nghệ thuật hàn lâm, nhiều chương trình biểu diễn dưới hình thức trực tuyến đã được tận dụng và phát huy hiệu quả như: Chương trình hòa nhạc marathon trực tuyến “Hồi sinh” (Tạp chí Đẹp và VNPT Vinaphone thực hiện), nhạc kịch “Chuyện người lính” (Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam cùng Xưởng kịch và nghệ thuật ATH thực hiện),…

Những nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, doanh nghiệp nhằm đưa âm nhạc hàn lâm đến gần với công chúng thời gian qua đã phần nào giúp khán, thính giả Việt Nam có những sự chuyển biến tích cực trong tiếp nhận và thưởng thức các tác phẩm lâu nay vốn bị coi là “khó nghe, khó hiểu”.

Đưa nhạc hàn lâm đến gần công chúng ảnh 1

Chương trình LuaLa Concert thu hút khán giả mọi lứa tuổi.

Xác lập vị thế của nghệ thuật hàn lâm

Dù có vai trò quan trọng trong nền âm nhạc quốc gia song không thể phủ nhận rằng âm nhạc hàn lâm tại Việt Nam vẫn đang là vùng đất chưa nhiều người quan tâm khám phá. Thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Hiểu một cách đơn giản, âm nhạc hàn lâm (như: opera, nhạc giao hưởng, nhạc kịch…) đòi hỏi người nghệ sĩ cũng như công chúng phải có một trình độ hiểu biết nhất định mới có thể biểu diễn và cảm thụ được. Tại Việt Nam, nhiều năm qua do điều kiện tiếp cận hạn chế, thiếu nền tảng kiến thức căn bản, tâm lý e ngại của nhiều người dân…, âm nhạc hàn lâm phần nào bị khu biệt trong nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng. Lớp khán giả đủ trình độ hiểu biết và có nhu cầu thưởng thức loại hình âm nhạc cao cấp này vẫn đang thiếu hiện nay.

Khác với nghệ thuật hàn lâm, nghệ thuật bình dân hướng đến mọi đối tượng công chúng nên dễ cảm thụ, dễ tiếp nhận hơn. Nghệ thuật bình dân cần để đáp ứng nhu cần giải trí đa dạng của mọi đối tượng khán thính giả, song không vì thế chúng ta được phép coi nhẹ, phủ nhận vai trò của nghệ thuật hàn lâm. Bởi đó chính là tinh hoa của nghệ thuật, đòi hỏi cần được gìn giữ và phát huy vai trò trong đời sống. Ở nhiều nước trên thế giới, âm nhạc hàn lâm còn góp phần hiệu quả trong xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Đây là hướng đi mà Việt Nam có thể học hỏi.

Để âm nhạc hàn lâm khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong nền âm nhạc quốc gia nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung, loại hình này phải được phổ biến, xuất hiện thường xuyên trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Đồng thời cần phát hiện, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghệ sĩ trẻ bổ sung vào lực lượng đang có phần thưa mỏng hiện nay. Việc xây dựng, hình thành một thế hệ công chúng mới, đủ trình độ, quan tâm, yêu thích âm nhạc hàn lâm là điều không thể bỏ qua, theo đó việc giáo dục các kiến thức cơ bản về âm nhạc hàn lâm và rộng hơn là nghệ thuật hàn lâm cần được triển khai ngay đối với trẻ em khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các quốc gia ở châu Âu rất chú trọng việc này, nên ngay từ nhỏ, nhiều trẻ em đã có thể thưởng thức những vở nhạc kịch, những bản nhạc giao hưởng đồ sộ. Tại châu Á, Nhật Bản được biết đến như một quốc gia rất quyết liệt trong việc giáo dục âm nhạc cho trẻ em ngay tại nhà trường để góp phần bồi dưỡng khả năng thưởng thức âm nhạc bác học nói riêng, nghệ thuật hàn lâm nói chung. Đặc biệt, ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với công cuộc phục hồi nền kinh tế, Nhật Bản đã bắt tay xây dựng nhiều nhà hát, đưa âm nhạc cổ điển đến mọi tầng lớp nhân dân.

Đối với cộng đồng, để xóa đi những rào cản tâm lý, khoảng cách trong trình độ hưởng thụ nghệ thuật, rất cần có thêm nhiều những chương trình âm nhạc hàn lâm với những hình thức sáng tạo, hấp dẫn, thân thiện với mọi đối tượng khán, thính giả. Tuy không dễ tiếp cận như nghệ thuật bình dân, nhưng chính cơ hội được thưởng thức các vở nhạc kịch, hòa nhạc giao hưởng sẽ gợi mở sự tò mò, quan tâm tìm hiểu của người dân, nhất là giới trẻ. Để rồi từ đó, “mưa dầm thấm lâu” sự hiện diện của nghệ thuật hàn lâm sẽ dần trở nên món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều người. Điều này góp phần nâng cao thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, nhờ đó từng bước giúp công chúng biết sàng lọc, loại bỏ những tác phẩm nghệ thuật kém chất lượng, lệch chuẩn.

Chúng ta rất tự hào với những tên tuổi như NSND Đặng Thái Sơn, hay các nghệ sĩ thế hệ sau như Bùi Công Duy (violon); Lưu Đức Anh (piano); Lê Phi Phi, Đồng Quang Vinh (chỉ huy)… Họ đã giúp xác lập vị trí của Việt Nam trong đời sống nghệ thuật thế giới, cũng như giúp bạn bè thế giới biết nhiều hơn đến quốc gia hình chữ S bên bờ Biển Đông. Thời gian qua chúng ta thường xuyên tổ chức các festival âm nhạc quốc tế, thi piano quốc tế… để vừa học hỏi, vừa mở ra những cây cầu kết nối tinh hoa âm nhạc Việt Nam với thế giới. Chúng ta có quyền hy vọng về tương lai và triển vọng của âm nhạc hàn lâm tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và gặt hái những mùa quả ngọt, nhất là trong bối cảnh giao lưu về âm nhạc trong khu vực và quốc tế ngày càng sôi nổi và thiết thực.