Du xuân chốn “Hoan châu đệ nhất danh lam”

Xuân về, đất trời cỏ cây thay áo mới. Xuân về, nhà nhà dập dìu trảy hội du xuân. Và cứ mỗi độ xuân về, Hương Tích cổ tự - nơi gắn liền với huyền tích Phật Bà Quan Âm Diệu Thiện hóa Phật cứu độ chúng sinh, nơi cảnh sắc sơn thủy hữu tình được ngợi ca “Hoan Châu đệ nhất danh lam” luôn là điểm đến được du khách thập phương lựa chọn, để thành tâm gửi gắm lời khấn nguyện một năm mới thịnh vượng, an lành.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách thập phương về với Hương Tích cổ tự dịp đầu xuân.
Du khách thập phương về với Hương Tích cổ tự dịp đầu xuân.

Ngôi cổ tự trên đỉnh non thiêng

Là một trong số ít ngôi cổ tự lâu đời nhất tại Việt Nam, tương truyền chùa được xây dựng từ TK XIII thời nhà Trần trên ngọn núi đẹp nhất Ngàn Hống, từng lưu danh muôn thưở trong câu thơ nổi tiếng của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp: “Hương Tích Trần triều/ Hồng Sơn đệ nhất phong”. Ngọn Hương Tích với những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú tuyệt đẹp từng được vua Minh Mạng thời nhà Nguyễn chọn là hình tượng tiêu biểu của quê hương Hà Tĩnh để khắc vào Anh Đỉnh - một trong 9 đỉnh đồng đặt trong Thế Miếu (Đại nội Huế) từ năm 1836, được tụng ca “Hoan Châu đệ nhất danh lam” khi giữ ngôi vị đứng đầu trong 21 thắng cảnh nổi bật mà thiên nhiên hào phóng ban tặng xứ Nghệ.

Truyền thuyết kể rằng, công chúa Diệu Thiện - con gái út Trang Vương nước Sở bị vua cha ép gả cho một quan võ ác độc nên phẫn chí tìm tới cửa Phật tu hành. Nhờ sự chở che của đức Phật cùng các tăng ni, nàng được cứu thoát khi võ quan xuống tay phóng hỏa đốt chùa. Được thần Bạch Hổ bảo vệ, nàng trốn sang đất cổ Việt Thường (Hà Tĩnh ngày nay), dừng chân ở dãy Hồng Lĩnh dựng am tu hành và trở thành một sư cô nổi tiếng nhân hậu, thương người. Hay tin Sở Trang Vương lâm trọng bệnh, nàng không ngại ngần hiến dâng cả tròng mắt cùng bàn tay để cứu cha. Cảm tấm lòng hiếu thảo của Diệu Thiện, Phật Tổ đã cho nàng hóa Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt. Nơi nàng tu hành đắc đạo, người dân đã dựng chùa tưởng nhớ. Trường tồn qua tám thế kỷ thăng trầm dâu bể, Hương Tích cổ tự vẫn khoe vẻ trầm mặc, thâm nghiêm trên đỉnh non Hồng, để chuyển tải trọn vẹn triết lý nhân văn của nhà Phật, nhắc nhở con người hãy luôn mang cái tâm từ bi hỉ xả để đối đãi chúng sinh.

Chùa Hương Tích là một quần thể di tích văn hóa tôn giáo Việt cổ kính gồm cả chùa thờ Phật, đền thờ Thần cùng một số không gian thờ tự mang đậm nét đặc trưng của tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ Mẫu. Quần thể gồm ba phần chính: Thượng Điện - đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Rải rác chung quanh có miếu Cô, am Phun mây, động Tiên nữ, suối Tiên, khe Quỷ Khốc...

Đáng tiếc là sau trận hỏa hoạn lớn năm 1885, phần lớn những tuyệt tác kiến trúc, hiện vật làm nên giá trị cho Hương Tích cổ tự đã bị thiêu rụi, chỉ còn sót lại một số kiến trúc đơn lẻ như nền Trang Vương, cùng gạch lát thời Trần, quả chuông thời Lê và một số pho tượng cổ... Đáng tiếc nữa là Phật phả và Bia ký cũng không còn nên sử liệu ghi chép thời gian xây chùa chỉ dựa trên phỏng đoán của các nhà nghiên cứu về sau.

Phải tới đầu thế kỷ 20, chùa mới được Tổng đốc An - Tĩnh Đào Tấn vận động xây dựng lại. Trải qua hơn một thế kỷ, chùa đã được trùng tu tôn tạo vào năm 2006. Ngoài chùa Thượng và bảo tháp 13 tầng vừa được xây mới trên nền Trang Vương, quần thể chùa hiện vẫn còn gìn giữ vẹn nguyên những cấu trúc xưa cũ như nền và tảng đá của am Phổ Hiền, miếu Cô, am Bát Cảnh, khu tưởng niệm Võ Liêm Sơn, mộ Trạng Bạch Liêu... Tất cả giúp Hương Tích trở thành một di sản văn hóa-tín ngưỡng vô giá của Hà Tĩnh nói riêng, của cả nước nói chung.

Du xuân chốn “Hoan châu đệ nhất danh lam” ảnh 1

Am Phật Bà trầm mặc, cổ kính với những viên gạch có tuổi đời nhiều thế kỷ.

Điểm đến du lịch không thể bỏ qua

Nằm ở độ cao 650 mét so với mực nước biển, trên dãy núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), chùa Hương Tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1990. Để phát huy tiềm năng, lợi thế cũng như các giá trị di sản của ngôi chùa có tuổi đời tám thế kỷ này, từ năm 2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận nơi đây là Khu du lịch cấp tỉnh.

Những ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh danh sơn luôn được coi là chốn linh thiêng, chùa Hương Tích cũng không ngoại lệ. Bởi như Thượng tọa Thích Đức Thiện từng lý giải: “trong vũ trụ quan Phật giáo, những ngọn núi bao giờ cũng được coi điểm đến linh thiêng. Bởi thế cho nên, trên những ngọn núi long mạch dồi dào bao giờ cũng có những ngôi chùa tọa lạc. Để hội tụ, để giữ gìn linh khí và nguyên khí, phát sinh tú khí và vượng khí”.

Những “linh khí, nguyên khí, tú khí và vượng khí” nơi non thiêng Hồng Lĩnh là điều mà khách thập phương đều cảm nhận được, khi đến với ngôi cổ tự tuyệt đẹp này. Đường lên chùa khiến du khách có cảm giác như lạc vào cõi tiên, dù chọn đi bộ hay ngồi trên xe điện, sắc xanh mướt của rừng thông bao phủ những con đường uốn khúc ngoằn ngoèo mờ ảo trong màn sương, quấn quít những dải mây vờn khiến hành trình trở nên vô cùng lãng mạn như thể đang phiêu du nơi xứ sở ngàn thông Đà Lạt. Từ khu nhà của Ban quản lý di tích, khách thập phương có nhiều cách để thưởng lãm khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, để thỏa sức ngắm nhìn giang sơn cẩm tú trên đường hành hương. Người dẻo chân chọn đi bộ khoảng 3km theo triền núi để đến miếu Linh Sơn rồi lên chùa chính. Người thích thong dong thưởng lãm cảnh sắc sơn thủy hữu tình thì chọn đi thuyền trên hồ Nhà Đường, vượt qua một cây số rưỡi để đặt chân tới miếu Cô và sau đó, đi bộ tiếp hay sử dụng cáp treo, tùy thích! Người muốn tiết kiệm thời gian thì hoặc đi bộ/ đi xe điện hoặc đi thuyền tới miếu Cô rồi lên cabin cáp treo, để có thể thu vào tầm mắt cả một rừng hoa dẻ khoe sắc tỏa hương bạt ngàn bên dưới.

Chiến lược phát triển của huyện Can Lộc đã xác định, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch là một trong ba mũi đột phá của kinh tế địa phương, trong đó chùa Hương Tích được xem là điểm nhấn quan trọng của các tour tuyến du lịch văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm trên địa bàn. Giai đoạn 1 của Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng với nguồn vốn đầu tư 130 tỷ đồng đã khoác tấm áo mới đầy sinh khí cho Khu du lịch. Đường xe điện lên ga cáp treo, bãi giữ xe, quảng trường, hệ thống chiếu sáng... được nâng cấp, mở rộng khang trang. Không chỉ cải thiện hạ tầng, huyện cũng đã đổi mới hình thức quản lý, phối hợp với các công ty lữ hành để quảng bá, kết nối tuyến điểm. Ông Nguyễn Tiến Trình, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty lữ hành Thành Sen rất hài lòng hiệu ứng tích cực mà dịch vụ trọn gói do Trung tâm điều hành và hỗ trợ dịch vụ du lịch chùa Hương Tích của công ty cung cấp từ đầu năm 2021, khi được đánh giá là hình thức chăm sóc khách hàng hấp dẫn, chất lượng và thu hút số khách sử dụng liên tục tăng. Nhờ những nỗ lực đó, theo ông Võ Thành Chung, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch Chùa Hương Tích thì trong năm 2022, khoảng 160 nghìn khách, chủ yếu từ nội tỉnh và các tỉnh phía bắc đã lựa chọn đến với miền đất Phật.

Du xuân chốn “Hoan châu đệ nhất danh lam” ảnh 2

Mây vờn Bảo tháp. Ảnh trong bài | BQL khu du lịch chủa Hương Tích cung cấp.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chùa Hương Tích thuộc vùng du lịch trung tâm của tỉnh. “Đề án tổng thể quản lý, đầu tư khai thác và phát triển du lịch, dịch vụ tại Khu du lịch chùa Hương Tích” do BQL xây dựng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đây sẽ là khu du lịch trọng điểm, là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, là trung tâm trong chuỗi các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2025, ngôi chùa được dự báo sẽ đón 250 nghìn lượt khách, con số tương ứng cho năm 2030 là 400 nghìn.

Chùa Hương Tích khai hội vào mồng 6 tháng Giêng hằng năm. Lễ khánh đản Quan Thế Âm Bồ Tát - chính lễ diễn ra vào ngày 18 tháng Hai âm lịch. Trải qua bao thăng trầm biến thiên thời cuộc, Hương Tích tự vẫn trường tồn trong ký ức văn hóa của cư dân bản địa, vẫn là điểm đến thu hút mọi du khách gần xa. Như bao đời nay, vẫn thế!