Mới đây, cuốn du ký thứ tư của anh - Hẹn hò với Paris đã hết nhanh đến mức được tái bản ngay trong ngày ra mắt. Những cuốn trước Nghìn ngày nước Ý nghìn ngày yêu, Phút 90++, Nước Ý câu chuyện tình của tôi cũng đều được tái bản nhiều lần. Nhiều sách du ký của các tác giả khác như Tôi là một con lừa, Con đường Hồi giáo của Nguyễn Phương Mai, Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero của nhà báo Nguyễn Tập, Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ của Dương Thụy... cũng bán rất chạy. Có cảm giác giờ đây cứ sách du ký là chắc chắn đắt khách. Anh có nghĩ vậy không?
Tôi nhận thấy rằng, sách du ký luôn có độc giả, thậm chí ngày càng trở nên thu hút độc giả hơn trước đây. Bây giờ, cơ hội đi ra thế giới của chúng ta ngày càng nhiều hơn, dễ dàng hơn, khả năng tiếp cận thông tin của độc giả cũng như của chính những người lữ hành Việt Nam ra thế giới cũng đa dạng hơn. Do đó, nhu cầu được nhìn và cảm nhận thế giới của độc giả người Việt cũng như nhu cầu đi ra thế giới, viết, chụp ảnh và chia sẻ của người Việt cho đồng bào mình cũng lớn hơn.
Có một thời, chúng ta từng say sưa đọc những cuốn sách du ký hoặc tiểu thuyết có tính chất du ký của các tác giả nước ngoài. Nhưng bây giờ là thời của người Việt đi ra thế giới và viết du ký. Tôi tin là rồi đây sẽ có nhiều những cuốn sách du ký như thế nữa được xuất bản. Và sẽ dần hình thành dòng văn học du ký như tôi đã thấy ở phương Tây. Bởi số đầu sách du ký xuất bản trong những năm qua khá nhiều, nhưng nếu so với dòng sách này ở nước ngoài thì vẫn chưa thấm tháp gì.
Trong nhiều chuyến đi, anh đã chia sẻ những cảm xúc nóng hổi ngay trên trang facebook cá nhân. Chúng đều thu hút lượng đọc, yêu thích và chia sẻ khá lớn của cộng đồng mạng. Vậy khi tái hiện những hành trình đó trong sách du ký, anh làm thế nào để nó khác đi, cả về nội dung lẫn giọng điệu?
Facebook có một tác dụng rất hay. Nó cho phép tôi ghi lại những cảm xúc tức thời cùng những ấn tượng sâu đậm lắng đọng lại sau các chuyến đi kèm theo những tấm ảnh chụp về từng điểm đến. Facebook là nơi tôi thể hiện cảm xúc trước, trong hoặc sau các hành trình, và chính nó giúp tôi thu hút các độc giả của mình. Một cuốn sách du ký không phải là một tập hợp các ghi chép trên Facebook, vì nó cần sự sâu lắng, cần những sợi dây xuyên suốt để tạo thành những câu chuyện để kể. Tôi viết những cuốn sách của mình dựa trên rất nhiều những ghi chép cá nhân, khá nhiều trong số đó không hề được chia sẻ trên Facebook.
Tuy nhiên, phải nói là Facebook giúp ích rất nhiều cho những người lữ hành viết sách như tôi. Nó giúp độc giả biết tôi đang ở đâu, đang đi đâu, cảm xúc thế nào. Và nó cũng có thể gợi mở những điểm đến mà tôi sẽ đề cập, trong cuốn sách du ký tiếp theo của tôi. Tóm lại, nó giúp tôi bán sách (cười).
Có lẽ trường hợp tác giả Huyền Chip và những nghi vấn quanh cuốn Xách ba lô lên và đi là một trong những dấu mốc đáng nhớ của sách du ký. Anh nghĩ thế nào về tính xác thực trong những cuốn du ký, khi mà việc kiểm chứng từng chi tiết cũng không dễ dàng gì. Liệu trong thể loại này, người ta có thể “hư cấu” đến đâu?
Khi một tác giả phải đứng ra thanh minh trước các độc giả về những chi tiết bị nghi ngờ là “hư cấu” hoặc “phóng đại”, tôi nghĩ, người đó có thể thành công trong việc thu hút sự chú ý của dư luận để cuốn sách ấy luôn được nhắc tới, được mua để tiếp tục “bới lông tìm vết”. Tuy nhiên về mặt tư cách của người viết sách, đấy nên coi là một thất bại.
Du ký, theo tôi, không phải tiểu thuyết, mà là viết về các chuyến đi thật, với người thật và việc thật. Không ít những nhà văn lữ hành đã thành công và gây tiếng vang nhờ không chỉ lột tả được sự chân thật và sống động của những chuyến đi mà họ là nhân vật chính mà còn thể hiện được con người và thế giới đã chuyển động thế nào trong những hành trình của họ. Họ thành công không phải nhờ vào việc đưa vào các tình tiết câu khách hoặc gây tranh cãi, mà ở việc thể hiện được cảm xúc, những trải nghiệm rất thật. Du ký không thể dung nạp các yếu tố hư cấu hoặc giả thực tế được.
Khi tôi là người lữ hành đã đi khắp nơi và viết đồng nghĩa với việc tôi ghi lại với cảm xúc của người lữ hành, tôi thu thập thông tin và cảm nhận với tư cách của một nhà báo, tôi thể hiện cảm xúc trần trụi của mình với tư cách của người khám phá thế giới. Bản thân những chia sẻ đó đã tiềm ẩn quá nhiều yếu tố mới lạ, hấp dẫn với bạn đọc. Vậy thì cần gì phải hư cấu nữa?
Anh có nghĩ những người Việt thích thể loại du ký là những người cả đời ít đi đâu nên đành phải lấy trải nghiệm của người viết sách du ký để lấp khoảng trống đó không?
Tôi không nghĩ vậy. Họ đọc sách du ký vì họ cũng thích khám phá thế giới, muốn được cảm nhận thế giới. Và tôi nhận thấy độc giả của thể loại này hầu hết là những người rất trẻ. Họ cũng khao khát lên đường như chính những người đã và đang đi như tôi, nhưng có thể họ chưa có hoặc hiện tại ít có cơ hội. Bản thân tôi cũng thường xuyên đọc các sách du ký của nhiều tác giả, cả trong và ngoài nước. Tôi cũng đặt các tạp chí du lịch nước ngoài và đọc say sưa. Một người đi nhiều như tôi vẫn phải thường xuyên nạp thông tin, nạp năng lượng và cả động lực để đi tiếp, đi mãi. Đấy là lý do tại sao tôi tin rằng, những gì mình viết ra trong những trang sách và cả trên Facebook, với hashtag #dikhitacontre, là rất có ích. Vì chúng tạo động lực cho các độc giả, nhất là người trẻ, đi ra với thế giới.
Theo anh, điều độc giả Việt Nam cần nhất trong những cuốn sách du ký là kiến thức hay trải nghiệm?
Họ cần kiến thức và kỹ năng sống cũng như chính các trải nghiệm ấy. Tuy nhiên, câu đầu tiên mà họ thường hỏi, mỗi khi đọc các bài viết về đề tài du lịch hoặc trải nghiệm thế giới của người lữ hành (mà ở đây là cá nhân tôi) nhằm khuyến khích họ lên đường, là: “Tôi lấy tiền đâu mà đi”. Đây chính là sự khác biệt lớn giữa các bạn trẻ của ta và bạn trẻ đồng trang lứa phương Tây. Họ tự lập hơn, họ đi sớm hơn, họ có nhiều kỹ năng và sẵn sàng bước ra thế giới mà không sợ hãi hay ngại ngùng. Đồng nghĩa với “tiền đâu để đi” không phải là câu hỏi và thách thức lớn nhất đối với họ. Thế nên, tôi luôn nói với các độc giả của mình rằng, điều quan trọng nhất để chuẩn bị cho các chuyến đi luôn phải là sự dũng cảm và khao khát bước ra, tìm hiểu chung quanh. Thế giới rất rộng, mà chúng ta chỉ được sống có một lần. Hãy đi khi còn trẻ, đi ngay khi nào có thể, từ những chuyến ngắn, rồi tới những chuyến dài. Ta lớn lên, ta dạn dày hơn, ta yêu cuộc sống hơn chính từ những chuyến đi như thế.
Để hình thành một thị trường sách du ký ở Việt Nam, chúng ta nên có thêm những dạng sách du ký như thế nào? Và người làm sách du ký cần cẩn trọng trước nguy cơ gì, thưa anh?
Hiện tại, chúng ta đang thiếu dạng sách du ký theo kiểu những chiêm nghiệm cuộc đời, những triết lý đời ta tích lũy được sau các chuyến đi và thiếu cả những cuốn sách ảnh du ký. Đấy là hai dạng sách mà tôi đang dự kiến làm. Còn nguy cơ mà người làm sách du ký phải cẩn trọng ư? Tôi nghĩ, đó là sự lặp lại chính mình, sự sáo mòn hoặc thiếu thực tế đến mức phải bịa ra chi tiết hoặc nhân vật, rồi gọi đó là “hư cấu”. Điều đáng sợ nhất chính là khi tác giả không còn khao khát trải nghiệm nữa, nhưng vẫn cố “rặn” ra để viết.
Tác giả Trương Anh Ngọc là người yêu mến thể loại du ký từ nhỏ. Những cuốn sách du ký của anh chuyển tải cảm xúc say đắm trong những chuyến đi và suy tư về những thân phận con người ở nơi anh từng đặt chân đến. Trong dòng chảy cảm xúc đó, anh cũng đề cập tới các vấn đề xã hội, chính trị như phân hóa giàu nghèo, phân biệt chủng tộc, xung đột tôn giáo thông qua góc nhìn cảm thông thấm thía nhưng cũng rất lạc quan. Giọng văn sôi nổi, với những câu dài liên tiếp có nhịp điệu trùng điệp. Các số liệu trong sách cũng dày dặn vì anh vốn là người yêu thích thống kê.
Nhà báo Trương Anh Ngọc, phóng viên thường trú của TTXVN tại Italia cũng là gương mặt quen thuộc trên các chương trình bình luận bóng đá lớn trong nước. Anh cũng là phóng viên Việt Nam đầu tiên và duy nhất tham gia bình chọn Quả bóng vàng cho cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hằng năm.