Ca sĩ Trọng Tấn:

Dòng nhạc cách mạng có vị trí rất quan trọng

Trọng Tấn (ảnh bên) là một trong số ít những giọng ca tiêu biểu của dòng nhạc cách mạng. Cách hát vừa hào sảng vừa mềm mại, trữ tình đã tạo cho anh một dấu ấn rất riêng, khi thể hiện những ca khúc song hành cùng rộng dài đất nước. Nhìn lại chặng đường 15 năm gắn bó, dòng nhạc mà công chúng vẫn chọn cách gọi nôm na là "nhạc đỏ" đã mang lại cho Trọng Tấn cả thành công trong sự nghiệp lẫn tình cảm yêu mến của đông đảo khán giả.

Dòng nhạc cách mạng có vị trí rất quan trọng

Anh có nhớ, ca khúc nhạc đỏ đầu tiên được thể hiện trong hoàn cảnh nào?

Đó là bài hát Hà Nội niềm tin và hy vọng, do thầy Trần Hiếu và cô Minh Huệ dựng cho khi thi vào Nhạc viện Hà Nội. Sau khi nghe tôi hát thử Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, thầy cô nhắn tôi qua nhà chọn bài để thi… Và tôi nhớ mình đã tập rất nhanh, chỉ sau một buổi là thể hiện được ngay bài hát đó.

Thương hiệu ca sĩ chuyên nhạc đỏ của Tấn bắt đầu hình thành từ khi nào?

Chắc chắn từ ca khúc Tiếng đàn bầu mà tôi trình bày tại cuộc thi Tiếng hát Truyền hình toàn quốc 1999. Được cô Huệ lựa cho, tôi thấy rất hợp vì trước đó đã có nhiều lần thể hiện những ca khúc mang âm hưởng dân gian. Tôi nhớ đã phải ra tận DIHAVINA mua băng của ca sĩ Kiều Hưng, người để lại dấu ấn quá sâu đậm với Tiếng đàn bầu để tập theo. Rồi tôi mang tất cả cảm nhận hồn nhiên, thậm chí có đôi chút bỡ ngỡ ban đầu vào bài thi. May mắn là ban giám khảo và khán giả đều thích cái chất mộc mạc, dung dị, không lên gân hay gồng mình ấy. Sau này nhìn lại, tôi nghĩ lý do mình được công chúng mở lòng cũng vì sự vắng mặt rất lâu của giọng ca vàng này đã biến mọi ký ức thành hoài niệm đẹp. Vì thế, họ lập tức đón nhận một giọng hát trẻ mà không hề có sự so sánh, phân bì.

Sau khi đoạt giải, tôi cho ra đời hai đĩa Tiếng đàn bầu, Rặng trâm bầu và bắt đầu được mời thể hiện những ca khúc này trong các chương trình lớn. Trước đó, tôi cùng Việt Hoàn, Đăng Dương lập một tam ca trong một cuộc thi sinh viên, rồi dàn dựng Việt Nam quê hương tôi, Đường chúng ta đi... để trình diễn trong một vài chương trình và được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Đã từng thể hiện rất nhiều ca khúc cách mạng, bạn cảm thấy có nhiều duyên nợ và kỷ niệm với tác phẩm nào?

Có lẽ là Tiếng đàn bầu, đến bây giờ đi diễn các nơi, tôi vẫn được yêu cầu biểu diễn rất nhiều. Nhiều tác phẩm khác cũng được số đông thích và nhớ như Sông Dakrong mùa xuân về, Gửi em chiếc nón bài thơ, Đảng là cuộc sống của tôi… Đó là còn chưa kể những bài nhạc đỏ gắn với cuộc sống thời bình cũng được nhiều khán giả yêu thích. Thí dụ Cung đàn mùa xuân là bài hát mà mọi người luôn muốn được nghe. Không khí phơi phới của nó rất phù hợp trong một hội nghị tổng kết, một sự kiện của tập đoàn, công ty v.v.

Vậy nói biên độ phủ sóng của ca sĩ nhạc đỏ rộng hơn các dòng nhạc khác liệu có chính xác?

Theo cảm nhận của tôi, ở miền bắc là tương đối rộng. Tất cả sự kiện từ nhỏ đến lớn, từ địa phương tới trung ương đa phần đều mời ca sĩ thể hiện các tác phẩm thuộc hai dòng nhạc, cách mạng và dân gian.

Nhìn lại 15 năm ca hát, có vẻ như nhạc đỏ đã mang lại cho Tấn rất nhiều. Vậy, ở chiều ngược lại, nó có lấy của bạn cái gì không?

Không hề. Nhờ mối duyên cùng với niềm đam mê công việc, công chúng còn yêu quý thì tôi còn cất lên tiếng hát. Được thể hiện những ca khúc gắn liền với những trang sử vàng đất nước khiến tôi luôn cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Cũng may là tuy đóng đinh tên tuổi với dòng nhạc đỏ nhưng khán giả vẫn chấp nhận người hát thử sức trong những địa hạt mới mẻ hơn. Thí dụ, sau khi tôi ra đĩa nhạc pop thì những ca khúc nhạc trẻ như Ngõ vắng xôn xao, Chuyện tình của biển… lập tức được yêu cầu trong các chương trình sự kiện. Mình gắn hình ảnh với nhạc đỏ nhưng khi hát dòng khác thấy đạt thì khán giả vẫn chấp nhận thôi.

Nhưng có bao giờ bạn chợt băn khoăn, khi thấy mình toàn hát lại những tác phẩm nhiều người đã từng thể hiện và ghi dấu ấn?

Âm nhạc là thế, đặc biệt là ở Việt Nam. Phải nói sự phát triển âm nhạc Việt Nam có sự đặc biệt hơn các nước khác. Mỹ hoặc các quốc gia châu Âu đều phải trải qua Đại chiến nhưng ảnh hưởng chiến tranh sâu đậm nhất là ở Đông Âu. Vậy nên Nga và phần nào Ba Lan, Tiệp Khắc có một dạng của âm nhạc cách mạng, hồng quân mà các nước châu Âu còn lại tuyệt nhiên không có. Chúng ta được hưởng hòa bình mới có 40 năm. Nền âm nhạc, ở một số thời kỳ, được gọi là nền âm nhạc cách mạng (cũng như báo chí cách mạng), để thấy nỗ lực của cả một dân tộc, khi dồn toàn bộ tâm sức cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sau đó là tái thiết, dựng xây đất nước. Bởi tính chất lịch sử rất khác nên đã tạo ra một đời sống âm nhạc rất khác so với bè bạn quốc tế. Mới đây, khi tôi đi chấm thi Giải Sao Mai 2015 ở châu Âu, các bạn trẻ sinh ra bên đó, vốn tiếng Việt còn lõm bõm đã thắc mắc: Nhạc đỏ là gì hả chú, tại sao Việt Nam mình có nhạc đỏ mà các nước lại không? Thật khó trả lời đầy đủ, bởi với những người không hiểu rõ lịch sử thì cũng rất khó cắt nghĩa tại sao nhạc đỏ tồn tại, tại sao nó lại ăn sâu vào tiềm thức và lại có một vị trí rất quan trọng trong đời sống âm nhạc ở Việt Nam như thế.

Được thể hiện những ca khúc gắn liền với những trang sử vàng đất nước khiến tôi luôn cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Từ những năm 1990, Việt Nam mới bắt đầu xuất hiện lớp nhạc sĩ viết nhạc nhẹ, nhưng số lượng và giá trị tác phẩm hình như chưa tương xứng với kỳ vọng của công chúng. Với những nghệ sĩ sáng tạo như chúng tôi, muốn chọn những tác phẩm mới đạt giá trị nghệ thuật cao cũng phải chờ lâu lâu mới có. Để thấy, phát triển một nền âm nhạc ở Việt Nam là cả một sự dung hòa. Có thể cập nhật xu hướng mới nhưng vẫn phải nhìn lại lịch sử, xã hội của mình đang cho phép đến đâu.

Dù vậy, dòng nhạc đỏ vẫn tiếp tục chảy, với những tác phẩm mới, thưa anh?

Vừa rồi, tác giả Trần Trung Cẩn có Tổ quốc gọi tên mình cũng có thể được xếp vào nhạc đỏ. Điều đó cho thấy, nếu hôm nay người sáng tác thực sự có rung cảm với vận mệnh, lịch sử đất nước thì tự nhiên tác phẩm cũng có đời sống chứ. Có thể kể thêm Miền xa thẳm của Đức Trịnh, Gió lộng bốn phương của Trần Mạnh Hùng… Hôm trước, tôi nghe Đức Trịnh tâm sự, rằng anh viết Miền xa thẳm như là bị “nhập”: “Tôi không phải người hoạt ngôn lắm về văn học, thi thoảng cũng phổ thơ thôi, nhưng bài đấy tôi viết đúng hai tiếng đồng hồ”. Tuy nhiên, những nhạc sĩ có kỹ thuật tốt và tâm huyết với đất nước vẫn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm tốt, nhưng nó không hình thành cả một dòng chảy như ngày xưa. Khi mọi nguồn lực, trí tuệ đều dồn vào thì nó ra cả một nền âm nhạc. Tôi nghĩ thế.

Ca sĩ Trọng Tấn tên đầy đủ là Vũ Trọng Tấn, sinh năm 1976, tại Bá Thước, Thanh Hóa. Thi vào Nhạc viện Hà Nội năm 1995, giành giải nhất Giọng hát hay Hà Nội năm 1997; giải nhất Tiếng hát Truyền hình toàn quốc năm 1999. Tính từ album đầu tay Tiếng đàn bầu, đến nay đã có 12 album trong dòng nhạc cách mạng, trữ tình mà mới nhất là album Khúc hát về em. Trọng Tấn tốt nghiệp Thạc sĩ, từng là giảng viên tại Khoa Thanh nhạc, Học viện Quốc gia Việt Nam. Hiện anh là ca sĩ tự do và vừa thành lập Công ty tổ chức sự kiện giải trí Hoa Đăng đầu năm 2015.
Dòng nhạc cách mạng có vị trí rất quan trọng ảnh 1

Trọng Tấn trình diễn ca khúc Tiếng đàn bầu trong chương trình Giai điệu tự hào số tháng 1-2015. Ảnh: Zingvn