Dấu hiệu nhận biết
Thời gian gần đây, trong báo cáo tháng, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 thường xuyên cập nhật Vấn đề nổi bật trong tháng với nội dung, như: "Tổng đài nhận được nhiều báo cáo về tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng như làm quen, dụ dỗ, ép trẻ quay, gửi clip, hình ảnh nhạy cảm của bản thân và dùng chính những hình ảnh, clip này để đe dọa, bắt nạt trẻ trên mạng, dẫn đến các vụ xâm hại ngoài đời thực" hay "Trẻ em và phụ huynh trao đổi vấn đề liên quan con bị tẩy chay, lập nhóm nói xấu trên mạng xã hội, khiến trẻ bị tổn thương tâm lý, sợ không dám đến trường lớp".
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, nơi internet là phổ biến, mà vươn đến nhiều nơi trên cả nước. Thí dụ vụ việc được Tổng đài ghi nhận tháng 12/2023, tại Mộc Châu, Sơn La, một em gái sinh năm 2009, người dân tộc Dao, bị nhóm bạn cùng trường lập nhóm đăng hình ảnh, nói xấu trên mạng xã hội, khiến em muốn nghỉ học, do cảm thấy bản thân bị cô lập.
Tác động tiêu cực dễ thấy nhất có thể kể đến, trẻ có cảm giác xấu hổ, lo lắng, bồn chồn và luôn bất an về những điều người chung quanh nói, hay nghĩ về mình. Dẫn đến hành vi thu mình, né tránh bạn bè, gia đình, suy nghĩ tiêu cực, có hiện tượng thường xuyên đau đầu, buồn nôn, đau bụng,... Và hệ quả có thể là trẻ muốn bỏ học, tìm đến các chất kích thích để giải tỏa, hay tệ nhất là làm hại bản thân.
Trước khi nói về các biện pháp đồng hành, hỗ trợ trẻ vượt qua chướng ngại tâm lý tiêu cực nêu trên, điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần sớm phát hiện các dấu hiệu về việc con em, học sinh của mình có thể đang gặp phải. Theo UNICEF Việt Nam, phụ huynh, người chăm sóc trẻ có thể quan sát bốn yếu tố: Về Suy nghĩ, trẻ hay có các ý nghĩ, lời nói than phiền về việc bị đe dọa, bắt nạt, vu khống, ném đá từ người khác, hay tự đánh giá bản thân thấp kém, tệ hại,…
Về Cảm xúc, trẻ có thể xuất hiện các biểu hiện lo âu, buồn bã, căng thẳng, tức giận kéo dài, đặc biệt mỗi khi sử dụng hoặc đề cập đến mạng xã hội. Về Hành vi, trẻ liên tục kiểm tra mạng xã hội hoặc đột ngột ngưng sử dụng mạng xã hội, điện thoại, máy tính…; trẻ thay đổi thói quen ăn uống, giấc ngủ; hành vi tự hại hoặc tự sát. Về các yếu tố khác, trẻ thường xuyên trốn học, không chịu đến trường; kết quả học tập giảm sút.
Biện pháp hỗ trợ
Khi nhận thấy bắt nạt qua mạng dần trở thành vấn đề lớn đối với trẻ em toàn thế giới, UNICEF đã thực hiện và phổ biến rộng khắp, bảng hướng dẫn dành cho trẻ và cả phụ huynh về các bước cần làm khi không may trở thành nạn nhân. Bước đầu tiên, chặn ngay tài khoản mạng xã hội với mục đích đe dọa; tránh kích thích đối tượng xấu; lưu giữ bằng chứng; nói chuyện với người tin cậy; báo cơ quan chức năng; đổi mật khẩu tài khoản mạng xã hội.
Trong đó, bước quan trọng nhất chắc chắn là Nói cho người tin cậy, có nghĩa, gia đình, nhà trường, luôn cần nhắc nhở trẻ phải tìm cho bản thân một người tin tưởng, bên cạnh bạn bè để chia sẻ. Trong trường hợp này, cha mẹ nếu trước đó đã tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ, luôn lắng nghe chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống với con thì gia đình sẽ luôn là địa chỉ ưu tiên số một. Cùng với đó, tuyên truyền, nói với trẻ về các kênh hỗ trợ khác như: Tổng đài Trẻ em - nơi các em được bảo mật hoàn toàn thông tin, gần hơn là phòng Công tác xã hội tại nhà trường,... Tức là phải cho trẻ thấy các em có rất nhiều nơi để chia sẻ và được nhận hỗ trợ.
PGS, TS Trần Thành Nam (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), có lời khuyên dành cho các phu huynh, người chăm sóc trẻ: "Khi phát hiện con là nạn nhân của bạo lực mạng. Điều đầu tiên cha mẹ cần làm là bảo đảm môi trường an toàn cho con; tạo không gian để con cởi mở chia sẻ về trải nghiệm của mình. Cha mẹ phải tin tưởng, không nóng giận và không được phán xét hay đổ lỗi. Cha mẹ lưu lại các bằng chứng của bạo lực mạng với thời gian địa điểm cụ thể. Có phương pháp bảo vệ trẻ không tiếp xúc với kẻ bắt nạt như chặn, báo cáo, thay đổi mật khẩu và giới hạn thời gian sử dụng mạng. Cha mẹ cũng có thể trao đổi với giáo viên, cơ quan chức năng để bảo vệ trẻ, liên hệ chuyên gia tâm lý để tư vấn hỗ trợ tâm lý cho con. Về lâu dài, cần giáo dục và nâng cao kỹ năng sử dụng mạng an toàn, bảo vệ thông tin cá nhân và kịp thời chia sẻ với cha mẹ bất cứ những tình huống nào con cảm thấy không đúng hoặc không phù hợp trên mạng".
Hơn nữa, hiện nay các nền tảng mạng xã hội sau khi nhận được phản hồi của người dùng đã cập nhật nhiều phương pháp có thể tố cáo, ngăn chặn các hành vi bắt nạt qua mạng. Với Facebook/Instagram người dùng có thể hạn chế người xem tài khoản, kiểm duyệt bình luận. Và họ luôn kêu gọi người dùng hãy hỗ trợ họ làm sạch không gian mạng bằng cách ấn nút Báo cáo khi phát hiện tài khoản đáng nghi. Với Twitter, nếu chứng kiến bạn bè hoặc người thân bị bắt nạt, người dùng có thể thay mặt nạn nhân gửi Báo cáo từ người chứng kiến.
Hiện đã có rất nhiều biện pháp hỗ trợ, nhưng rõ ràng "phòng bệnh hơn chữa bệnh", trang bị cho trẻ những kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn càng sớm càng tốt mới là biện pháp hiệu quả nhất.