Dòng chảy liên tục

Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) hiện đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...
0:00 / 0:00
0:00

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Mua bán - sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 (M&A Vietnam Forum 2023) lần thứ 15 do Báo Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã công bố những con số rất đáng chú ý khi đã có hơn 5.000 thương vụ M&A, tổng giá trị ước đạt 66 tỷ USD được thực hiện trong 15 năm qua.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hết tháng 10/2023, theo ước tính của KPMG, tổng giá trị thương vụ của thị trường Việt Nam mới đạt hơn 4,4 tỷ USD, dự báo khó có thể đạt đến con số gần 6,8 tỷ USD của năm ngoái và tất nhiên là cách rất xa so với mức đỉnh vào năm 2021 với tổng giá trị thương vụ hơn 10,8 tỷ USD. Nhưng trong thực tế, chưa thể kết luận sự sụt giảm theo xu thế chung là rủi ro, vì cần nhấn mạnh một điều rằng, khi nền kinh tế hay thị trường tài chính đối mặt với thách thức thì đó lại là cơ hội vàng cho các hoạt động M&A và dòng chảy này vẫn trên đà tăng trong 15 năm qua.

Một điều dễ thấy nhất là Diễn đàn M&A 2023 vẫn đầy ắp khách mời và thậm chí còn rơi vào tình trạng “cháy vé” khi rất nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các nhà tư vấn, hãng luật đều mong muốn tham dự để tìm ra những thương vụ phù hợp cho mình. M&A từ chỗ là một nghiệp vụ xa lạ, thậm chí ban đầu còn nhận phải “ác cảm” giờ đã được nhìn nhận, sử dụng đa dạng ở nhiều quy mô khác nhau và ngày càng có nhiều bên tham gia. TS Phạm Linh, chuyên gia tài chính, một người thường xuyên tham dự Diễn đàn M&A nhấn mạnh: Có thể nói là ngoài những cơ hội dành cho các bên mua - bán, kết nối, thì những báo cáo chuyên sâu mà các chuyên gia tại diễn đàn thực hiện và công bố sẽ góp phần quan trọng để phác thảo bức tranh về thị trường M&A. Một thị trường mà số liệu, báo cáo đa dạng thì càng minh bạch, chuyên nghiệp, sẽ có cơ hội thu hút được những dòng vốn dài hạn, bền vững.

Nhìn theo hướng ngược lại thì rõ ràng, thị trường M&A đã phát triển không ngừng nên mới có một cơ sở dữ liệu khổng lồ để thực hiện báo cáo. “Số liệu M&A hiện nay rất nhiều và phải cập nhật liên tục vì các thương vụ lớn - nhỏ vẫn được thực hiện cho dù nền kinh tế đang đối mặt với một số thách thức. Ngay sau diễn đàn này, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục công bố một báo cáo chuyên sâu do các chuyên gia hàng đầu thực hiện”, ông Nguyễn Hồng, Phó Tổng Biên tập Báo Đầu tư, người đã tổ chức Diễn đàn M&A trong suốt 15 năm vừa qua cho biết.

Thực tế, thị trường M&A Việt Nam chưa bao giờ giảm sự hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thị trường tiêu dùng nội địa không ngừng tăng nhanh. Tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo “Bức tranh lớn: Triển vọng M&A 2024” của S&P Global phát hành ngày 15/11/2023, mặc dù hoạt động M&A toàn cầu chững lại trong gần như suốt năm 2023 nhưng đang có nhiều tác nhân tiềm năng thúc đẩy các nhà tạo lập thương vụ bứt lên trong năm tới. Việc Fed dừng tăng lãi suất tạo ra một môi trường lãi suất ổn định, sẽ thúc đẩy các thương vụ và nâng triển vọng của thị trường M&A toàn cầu trong năm tới.