Nhận diện cơ hội
Đến nay, việc làm xanh vẫn còn là khái niệm khá mới và chưa được thống nhất, với phạm vi bao trùm rộng. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/10/2021 đưa ra định nghĩa về việc làm xanh là "… việc làm ở nông nghiệp, sản xuất, nghiên cứu và phát triển, các hoạt động hành chính và dịch vụ, góp phần đáng kể vào việc bảo tồn, phục hồi chất lượng môi trường". Từ định nghĩa khá rộng như thế này, chúng ta có thể tìm hiểu xem, việc làm xanh hiện diện trong đời sống như thế nào?
Nhu cầu về việc làm xanh xuất phát từ cả hai phía: doanh nghiệp (với những chiến lược phát triển bền vững đòi hỏi cần có nhân sự đảm nhiệm để thúc đẩy thực hiện chiến lược đó) và đội ngũ lao động (với nhận thức và đòi hỏi ngày càng cao về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng từ doanh nghiệp). Và rõ ràng cả hai đòn bẩy này đang ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, cùng với xu hướng và triển vọng tích cực trong phát triển kinh tế xanh.
Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, vào năm 2030, quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững trên toàn cầu có thể tạo ra khoảng 25 triệu việc làm, trong đó có 8,4 triệu cơ hội cho thanh niên. Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt với Việt Nam, là khu vực có tiềm năng gia tăng việc làm xanh mạnh mẽ. Nếu các quốc gia trong khu vực kiên trì đầu tư vào môi trường thì sẽ tạo ra tới 14,2 triệu việc làm xanh.
Trong một báo cáo chuyên đề của Sáng kiến Phát triển mở Việt Nam - Open Development Vietnam (ODV), cũng chỉ ra rằng: lĩnh vực năng lượng tái tạo chiếm 41% hoạt động kinh tế xanh trong nước; hoạt động công nghiệp đóng góp 14% vào hoạt động kinh tế xanh; giao thông vận tải, xử lý rác thải và xây dựng chiếm 17% trong các hoạt động kinh tế xanh, còn lại là dư địa cho phát triển du lịch sinh thái.
Mặc dù việc làm xanh hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số việc làm cả nước (3,6% tương đương với 1,7 triệu công việc), nhưng có 88 nghề khác có tiềm năng trở thành việc làm xanh, chiếm đến 41% tổng số việc làm, ngành nông lâm nghiệp xanh và công nghệ cao cũng có thể tạo ra hơn 200 nghìn việc làm. Để phát huy tiềm năng này, cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ xanh, thúc đẩy các hoạt động bền vững, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh.
Những mảng sáng, tối trên thị trường lao động
Nhìn về phía nguồn nhân lực lao động ở Việt Nam, dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, có thể thấy vẫn tương đối dồi dào (lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2024 ước tính 52,5 triệu người) và duy trì mức tăng hằng năm. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28% trong năm 2024, tăng 1,9 lần trong 14 năm. Điều này cho thấy, đầu tư cho nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng ở nước ta ngày càng được chú trọng. Trên thực tế, tỷ lệ nghề có kỹ năng trung bình và kỹ năng cao trong số việc làm xanh cao hơn tỷ lệ này trong nhóm việc làm không xanh (92% so 74%). Đồng thời, người lao động làm việc trong các nghề xanh và ngành xanh có trình độ giáo dục cao hơn so lao động trong các nghề không xanh. Đây là những lợi thế để người lao động được đào tạo, đặc biệt là thanh niên nắm bắt những cơ hội việc làm trong quá trình chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, quá trình xanh hóa nền kinh tế cũng đặt ra nhiều thách thức về trình độ và kỹ năng của người lao động. Chất lượng nguồn cung lao động vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Khoảng hơn 70% số lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Ngoài ra, tỷ lệ lao động phi chính thức vẫn còn khá cao, chiếm 65% tổng lực lượng lao động (cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê), phản ánh thách thức lớn trong chất lượng nguồn nhân lực.
Điều đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao và gấp hơn ba lần so tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Trong quý II/2024, cả nước có khoảng 1,3 triệu thanh niên (từ 15-24 tuổi) không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 10,2%. Hơn nữa, tỷ lệ lao động trẻ (dưới 35 tuổi) làm việc trong các nghề xanh chiếm tỷ lệ thấp hơn so nhóm này trong các ngành không xanh (25% so 36%). Những con số này có thể hàm ý những thách thức của thanh niên trong tiếp cận việc làm xanh.
Bên cạnh đó, số lượng nam giới làm việc trong các nhóm ngành công việc xanh (chiếm 80%) và trong các ngành có tiềm năng xanh tại Việt Nam (chiếm 78%) cao hơn nhiều so nữ giới, cho thấy, cần có thêm nỗ lực để khuyến khích sự tham gia của trẻ em gái, nữ thanh niên và phụ nữ trong các lĩnh vực học tập và công việc liên quan tới STEM (Khoa học-Công nghệ-Kỹ thuật-Toán) nói chung và việc làm xanh nói riêng.
Khoảng trống về những kỹ năng cần thiết
ILO nhấn mạnh rằng, công việc trong nền kinh tế xanh đòi hỏi hai nhóm kỹ năng chính: kỹ năng chuyên môn kỹ thuật (các kỹ năng cụ thể cho từng ngành nghề) và kỹ năng việc làm cốt lõi (kỹ năng mềm).
Nhiều quốc gia đang phát triển như Việt Nam hiện rất thiếu chuyên gia và sinh viên tốt nghiệp các ngành STEM. Thậm chí, ngay tại các nước có thu nhập cao, nơi hệ thống dự báo kỹ năng phát triển, tình trạng người lao động thiếu kỹ năng chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng chuyển giao vẫn là những khó khăn khi tuyển dụng.
Một số kỹ năng việc làm cốt lõi chính do việc làm xanh yêu cầu bao gồm kỹ năng nhận thức và bảo vệ môi trường; khả năng sẵn sàng học hỏi về phát triển bền vững; kỹ năng thích ứng và chuyển giao; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng giao tiếp, đàm phán, giải quyết vấn đề; kỹ năng thích nghi và phục hồi; kỹ năng kinh doanh; kiến thức và kỹ năng về an toàn sức khỏe lao động.
Đối với nhóm nghề có yêu cầu kỹ năng cao hơn, người lao động cần trang bị thêm các kỹ năng việc làm cốt lõi như tư duy phân tích (bao gồm phân tích rủi ro và hệ thống); kỹ năng điều phối, quản lý và kinh doanh; kỹ năng đổi mới; kỹ năng marketing; tư vấn; ngoại ngữ; kỹ năng lãnh đạo, và chiến lược,... Ngoài ra, nhóm kỹ năng công nghệ thông tin-truyền thông và kỹ năng số đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng và việc làm xanh.
Kiến tạo và hỗ trợ thanh niên làm chủ xu thế nhân lực
Chính phủ Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đặt ra các mục tiêu tăng trưởng xanh. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia giai đoạn 2021-2030 cũng xác định kinh tế xanh là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước. Đây là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lao động, bao gồm lao động trẻ thông qua dự báo nhu cầu và phát triển kỹ năng phù hợp với yêu cầu phát triển các ngành kinh tế xanh.
Các cơ quan quản lý nhà nước, đối tác xã hội, và các tổ chức thanh niên đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động, đặc biệt là thanh niên nắm bắt các cơ hội việc làm xanh, thúc đẩy chuyển đổi công bằng và hiệu quả. Theo đó, các chương trình phát triển kỹ năng cho thanh niên cần được gắn kết với các chính sách liên quan môi trường, biến đổi khí hậu và việc làm cho thanh niên và phát triển bền vững. Nam và nữ thanh niên cần được khuyến khích và trao cơ hội để tham gia, phát triển kỹ năng công bằng và bình đẳng.
Bên cạnh đó, cần thiết thúc đẩy hợp tác công-tư giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội cho lao động nữ và nam, bao gồm lao động trẻ, lao động phi chính thức, các nhóm yếm thế và dễ bị tổn thương tiếp cận các chương trình đào tạo, đào tạo lại và nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng, cũng như nắm bắt các cơ hội việc làm xanh.
Đối với các bạn thanh niên, những người vừa mới hoặc sắp sửa bước chân vào thị trường lao động, hiểu biết về nền kinh tế xanh, việc làm xanh và trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng chuyển đổi xanh là rất cần thiết để tận dụng tốt các cơ hội của quá trình này mang lại. Ngoài ra, thanh niên có thể cân nhắc xây dựng kế hoạch phát triển nghề nghiệp, trong đó, thanh niên sẽ là một thành viên của nền kinh tế xanh hoặc bằng cách tự tạo việc làm theo hướng tiếp cận khởi nghiệp bền vững.
ESG, tập hợp ba tiêu chuẩn đánh giá, đo lường các yếu tố về phát triển bền vững và ảnh hưởng của một doanh nghiệp đến cộng đồng chung quanh, trở thành một nhu cầu cấp thiết của thế giới việc làm. Người lao động mong đợi rất nhiều ở nhà tuyển dụng, thể hiện qua con số 55% số người lao động tham gia một khảo sát cho biết những cam kết DEIB (sự đa dạng, bình đẳng, hòa nhập và thuộc về) của doanh nghiệp là yếu tố cực kỳ quan trọng với họ khi đánh giá nhà tuyển dụng.
Sau hơn 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Trong tất cả các lĩnh vực, các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai, góp phần làm giảm 12,9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển bình thường. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm trung bình 1,8%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%. Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vai trò của tăng trưởng xanh được nâng cao; từ đó tạo làn sóng về đầu tư vào phát triển xanh như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện rác.