40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Đau đáu nỗi niềm tri ân

Sau 40 năm, các cao điểm 1509, 772, 468… đã được phủ một mầu xanh cây lá, mang vẻ bình yên muôn thuở của núi rừng. Nhưng dưới những tán xanh lặng lẽ ấy, vẫn còn nằm lại rất nhiều hài cốt liệt sĩ, đặt nỗi canh cánh trong lòng những người đang sống.

Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.
Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.

Ký ức bi tráng, hào hùng

Không biết đã bao lần tôi đến với Đài hương cao điểm 468, nơi giờ đây đã trở thành địa chỉ để đồng đội và nhân dân từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm về thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống khi giành giật với kẻ địch từng tấc đất thiêng liêng. Cao điểm 468 là một cứ điểm phòng thủ của quân và dân ta trước các đợt tấn công của kẻ địch. Đây cũng là nơi mà các chiến sĩ tận mắt chứng kiến bao đồng đội mình ngã xuống dưới họng pháo quân địch. Ngồi bên anh Vàng Văn Xuyên, cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 842, một đặc công có nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình mặt trận - nay trở thành người trông coi di tích và hương khói cho các liệt sĩ, chúng tôi được nghe anh kể lại những sự kiện bi tráng 40 năm trước. Chỉ tay về các điểm cao ngày xưa, anh Xuyên bùi ngùi: “Dưới những cánh rừng ngọn núi xanh ngắt kia vẫn còn bao nhiêu đồng đội chưa được đưa về an táng nơi quê nhà”.

Đau đáu nỗi niềm tri ân ảnh 1

Cán bộ chiến sĩ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Day dứt trước nỗi mất mát quá lớn, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đức Thành, Trung đoàn 877, đang sống tại thành phố Hà Giang không phải chờ đến ngày giỗ trận, Ngày Thương binh - Liệt sĩ mới đến thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, mà cứ có dịp ông lại đến thăm đồng đội. Ở đó, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thành như được sống lại tuổi xuân hào sảng và bi hùng.

Về thăm nơi đây, chúng tôi được gặp Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chỉ huy phó Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang. Đại tá Nguyễn Kim Chung bồi hồi nhớ lại: Quân ta chiến đấu để giữ từng mỏm núi. Mỏm núi toàn đá, không đào được công sự, ta phải lợi dụng các hang hốc, khe sâu để đưa bê-tông đúc sẵn lên xây dựng một số hầm. Lúc đó trong tâm khảm của mỗi chiến sĩ chỉ nung nấu ý chí quyết giữ cho được từng tấc đất của Tổ quốc.

Thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy là cái rốn của vùng chiến sự, nơi những tai họa do pháo, mìn còn sót lại rất nặng nề. Tại đội 7, thôn Nặm Ngặt, dưới những tán rừng xanh ngắt của cao điểm 1509, chúng tôi gặp anh Bồn Văn Hòn - người dân tộc Dao đã hai lần vấp phải vật liệu nổ và bị mất đi đôi chân. Trong ngôi nhà sàn vừa hoàn thiện, anh Hòn kể về hai lần vấp mìn với một sự bình thản đến lạ: “Trở về từ nơi sơ tán năm 1991, gia đình tôi tiếp tục cuộc sống nông dân canh tác trên những mảnh nương cha mẹ để lại, nhưng trên mảnh đất ấy còn rất nhiều mìn. Năm 2000, khi đang cùng vợ phát mảnh nương ở gần với cao điểm 772, tôi giẫm phải mìn và mất đi chân phải. Vì hoàn cảnh đói nghèo với năm đứa con chờ ăn, tôi vẫn phải tiếp tục chống nạng đi làm nương. Bốn năm sau định mệnh lặp lại nhưng tàn khốc hơn, cướp nốt chân lành lặn còn lại của tôi”.

Trăn trở niềm tri ân

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ chiến đấu hy sinh trên mặt trận biên giới vẫn chưa tìm thấy hài cốt, hàng nghìn ngôi mộ không tên, trở thành nỗi trăn trở, khắc khoải trong tâm trí những người còn sống. Đến viếng thăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, chứng kiến nhiều ngôi mộ không tên, lòng tôi quặn thắt. Theo Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên có 1.746 ngôi mộ thì có 264 ngôi mộ chưa có tên. Rộng hơn, tại mặt trận Vị Xuyên trong 5 năm ác liệt nhất đã có gần 5.000 chiến sĩ hy sinh. Đến nay mới chỉ quy tập được 1.700 hài cốt các liệt sĩ, vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm lại trên các nẻo đường mặt trận, chưa thể quy tập được.

Đau đáu với người ngã xuống, nhiều gia đình liệt sĩ đã kỳ công, kết hợp cùng các đơn vị tìm kiếm, quy tập, đưa người thân về quê đoàn tụ. Như hành trình gần 40 năm đi tìm em trai của anh Ma Văn Thảo (xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ). Em anh Thảo là liệt sĩ Ma Văn Thủy, hy sinh năm 1981 tại mặt trận Vị Xuyên. Không biết bao lần, anh Thảo lên Hà Giang, đi đến nhiều nghĩa trang, hỏi han nhiều cựu binh đã từng chiến đấu trên mặt trận này để tìm em trai. Sau bao nỗ lực, tháng 8-2018, cùng với sự tận tâm của Đội Quy tập tỉnh Hà Giang, anh Thảo đã tìm được hài cốt liệt sĩ Ma Văn Thủy ở xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên.

Cảm động trước câu chuyện này, CCB Hoàng Thế Cương, nguyên Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn 356, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn tại tỉnh Hà Giang xúc động: “Dù còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng hằng năm, anh em đồng đội may mắn còn sống lại trở về thắp hương, tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm có những biện pháp hiệu quả, quy tập mộ liệt sĩ, tri ân những gia đình liệt sĩ có công với nước trên mặt trận biên giới phía bắc”.

Ngày 7-8-2018, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã thành lập Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (gọi tắt là Đội quy tập), với 18 thành viên. Chỉ sau vài tháng, Đội đã tìm kiếm được 24 phần mộ, trong đó có một mộ tập thể tại hang Sập, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên). Tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo thực hiện rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ phục vụ cho công tác quản lý và tìm kiếm, quy tập. Phấn đấu đến năm 2022 sẽ cơ bản hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý đầy đủ, khoa học về liệt sĩ và mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.

Là người trăn trở với công tác quy tập mộ liệt sĩ, tri ân người có công với cách mạng, Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chia sẻ: Hơn chín năm qua, Hội đã phối hợp với các lực lượng, nỗ lực tìm kiếm các thông tin về mộ liệt sĩ; quy tập, giám định ADN và trả lại tên cho hàng nghìn hài cốt; tặng hơn 350 nhà tình nghĩa, gần 2.000 sổ tiết kiệm, hơn 300 suất học bổng cho các con, cháu liệt sĩ trên cả nước. Trong thời gian tới, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam sẽ tiếp tục công cuộc tìm kiếm thông tin về hài cốt các liệt sĩ. Trả lại tên cho các ngôi mộ không tên ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên là những lời hứa chúng tôi quyết tâm thực hiện để tri ân những liệt sĩ đã quên mình bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc.

Cho đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính xác những tổn thất về người và tài sản của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chống lấn chiếm ở biên giới phía bắc. 40 năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Mảnh đất Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… vẫn còn những dấu tích chiến tranh, và trong nhiều gia đình, cuộc chiến ấy luôn là nỗi ám ảnh, không thể phai mờ.