Yếu tố thẩm mỹ, nhìn từ quảng cáo

NDO - Những quảng cáo vô bổ, phi thẩm mỹ xuất hiện ngày càng tràn lan  không chỉ khiến người dân... dị ứng mà còn cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý hoạt động này.
Yếu tố thẩm mỹ, nhìn từ quảng cáo

Người xem bị... uy hiếp

Nham nhở, luộm thuộm..., diện mạo đường phố trở nên nhếch nhác, thảm hại bởi sự lấn chiếm của các pa-nô, băng-rôn quảng cáo được treo cẩu thả. "Rác" tường, cột điện, gốc cây... rao vặt khoan cắt bê-tông, hút bể phốt dù đã dùng nhiều biện pháp nhưng vẫn.. bền bỉ xuất hiện. Còn những quảng cáo, clip trên truyền hình, In-tơ-nét... phản cảm làm người xem... phát sốt thì cũng ngập tràn, khiến nhiều người thật sự bức xúc.

Thực tế bất cập của hoạt động quảng cáo đã khiến nhiều chuyên gia phải bày tỏ sự bức xúc. Tại cuộc hội thảo về đồ họa quảng cáo thời kỳ đổi mới diễn ra gần đây tại Hà Nội, họa sĩ Lê Huy Văn đã phải thốt lên rằng: "chúng ta đang bị uy hiếp bởi sự phi thẩm mỹ của quảng cáo...". Không ít hình ảnh, clip quảng cáo đã bất chấp và vượt qua rào cản tối thiểu về hàm lượng các giá trị văn hóa cần có. Kết quả là, nhiều quảng cáo khiến người xem thấy ngượng, kiểu như "một người khỏe, hai người vui", hay những quảng cáo gượng gạo một cách... vô duyên như "Kangaroo, máy lọc hàng đầu Việt Nam" đã xuất hiện với tần suất khá lớn trên các kênh truyền hình.

Cũng theo họa sĩ Lê Huy Văn, nhiều clip, hình ảnh quảng cáo phi thẩm mỹ đang tràn ngập không gian, thậm chí phá nát cả kiến trúc thành phố. Khắp nơi đều nhìn thấy hình ảnh phụ nữ quảng cáo cho dầu gội, karaoke, phấn, sáp, son... Ðồng tình nhận định này, ông Ðỗ Quang Minh (Ðại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư) cho rằng, nhiều chương trình quảng cáo hiện nay không những thiếu trung thực mà còn vi phạm giá trị đạo đức, làm mất lòng tin của công chúng. Chính điều đó làm phản tác dụng của quảng cáo.

Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung, Viện Mỹ thuật lại cho rằng, quan niệm về vẻ đẹp ngày nay ít nhiều cũng có sự thay đổi. Trước đây, trên các clip quảng cáo, người mẫu đều là những người đẹp đầy đặn, ăn mặc kín đáo. Còn ngày nay, trên quảng cáo, các thiếu nữ cao, gầy tới khẳng khiu đang được ưu ái. "Cách ăn mặc của các cô gái trong quảng cáo hiện nay mới đáng bàn. Tôi thấy họ thường mặc... bikini, hoặc nếu mặc váy thì cũng hở trên hở dưới...", nhà phê bình Phạm Trung nhận xét. Và nếu xem hình ảnh các cô gái trong những clip quảng cáo là một chuẩn mực của cái đẹp thì đương nhiên, tác động xã hội cũng được thể hiện khá rõ trước những trào lưu, gu ăn mặc cũng như các hành vi ứng xử... lệch chuẩn đang xuất hiện và dần trở thành "mốt".

Lấp "lỗ hổng" quản lý

Luật Quảng cáo đang cần nhanh chóng được ban hành để lấp những lỗ hổng trong quản lý, cũng như đủ sức mạnh để đưa lĩnh vực này đi vào nền nếp. Trước khi dự thảo Luật được thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, trong báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ðào Trọng Thi cũng nhấn mạnh: "Mỗi sản phẩm quảng cáo, ngoài việc đảm bảo thông tin chính xác, còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta".

Về vấn đề này, dự thảo Luật Quảng cáo đã đưa nhiều nội dung mang tính chất siết chặt. Bên cạnh nội dung "Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo" được quy định tại điều 8 thì những "Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo" được quy định tại điều 9 được nhiều người quan tâm và ủng hộ. Khoản 3 điều này nhấn mạnh: "Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam" là một nội dung cấm. Khoản 4, cấm "Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội". Một số hành vi cấm khác trong hoạt động quảng cáo cũng được quy định khá rõ: "Quảng cáo có sử dụng các thuật ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh" (khoản 11 điều 9). "Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em" (khoản 14 điều 9)...

Những điều khoản tại dự thảo Luật đã phần nào cho thấy sự mạnh tay nhằm siết chặt quản lý thực trạng "vô tư đăng tải" những quảng cáo phản cảm, phi thẩm mỹ khiến dư luận bất bình. Hiệu quả thực tiễn của Luật cũng được quan tâm với nội dung quy định về Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo (điều 10). Theo đó, Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ VHTTDL, giúp Bộ trưởng xem xét và đưa ra kết luận về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật, trong trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo. Có nghĩa, người dân có thể tin tưởng, tương lai họ sẽ không bị làm phiền bởi những quảng cáo vô bổ, phi thẩm mỹ, bởi các sản phẩm quảng cáo rồi sẽ được "sạch nước cản" nhờ sự thanh lọc từ hội đồng thẩm định?!

Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ để Luật sát thực tiễn hơn. Chẳng hạn, quyền từ chối tiếp nhận quảng cáo sẽ được thực thi như thế nào? Bởi từ trước đến nay người tiếp nhận quảng cáo phần lớn luôn trong trạng thái thụ động, kể cả trong các phản ứng trước những quảng cáo phản cảm. Bên cạnh đó, việc khiếu nại tố cáo và yêu cầu bồi thường liệu có khả thi? Bởi thực tế, nhiều người dân đã từng "mắc lừa" vì những quảng cáo thiếu trung thực nhưng rốt cuộc cũng bó tay và nhắm mắt cho qua, vì không biết "khiếu nại" ở đâu và để được bồi thường thì cũng mất không ít công sức, thời gian.