"Doanh nghiệp không thể mãi chỉ làm vì đam mê"

"Ngành du lịch dẫu đang tăng trưởng nhanh nhưng chưa bắt kịp và chưa tương xứng với tiềm năng, tài nguyên văn hóa đất nước. Đây là điều mà tôi tin là các đơn vị tham gia kinh doanh du lịch đều dễ dàng nhận thấy", ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam mở đầu câu chuyện với Nhân Dân cuối tuần.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam.

- Thưa ông, như ông có chia sẻ, "văn hóa chỉ có hai từ nhưng nội hàm của nó thật mênh mông", trong khi đó, hoạt động du lịch là hoạt động kinh tế và sản phẩm du lịch lại cần được thiết kế, hoạch định một cách rất cụ thể để có thị trường và lợi nhuận. Vậy làm thế nào để có thể cân bằng các yếu tố này, tạo cơ sở nền tảng vững chắc cho việc tạo dựng sản phẩm du lịch văn hóa?

- Sản phẩm du lịch văn hóa phải dựa chính vào tài nguyên nhân văn, tức là văn hóa và lịch sử, bên cạnh nguồn tài nguyên sẵn có là tự nhiên, để tạo ra hoạt động du lịch. Nhưng để biến giá trị của tài nguyên thành sản phẩm du lịch, không đơn giản chỉ khai thác tài nguyên thô mà còn phải tìm ra phương cách truyền tải giá trị của tài nguyên đó trong sản phẩm có thiết kế, có cấu trúc nội dung cụ thể. Mục tiêu cuối là đáp ứng, thậm chí là dẫn hướng nhu cầu của du khách về tìm hiểu, thụ hưởng giá trị văn hóa sở tại. Do đó, việc trả lời được trọn vẹn câu hỏi: khách cần gì khi đến điểm du lịch A, B là rất quan trọng. Câu trả lời cần được bắt đầu từ việc tìm hiểu và phân loại nhu cầu và tâm lý của du khách.

Trong quan sát của chúng tôi, phần lớn, nếu không muốn nói là hầu hết khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đều mong muốn được tìm hiểu về văn hóa của đất nước chúng ta. Tùy thuộc lứa tuổi, trình độ tri thức, thói quen, tâm lý… mỗi một khu vực khách lại có những nhu cầu riêng song tựu trung, xu hướng hiện nay của khách là không chỉ tham quan tận nơi mà còn muốn trải nghiệm thực tế tại không gian văn hóa của một điểm đến cụ thể để cảm nhận, khám phá sâu hơn về văn hóa và cuộc sống của con người nơi đó. Nhiều du khách, nhất là từ châu Âu, còn mong muốn mở rộng biên độ cảm nhận văn hóa khu vực trong đó có văn hóa Việt Nam. Họ có thể dành hai, ba tuần khám phá Việt Nam cùng một số nước láng giềng, và "chịu chi", rất thú vị. Để những dòng khách như vậy trở lại Việt Nam không chỉ lần thứ hai, thứ ba, sản phẩm du lịch văn hóa của chúng ta phải được đầu tư nghiên cứu công phu để có sự độc đáo, khác biệt và kèm theo nhiều dịch vụ phụ trợ tương ứng.

- Thưa ông, sản phẩm du lịch văn hóa có đặc thù là bám chặt vào gốc rễ của nó là điểm đến/nơi chốn tham quan. Vậy vai trò của các điểm này như thế nào trong việc thiết kế sản phẩm?

- Nếu như các điểm đến này tự thiết kế, vận hành được một sản phẩm du lịch tốt, hấp dẫn thì là điều tuyệt vời nhất. Doanh nghiệp lữ hành chỉ việc tham vấn cho khách, đưa khách đến trải nghiệm.

Đến đây, câu chuyện khiến tôi nhớ lại về quãng thời gian bốn năm trước, khi trao đổi, bàn bạc rất nhiều cùng Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò về việc xây dựng một tour đêm tại đây để thu hút khách đến. Lúc đó, cả Hà Nội chưa hề có tour đêm. Từ ý tưởng này, phải nói là lãnh đạo khu di tích rất quyết tâm triển khai. Hầu như toàn bộ nhân sự của khu di tích, từ giám đốc đến bác bảo vệ, trông xe đều trực tiếp tham gia hoạt cảnh tái hiện lại các câu chuyện trong lịch sử nhà tù; các kịch bản được xây dựng từ nghiên cứu dữ liệu kỹ lưỡng cùng cách truyền tải sinh động. Họ gắn bó với nơi đó qua năm tháng làm việc nên cảm xúc trong việc kể chuyện cũng đặc biệt. Cộng với sự chu đáo, tinh tế trong tính toán tất cả các dịch vụ phụ trợ, tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành sản phẩm điểm đến mới lạ ngay cả với người Hà Nội. Trước kia, thường chỉ có khách nước ngoài hoặc học sinh tham quan, trải nghiệm theo bài học ở nhà trường thì nay, đây là điểm thu hút rất đông khách địa phương. Từ hiệu ứng tour đêm, di tích lại trở thành điểm đến "hot" trong ban ngày.

Nhưng để làm được, đòi hỏi người quản lý điểm đến đó phải có kiến thức du lịch, tập trung được nhân lực để xây dựng sản phẩm và dịch vụ đồng bộ. Không nhiều nơi làm được như vậy.

- Phải chăng, vai trò của các công ty du lịch lữ hành trong việc thiết kế và hoàn thiện sản phẩm du lịch văn hóa cần được đề cao hơn nữa, đồng hành với điểm du lịch?

- Với một sản phẩm du lịch văn hóa, vì là có yếu tố văn hóa nên hiển nhiên là thường được nhìn ở nhiều chiều, dễ gây tranh luận, trong khi một đặc điểm của du lịch là có tính giải trí. Chính vì vậy, việc thiết kế một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn là rất khó khăn, đòi hỏi sự hội tụ của trí tuệ, sáng tạo và đầu tư về thời gian, tài chính. Phải rất kiên trì. Tôi nhớ, hồi mới có tour đêm ở di tích Nhà tù Hỏa Lò, có khi chỉ có một vài khách nhưng tour vẫn cần phải được diễn ra trọn vẹn và duy trì lịch chương trình.

Trong lĩnh vực này, vai trò của các công ty du lịch lữ hành, nếu ở mức nhỏ thì là đưa lại cho điểm du lịch các ý kiến đóng góp của du khách, góp phần dần hoàn thiện sản phẩm, nếu nhiều hơn thì là tham gia một số khâu, như vận hành sản phẩm, nhiều nữa thì là chủ động lên ý tưởng và thiết kế tour, kết hợp với điểm đến để vận hành tour. Các công ty du lịch có lợi thế là hiểu được khách, làm được vai trò là cầu nối giữa khách và điểm đến; nếu hai bên hợp tác tốt thì vừa giúp điểm đến phát triển du lịch vừa đáp ứng được nhu cầu của khách, thu hút khách đến với mình. Nhưng trong thực tế, cũng rất ít công ty quan tâm, chịu đầu tư vào hướng sản phẩm này.

- Vì sao, thưa ông?

- Vì không có lợi nhuận nhanh và nhiều. Như tôi đã nói lúc đầu, bản chất của hoạt động du lịch là làm kinh tế, doanh thu và lợi nhuận là cốt lõi nên phần lớn các công ty sẽ dựa vào sản phẩm sẵn có của địa phương, điểm đến mà thôi. Nếu có công ty nào đó tham gia nhiều hơn, từ vận hành đến thiết kế tour thì đúng là "làm chỉ vì đam mê" (cười).

"Doanh nghiệp không thể mãi chỉ làm vì đam mê" ảnh 1
Học sinh trải nghiệm tour Du lịch văn học do Công ty Du lịch bền vững S.T.I.D phối hợp với Bảo tàng Văn học Việt Nam thực hiện. Ảnh: S.T.I.D

- Từ những phân tích của ông, có thể hiểu rằng, các doanh nghiệp du lịch đều nhìn thấy tiềm năng thu hút khách một cách lâu dài của sản phẩm du lịch văn hóa. Nhưng để khuyến khích họ cũng như chính các điểm đến du lịch đầu tư vào dòng sản phẩm này, cần có phương thức mới để rút ngắn quãng thời gian đầu tư xây dựng, vận hành quảng bá sản phẩm. Phải chăng, mô hình một quỹ đầu tư sản phẩm du lịch văn hóa là cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay?

- Chúng ta đi sau nhiều nước ngay ở trong khu vực trong việc quan tâm đến xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù. Chính vì vậy, doanh nghiệp du lịch hay là các điểm đến du lịch vẫn loay hoay trong giải quyết bài toán vốn cho mô hình sản phẩm này. Nếu có một quỹ đầu tư như bạn đề cập, tôi nghĩ là sẽ rất tốt. Quỹ đó sẽ giúp cho điểm đến du lịch văn hóa nếu muốn đầu tư sản phẩm thì sẽ không còn cảnh đầu tư nhỏ giọt. Quỹ đó có thể được sử dụng cho việc đào tạo nhân lực đáp ứng các yêu cầu đặc thù trong thiết kế và thể hiện nội dung của sản phẩm vốn cần sự đầu tư lâu dài và lợi nhuận là khó đong đếm. Quỹ đó cũng có thể được dùng để hỗ trợ cơ sở vật chất và kỹ thuật cho việc thiết kế sản phẩm, công nghệ hiện đại cần được áp dụng để làm sản phẩm hấp dẫn hơn về thị giác trong chiến lược truyền thông và tiếp thị, nhưng đầu tư cho nó cũng luôn là bài toán đau đầu của doanh nghiệp.

Nếu chỉ đơn thuần cung cấp sản phẩm du lịch văn hóa giải trí, như đêm diễn, tour diễn của các nghệ sĩ giải trí, thì câu chuyện đầu tư sẽ khác. Nhưng một sản phẩm du lịch văn hóa, với mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần của người dân sở tại, có sức sống, giới thiệu đúng, hấp dẫn và sâu sắc hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, cần sự đầu tư công phu và tinh tế; do đó, trong việc đầu tư, rất cần coi xét đến các yếu tố đặc thù thông qua việc phân loại sản phẩm, để có hướng đi phù hợp. Vì vậy, mô hình quỹ mà bạn nói đến cần được điều phối bởi đại diện cơ quan quản lý nhà nước.

Trong thực tế, nếu chính quyền địa phương nào thật sự quan tâm đến yếu tố văn hóa và bền vững trong phát triển du lịch thì ở đó, du lịch sẽ phát triển tốt. Ninh Bình, Hội An, Huế là thí dụ điển hình. Hà Nội đang nhân rộng mô hình tour đêm, khởi đầu từ thành công của di tích Nhà tù Hỏa Lò và mô hình này đang là bài học kinh nghiệm cho một số địa phương khác… Có nghĩa là sự vào cuộc thực chất của chính quyền địa phương đóng vai trò dẫn hướng trong phát triển lĩnh vực này, bên cạnh quyết tâm thúc đẩy kinh doanh sản phẩm du lịch văn hóa một cách bền vững của các đơn vị liên quan. Tại địa phương, thí dụ như ở các làng nghề truyền thống, khi người dân-chủ sở hữu của tài nguyên văn hóa, nhận thấy lợi ích lâu dài của việc đồng lòng xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, họ chắc chắn sẽ đồng hành.

- Trân trọng cảm ơn ông!