“Đinh tặc” trở lại

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Huỳnh Khánh Hiệp (Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh)

Những người dân sống tại thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) không còn xa lạ với 2 cây cầu vượt Linh Xuân và Sóng Thần. Nằm ở ngã tư Linh Xuân với tổng chiều dài hơn 125 m, cây cầu cùng tên được chia thành 4 làn xe với tải trọng lên tới 30 tấn, phục vụ giao thông theo hướng Quốc lộ 1A. Trong khi đó, cầu vượt Sóng Thần dài hơn 100 m, là tuyến đường huyết mạch nối thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với các khu công nghiệp và tuyến đường sắt bắc - nam.

Cả 2 cây cầu này xưa nay vốn vẫn nổi tiếng bởi nạn “đinh tặc”, nhiều lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Theo quan sát của tôi, những chiếc đinh rải trên cầu được làm ra một cách có chủ đích, bởi tất cả đều có dạng hình thoi, nhọn 2 đầu, dài khoảng 1-2 cm và thậm chí được sơn mầu tỉ mỉ. Những người dân địa phương chúng tôi thường gọi đây là loại đinh “át rô”. Khi xe máy chạy qua, đinh “át rô” sẽ khiến ruột xe thủng lỗ lớn, hầu như không có khả năng vá lại mà chỉ còn cách thay mới. Đáng lo ngại hơn, việc dính đinh khi đang di chuyển còn khiến các phương tiện rơi vào trạng thái mất lái, trực tiếp gây nguy hiểm cho người điều khiển.

Để đối phó với “đinh tặc”, một số người dân và nhất là các nhóm tình nguyện đã thiết kế những chiếc xe hút đinh, thường xuyên chạy trên 2 cây cầu. Tuy nhiên, việc hút đinh thường không thể tiến hành trong thời gian dài. Vì vậy, sau mỗi ngày, trên cầu lập tức lại xuất hiện những “thảm đinh” mới, đe dọa tính mạng người tham gia giao thông. Việc này tái diễn nhiều lần tới mức, có những người đã không còn nhớ nổi số lần dính đinh trên cầu.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng đã nêu, các cơ quan chức năng ngoài việc tăng cường tuần tra, có thể triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát ở những khu vực hay xuất hiện dấu hiệu của “đinh tặc”. Ngoài ra, cần có chế tài đủ mạnh và nghiêm minh, đủ sức răn đe đối với vấn nạn này.