Đỉnh núi đời người

Đúng ngày đầu tiên của năm mới 2024, Lê Thị Hạnh Hòa đã đặt chân lên đỉnh Chu Va 12, một trong 16 đỉnh núi mà chị đã chinh phục thành công trong 6 năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Trên đỉnh Chu Va.
Trên đỉnh Chu Va.

Núi Chu Va cao 2.751m thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Từ đường đèo Ô Quy Hồ, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Chu Va. So với top 15 đỉnh cao vùng Đông-Tây Bắc Hạnh Hòa đã từng chinh phục như: Fanxipan, Putaleng, Kỳ Quan San, Tà Chì Nhù, Ngũ Chỉ Sơn, Nhìu Cồ San, Lùng Cúng, Nam Kang Ho Tao... Chu Va 12 không cao hơn nhưng độ khó và đẹp được xếp hàng đầu. Để chinh phục đỉnh cao này, người leo phải đu dây nhiều, nhiều đoạn không có chỗ đặt chân, phải dò dẫm men theo vách đá, đất rừng trơn trợt, phải leo lên bằng thang gỗ bắc từ cây rừng, không cẩn thận có thể bị trượt và rơi xuống dưới.

Chuyến chinh phục đỉnh cao thứ 16 này thêm ý nghĩa: chị Hạnh Hòa đã đón tuổi 67 của mình, độ tuổi mà mọi người gặp nhiều “vấn đề” về sức khỏe, huống hồ là leo núi, chinh phục đỉnh cao hàng top.

Chị Hạnh Hòa cho biết: “Tôi đã có chuyến đi kết thúc 2023 thật sự đáng nhớ. Năm 2020, khi tìm hiểu về Chu Va 12, tôi chỉ biết xuýt xoa và nghĩ chắc mình không bao giờ chinh phục được đỉnh cao này. Chính bạn trẻ dẫn đoàn từng cảnh báo đỉnh này chỉ dành cho người trẻ. Đây là cung rất khó, dốc dựng đứng, hẹp, nhiều đoạn trong rừng ẩm ướt, trơn như quét mỡ trên đá. Ba sống khủng long đúng là kinh khủng, người leo không được phép sai, cắm mặt nhìn chân bạn dẫn, những đoạn khó phải nắm chặt tay bạn để tin rằng mình sẽ vượt qua. Có những “bậc” cao tới gần mét hoặc hơn, phải lấy hơi thật lâu, đu cho đúng, chân chắc, tay vững và quan trọng nhất là niềm tin, là tình đồng đội, là kỹ năng, kỷ luật. Cuối cùng, cả đoàn đã chinh phục thành công đỉnh núi có độ khó hàng đầu”.

Trong hành trình chinh phục 16 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, chị Hạnh Hòa vẫn nhớ chuyến đi đầu tiên, khi sức khỏe đang có nhiều vấn đề, tinh thần yếu mệt của người cao tuổi. Chị quyết định bỏ qua bên nhiều loại thuốc đang uống theo toa bác sĩ, bắt đầu đi bộ đường dài, đạp xe, leo mấy chục tầng cầu thang bộ chung cư mỗi ngày, với quyết tâm: mình phải khỏe, phải luyện tập, không chỉ ngồi trong nhà mệt mỏi, cau có với đủ thứ việc nhà, con cháu...

Một ngày trung tuần tháng 12/2019, trong nhóm leo núi gồm 12 bạn trẻ chinh phục đỉnh Kỳ Quan San (còn có tên Bạch Mộc Lương Tử, cao 3.046m) có một người phụ nữ nhỏ nhắn, tuổi cao. Vài bạn trẻ đồng hành ái ngại “không biết cô ấy có theo được đoàn không”, vì họ được biết người phụ nữ 63 tuổi này trước đó chưa hề leo núi, chỉ mới tập luyện hai tuần trước khi xuất phát (đi bộ đường dài, leo cầu thang chung cư cao tầng).

Kỳ Quan San là núi cao thứ tư tại Việt Nam. Muốn chinh phục, người leo phải có sức khỏe, dẻo dai để có đủ sức vượt qua nhiều địa hình hiểm trở. Lê Thị Hạnh Hòa- người phụ nữ “điếc không sợ súng” ấy trấn an các bạn đường trẻ tuổi: “Cô theo các con được đến đâu hay đấy, không nổi thì cô quay lại”.

Đoàn người leo lên cao, vượt nhiều con dốc, những cánh rừng nguyên sinh đa dạng. Trên độ cao 1.000m họ bắt gặp một rừng trúc tuyệt đẹp, như trong phim Thập diện mai phục.

Chuyến đi đầu tiên, không có kinh nghiệm nên chị Hạnh Hòa mang theo đủ thứ đồ: áo quần jean, áo khoác, dép, giày... Các bạn trẻ khỏe, đầy năng lượng lắm lúc cũng bở hơi tai, nản chí khi càng lên cao đường càng dốc, hiểm trở. Rừng ẩm, nước trong khe chảy ra càng dễ trượt ngã lấm lem. Tuổi cao sức yếu hơn bạn đồng hành, leo dốc cao liên tục khiến đầu gối chị bắt đầu đau. Mặc, chị nhẫn nại di chuyển, leo lên từng bước, quyết không thối lui và làm phiền bạn đồng hành. Sự vất vả khó nhọc của cả đoàn được đền bù bởi cảnh sắc tuyệt đẹp. Ở độ cao 2.800m họ gặp rừng đỗ quyên đang đơm nụ.

Những người dẫn đường cho biết, tháng 3 và 4 rừng đỗ quyên sẽ bừng nở sắc hoa. Rồi sau đó là rừng đào bạt ngàn. Rừng mùa đông đào trụi lá, cây xương khô rất đẹp, ai nấy đều mải mê ngắm cảnh, bần thần trước vẻ đẹp của rừng nguyên sinh, thiên nhiên yên lành, trong trẻo. Mang theo giày leo núi, cuối cùng Hạnh Hòa đã chinh phục đỉnh Kỳ Quan San bằng đôi dép tổ ong “thần thánh” cậu porter người địa phương nhường cho. Chuyến đi 3 ngày

2 đêm đã thành công trọn vẹn. Với người phụ nữ ở tuổi U70 càng nhiều ý nghĩa. Chị đã vượt qua chính mình, để lại phía sau ý nghĩ tự ti mình đã già và tuổi hưu buồn tẻ.

Đỉnh núi đời người ảnh 1

Chinh phục đỉnh Tà Xùa. Ảnh trong bài | NVCC

“Cảm giác thật tuyệt vời. Tôi ngỡ ngàng với chính mình khi đã vượt cung đường chông gai, có khúc đi trong mây. Đó là 11:45 ngày 14/12/2019, chúng tôi đứng trên đỉnh núi nhìn xuống các triền núi và tàng cây rừng nhấp nhô phía dưới. Mặt trời lóe sáng đỉnh đầu, trời lạnh đến nỗi điện thoại “tê liệt” luôn, còn chúng tôi thì vui sướng, ấm áp vì niềm vui, tình đồng đội”- chị nhớ lại khoảnh khắc kỳ diệu này.

Sau thành công của chuyến leo núi đầu tiên, chị Lê Thị Hạnh Hòa như được tiếp thêm sức mạnh, có thêm động lực tập luyện, háo hức chinh phục những đỉnh cao mới: Ngũ Chỉ Sơn, Nhìu Cồ San, Lùng Cúng, Nam Kang Ho Tao... mà ấn tượng nhất là đỉnh Ngũ Chỉ Sơn cao 2.858m, được coi là đệ nhất hùng quan của Tây Bắc, tọa lạc ngoại ô thị xã Sa Pa, Lào Cai. Núi này có hình dạng như một bàn tay 5 ngón, đường lên rất hiểm trở với cua tay áo, men theo khe nhỏ, thang cây của người Mông dựng men theo vách đá. Đoàn leo phải vất vả luồn qua khe tay áo, tay vịn vách đá, chân đặt trên thân cây dân địa phương bắc cầu qua các mô/vách đá để leo lên.

Sau hành trình 2 ngày 1 đêm vất vả, Hạnh Hòa cùng cả nhóm đã vui sướng đặt chân lên đỉnh núi. Mọi người say sưa ngắm khung cảnh bao la rừng núi chung quanh, nhìn rõ cả đỉnh Kỳ Quan San, Lảo Thẩn. Nắng sáng rực rỡ và trời xanh mây trắng đẹp nao lòng. Mọi người như được đền bù sau những giây phút gian nan trước đó: ở độ cao 2.200m trời lạnh âm 1 độ, tay chân tê cứng, mù sa như mưa đá, đêm đóng băng; đêm ngủ lán trại ở độ cao 2.400m, lạnh không duỗi được chân vì buốt giá... Nhóm 9 người, 2/3 là nữ, tuổi 8-9X, chỉ mình Hạnh Hòa là tuổi mẹ và bà của bạn đồng hành, được các thành viên yêu mến, kính nể đặc biệt.

Nam Kang Ho Tao cao 2.881m (Sa Pa, Lào Cai) lại là một trải nghiệm khác. Cung này được dân leo núi đùa vui là cung “nằm cáng hộ tao” bởi đường đi gian nan bậc nhất các đỉnh cao Tây Bắc. Đường lên núi dốc ngược và cực kỳ hiểm trở. Leo núi mùa mưa ẩm ngoài đường trơn còn phải đề phòng, tránh né rắn. Trả lời câu hỏi “những yếu tố quan trọng, đáng lưu ý nhất trong các chuyến chinh phục đỉnh cao của mọi người nói chung và chị nói riêng là gì?”, chị Hạnh Hòa cho biết: “Cần tập luyện bền bỉ, dài hơi để có sức khỏe tốt, yêu thích leo núi/chinh phục đỉnh cao, đi cùng đoàn và các hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tinh thần đồng đội, tổ chức và kỷ luật tốt. Không tuân thủ quy định và hướng dẫn viên, dễ gặp rủi ro, tai nạn. Đang đi thấy cảnh đẹp bạn dừng lại hoặc rẽ ngang, dễ mất dấu đồng đội và lạc”.

Những chuyến đi đem lại cho chị Hạnh Hòa nhiều niềm vui, sức khỏe được cải thiện đáng kể, thêm vui sống, yêu đời, mở rộng tầm mắt và gặp gỡ nhiều bạn đồng hành dễ thương đáng quý. “Nó giúp mình rèn luyện ý chí, tĩnh tâm, nhân sinh quan tốt hơn và cởi mở hơn. Điều quan trọng hơn là, tuổi hưu không mất đi “giá trị”, mà còn là cơ hội để ta vui sống, cải thiện sức khỏe!”- chị nói.

Hẳn nhiên, thành công chinh phục những đỉnh cao đến với chị không phải lúc nào cũng thông đồng bén giọt. Có những chuyến đi nửa chừng Hạnh Hòa cảm thấy mệt và cực đến nỗi định bỏ cuộc trong chuyến chinh phục Nam Kang Ho Tao. Chị đã định nhờ người đưa xuống núi, để rồi lại nghĩ mình đã đi được 2/3 đường, giờ quay đầu sẽ ảnh hưởng tinh thần bạn đồng hành. Vậy là chị lại cố gắng đi tiếp để rồi khi đặt chân lên đỉnh núi, chị cảm thấy hạnh phúc khó tả, dù đã cạn kiệt năng lượng, không thể nhấc chân thêm được nữa.

“Nhìn lại, không ngờ tôi đã trải qua được chặng đường chinh phục những đỉnh cao rất gian nan. Đó là quá trình chiến thắng bản thân chứ không nhằm chứng tỏ gì cả. Tôi thay đổi nhiều cách nhìn, suy nghĩ về bản thân, cuộc sống; tôi khỏe hơn, lạc quan và sống tích cực, thanh thản hơn. Ở tuổi tôi, còn mong ước điều gì nữa. Gia đình tôi sống tại TP Hồ Chí Minh. Chồng tôi mất đã vài năm, hai con tôi đã ổn định cuộc sống, công việc. Tôi phụ con chăm sóc cháu, giúp con trong khả năng của mình và vui sống với đam mê khám phá”.

Chị khẳng định: “Những đỉnh cao khác đang chờ tôi, có thể không phải là cao hơn, gian nan hơn. Khi bạn đặt chân lên đỉnh núi nào đó, hạnh phúc của bạn đôi khi không hẳn chỉ là đứng trên đỉnh núi, mà còn là cảm giác thanh thản, hạnh phúc lúc xuống núi, bỏ lại đỉnh núi sau lưng. Tôi vẫn đang trên hành trình đi qua đỉnh núi đời người, với hành trang sống vui, sống khỏe, làm những gì mình thích và được sống như mình muốn”.