Điện hay Di tích?

Đề xuất quy hoạch hai dự án điện mặt trời trên đầm An Khê-nằm trong khu vực bảo vệ di tích quốc gia Khu khảo cổ học Sa Huỳnh của tỉnh Quảng Ngãi đang thu hút sự chú ý của dư luận. Thêm một lần, di tích văn hóa-lịch sử lại bị đặt trước câu hỏi: bảo tồn hay phát triển?

Chung quanh đầm An Khê, người dân vẫn giữ phương thức canh tác truyền thống, lưu truyền các phong tục tập quán mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian của người Việt.
Chung quanh đầm An Khê, người dân vẫn giữ phương thức canh tác truyền thống, lưu truyền các phong tục tập quán mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian của người Việt.

Hai lần "gánh" dự án

Đầm An Khê dài 3,5 km, rộng 1km với gần 350 ha mặt nước, tiếp giáp cửa biển Sa Huỳnh, thuộc xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ. Theo đề xuất, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Công thương xem xét đưa vào quy hoạch hai dự án điện mặt trời với công suất 200 MW/MWp, giai đoạn đầu tư 2025-2030 nhằm tạo tính đột phá, động lực phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí và kinh tế-xã hội cho địa phương. Hai dự án này sử dụng khoảng 658.000 m2 mặt nước, chiếm hơn 19% diện tích đầm An Khê. Đây là lần thứ hai đầm An Khê-nằm trong khu vực bảo vệ di tích quốc gia Khu khảo cổ học Sa Huỳnh được đề nghị làm dự án điện mặt trời. Trước đó, năm 2017 đầm An Khê cũng được đề nghị "gánh" hai dự án điện mặt trời.

Sau bao năm sống bình lặng bên đầm An Khê, mấy năm nay làng ông Nguyễn Tri, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ râm ran chuyện làm điện mặt trời. "Họp dân hai, ba lần rồi. Phía trên khu vực không làm điện thì dân đồng ý, phía làm điện thì họ không chịu. Tui lo lắp điện thì có đi quây, bắt cá ngoài đầm được không" - ông Tri tâm tư.

Được phát hiện từ năm 1909, với rất nhiều di vật khảo cổ của đời sống các tộc người thời tiền sơ sử ở miền trung Việt Nam, tại các khu vực quanh đầm An Khê như Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức…, di chỉ văn hóa Sa Huỳnh sau đó được xác định là nơi lưu giữ dấu tích của một trong ba nền văn minh cổ đại của Việt Nam. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn xây dựng di tích quốc gia Khu khảo cổ học Sa Huỳnh thành di tích quốc gia đặc biệt nhằm bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng quần thể di sản có vị trí rất đặc biệt này.

Lựa chọn cho tương lai?

Khảo sát đầm An Khê và quần thể di sản văn hóa Sa Huỳnh, các chuyên gia Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định: Nơi đây là không gian sinh tồn, sinh thái nhân văn của cư dân cổ Sa Huỳnh, tiếp nối là cư dân Chămpa và sau này là Đại Việt, đã để lại rất nhiều di vật trong lòng đất và trên mặt đất. Nơi đây là không gian lịch sử, sinh thái văn hóa nhân văn quý hiếm, rất có giá trị, xứng đáng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, và trong tương lai có thể trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết, năm 2015, ngành chức năng hoàn thiện dần các hồ sơ để kiến nghị công nhận di tích quốc gia Khu khảo cổ học Sa Huỳnh là di tích quốc gia đặc biệt. "Chúng tôi làm hồ sơ thì vướng dự án phim trường Vina, sau đó là các dự án điện mặt trời khu vực đầm An Khê năm 2017. Hội đồng Di sản quốc gia vào khảo sát và xem xét không gian đầm An Khê, yêu cầu tỉnh bảo tồn đưa vào quần thể di tích Sa Huỳnh để được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Đến nay vẫn chưa hoàn thành" - Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi chia sẻ.

Để phát huy giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, những năm qua tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư một số thiết chế văn hóa ngay vùng lõi di sản. Khu bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Sa Huỳnh được xây dựng trên diện tích 20 ha ở Gò Ma Vương, thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ gồm Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, phục dựng ba điểm khai quật khu mộ táng Sa Huỳnh và hai vi bản trên quần thể di sản. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 32 tỷ đồng từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh Quảng Ngãi. Hiện tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, đường vào khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh để kết nối phát triển du lịch.

Trước đề xuất đầu tư dự án điện mặt trời trên đầm An Khê của doanh nghiệp, cùng với việc xin bổ sung quy hoạch, tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo ngành chức năng xác định rõ giá trị văn hóa cần bảo tồn của khu vực đầm An Khê, đánh giá tác động kinh tế xã hội, môi trường liên quan của dự án. "Chúng tôi đang thực hiện các bước thẩm định dự án này ảnh hưởng đến di tích văn hóa Sa Huỳnh, đầm An Khê như thế nào để báo cáo ủy ban tỉnh" - ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết.

Sẽ là không hợp lý nếu đặt lên bàn cân lợi ích kinh tế trước mắt từ các dự án điện mặt trời và nguồn thu còn rất thấp từ Di tích Khu khảo cổ học Sa Huỳnh hiện nay. Vậy nhưng, đặt trong góc nhìn về tương lai của nền kinh tế xanh, và giá trị vô cùng độc đáo, đặc sắc của khu di chỉ khảo cổ học Sa Huỳnh, kết nối liên tưởng đến cách ứng xử với những di sản văn hóa của các địa phương khác như Quảng Ninh, An Giang, Ninh Bình… có lẽ sẽ không khó để nhận thấy cán cân lệch hẳn về phía di sản.

"Bảo tồn văn hóa vẫn có thể phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách cho tỉnh, nâng cao đời sống người dân. Đó là các loại hình kinh tế phù hợp như kinh tế du lịch, du lịch cộng đồng, các mô hình trải nghiệm trên vùng sông đầm An Khê, cửa biển Sa Huỳnh…" - đại diện công ty du lịch P.L chia sẻ.

"Hội đồng đề nghị không lắp đặt các tấm panel thu năng lượng mặt trời trên mặt nước và xây dựng các công trình vận hành, quản lý dự án đất bờ đầm An Khê; cũng không thể thu hẹp một phần đầm An Khê vì sẽ vi phạm khu vực bảo vệ của di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 đuợc sửa đổi, bổ sung năm 2009, và vi phạm "tính xác thực", "tính toàn vẹn" của di sản tại Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972" - trích Báo cáo Về chuyến đi khảo sát công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại tỉnh Quảng Ngãi của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia gửi Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/10/2019.