Đi một ngày đàng...

600 nghìn EUR (tương đương 16,5 tỷ đồng) là tổng kinh phí mà Quỹ Đoàn kết các Dự án Đổi mới/FSPI đã tài trợ, thông qua Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, để triển khai dự án "Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam", từ năm 2022, phối hợp thực hiện cùng nhiều cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo đi cùng nội dung trưng bày hoàn toàn mới của Trung tâm Du khách, Vườn quốc gia Cúc Phương. Nguồn: Đại sứ quán Pháp
Diện mạo đi cùng nội dung trưng bày hoàn toàn mới của Trung tâm Du khách, Vườn quốc gia Cúc Phương. Nguồn: Đại sứ quán Pháp

Những con số ấn tượng

Trong hai năm, 11 đối tác phía Pháp và 22 cơ quan, tổ chức phía Việt Nam với hơn 200 cán bộ, nhân viên đã tham gia ba hợp phần của Dự án.

Hợp phần thứ nhất là phát triển giảng dạy ngành nghề về di sản. 120 sinh viên của bốn trường đại học của Việt Nam đã tham gia năm hội thảo, buổi tập huấn về năm nghề nghiệp: Bảo quản bộ sưu tập; Xây dựng nội dung bảo tàng; thiết kế không gian bảo tàng; đồ họa bảo tàng; công chúng, đón tiếp- truyền đạt nội dung truyền thông.

Hợp phần thứ hai là về nâng cao năng lực cán bộ bảo tàng, bao gồm 12 khóa tập huấn về năm nghiệp vụ cho phía Việt Nam. Bên cạnh đó là hai chuyến thực địa tại Pháp dành cho 26 cán bộ, chuyên viên từ 19 cơ quan của Việt Nam thuộc hai lĩnh vực: Các bảo tàng thiên nhiên, tự nhiên và khoa học; các bảo tàng về lịch sử, mỹ thuật, dân tộc học và trung tâm diễn giải.

Hợp phần còn lại là triển khai ba dự án thí điểm: Cải tạo Trung tâm Du khách của Vườn Quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình; hỗ trợ biên soạn nội dung trưng bày của Trung tâm Giáo dục và Truyền thông môi trường của Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam; thiết kế, sản xuất hai công cụ truyền đạt nội dung bằng âm thanh mang tên "Chiếc hộp kể chuyện", đặt tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Việc hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được các cơ quan hữu quan Pháp triển khai từ nhiều năm qua, không chỉ ở quy mô quốc gia mà còn ở cấp địa phương của cả hai nước. Một trong những lý do để phía Pháp tiếp tục thúc đẩy hoạt động này tại Việt Nam là nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo các đối tác Việt Nam, theo xu hướng thúc đẩy phát triển công tác bảo vệ, phát huy đa dạng bản sắc văn hóa của Việt Nam trong bối cảnh mới của hội nhập quốc tế.

Đại sứ Pháp Olivier Brochet cho biết, nước Pháp có một lịch sử lâu đời trong bảo tồn di sản, thể hiện ở sự ra đời của Ủy ban về các công trình di sản từ năm 1837 kèm một hệ thống luật pháp phù hợp để quản lý, trong đó bao gồm cả công cụ thuế. Đến nay, Ủy ban này đã xếp hạng được khoảng 45 nghìn công trình di sản đa dạng về quy mô trên cả nước cùng hàng trăm nghìn hiện vật đơn lẻ. Con số mà Đại sứ Pháp Olivier Brochet chia sẻ, doanh thu tương đương 7% GDP (khoảng 1.888 tỷ EUR) từ địa hạt này, thật sự ấn tượng, chứng minh khả năng đem lại lợi ích kinh tế vô cùng to lớn từ di sản, nếu biết bảo tồn và phát huy giá trị đúng cách.

Ðón hướng tiếp cận mới để phát triển

Là một trong những thành viên tham gia chương trình thực địa tại Pháp, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ chia sẻ: Đã rút ra được sáu bài học kinh nghiệm quý. Một trong số đó là quan tâm, phân tích đối tượng công chúng mà Bảo tàng đón tiếp trong các cuộc trưng bày, để từ hiểu nhu cầu của họ dẫn tới phục vụ họ tốt hơn. Từ các bài học này, theo bà Thắm, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ "thấy sửa được gì là sửa luôn", kể cả từ việc tưởng như nhỏ là cách chọn vật dụng phù hợp cho việc đặt để một hiện vật. Trong trao đổi với Nhân Dân cuối tuần, bà Thắm cho biết, riêng lĩnh vực giáo dục truyền thống cho trẻ em, Bảo tàng đã thay đổi nhiều về cách thức triển khai nội dung. "Chúng tôi tiết giản các hình ảnh có tính tuyên truyền mạnh như súng đạn hay tranh đấu, thương vong… dễ làm các em sợ, tập trung đưa các hình ảnh tích cực sau khi chú trọng phân tích nội dung giáo dục phù hợp hơn cho lứa tuổi nhỏ của từng chuyên đề trưng bày. Chính vì vậy, hiện nay, Bảo tàng là một nơi được nhiều trường học, kể cả trường mầm non, lựa chọn", bà Thắm khẳng định.

Sau khi được cải tạo toàn bộ quy cách trưng bày, Trung tâm Du khách của Vườn Quốc gia Cúc Phương đã trở thành điểm đến đặc biệt tại đây. "Tính từ đầu năm 2024 đến nay, có tới khoảng 80% trong tổng số 77.500 lượt du khách đến Vườn quốc gia đã tham quan, tìm hiểu tại Trung tâm Du khách và đều đưa ra những nhận xét, đánh giá cao về thiết kế, trưng bày, cung cấp thông tin, truyền tải thông điệp", ông Đỗ Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Giáo dục Môi trường của Vườn, chia sẻ. Sức hút du khách của Trung tâm đã cho thấy sự đúng đắn của hướng tiếp cận công chúng mới: Đưa vào hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại kết hợp với các yếu tố văn hóa bản địa, sức hấp dẫn của thị giác góp phần mở ra thông điệp nhân văn; hướng thông tin về phía tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm với môi trường cho khách tham quan.

Thành công ban đầu của dự án "Chia sẻ và Gìn giữ Di sản Việt Nam" đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác tiếp theo giữa Pháp và Việt Nam. Bảo tàng Confluences (Musée des Confluences, thành phố Lyon), một trong các đối tác phía Pháp tham gia dự án này đã tiếp tục triển khai dự án mới với Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Địa phương hóa triển lãm "Chúng tôi, Những dòng sông" (Nous, les Fleuves)-một trưng bày rất thành công tại Bảo tàng Confluences, diễn ra từ ngày 21/10/2022 đến 27/8/2023.