Để người dân cùng hiểu và bảo vệ di sản

Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00

Với những định hướng quan trọng những năm gần đây, di sản đang vừa được tôn vinh, vừa được quan tâm bảo vệ, giữ gìn khai thác một cách bền vững, góp phần tích cực vào xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch, bồi đắp thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân. Luật về di sản văn hóa đang được chỉnh sửa. Nhiều văn bản dưới luật liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, tu bổ di tích, kiểm kê di sản vật thể và phi vật thể, trao các danh hiệu di tích, di sản cấp quốc gia, cấp tỉnh… được ban hành, áp dụng, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp bối cảnh mới.

Trong sự chung tay giữa Nhà nước và người dân, có những nơi làm rất tốt, chủ động và sáng tạo, như việc không chỉ các ban quản lý di tích và cán bộ văn hóa, mà bà con sở tại cũng cùng với chính quyền tham gia trông nom, bảo vệ, giữ vệ sinh, môi trường đình, đền, chùa… xanh, sạch, đẹp. Có những người cao tuổi, nhà giáo, nhà nghiên cứu ở địa phương tự sưu tầm sách vở, biên soạn tài liệu về lịch sử làng quê, giá trị di tích, di vật của quê hương mình để giới thiệu, quảng bá đến thế hệ sau và khách thập phương xa gần. Nhiều câu lạc bộ, nhóm nghệ nhân, nghệ sĩ tích cực truyền dạy, trình diễn những câu ca, nhịp đàn, điệu múa, nghề dệt, thêu… của cha ông để xa gần biết đến.

Nhưng, cũng không thể tránh khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến trường hợp một số di tích được làm mới, tô vẽ lòe loẹt bởi chính người dân sở tại đóng góp công của vì thiếu kiến thức và hiểu biết mà bỏ phí đi những chi tiết, di vật giàu giá trị văn hóa, mỹ thuật. Ở không ít nơi, việc trông giữ sắc phong, bảo vật, cổ vật trong đình, đền, chùa còn sơ sài, lơ là, để xảy ra mất cắp, thất lạc. Cũng rất phổ biến tình trạng người dân xây dựng nhà cửa, mở hàng quán lấn chiếm không gian di tích, làm xấu cảnh quan di sản. Sự hiểu biết chung đối với giá trị di sản quê hương có người nắm rõ nhưng không ít người rất mù mờ, chỉ biết đình làng mình thờ thành hoàng chứ không rõ sự tích, công trạng ra sao; chùa nơi mình sống xây dựng thời nào, có gì đặc sắc về kiến trúc, mỹ thuật có những dấu ấn gì đặc biệt. Giá trị của nhiều tác phẩm điêu khắc, chạm trổ đá, gỗ ở di tích, ở bảo tàng…, không ít người cũng không biết đến.

Sự thiếu hiểu biết cũng là một phần nguyên nhân của ý thức gìn giữ kém; thậm chí không cảm nhận được sự quý giá, cần phải trân trọng; từ đó dẫn đến sự bàng quan khi di sản bị mai một, xâm hại; thậm chí trong nhiều trường hợp, chính những người dân hồn nhiên, chất phác lại góp phần làm cho di sản mai một, mất mát nhiều hơn. Điều này rất đáng để điều chỉnh, chú trọng hơn trong việc tuyên truyền, cung cấp thông tin, bồi bổ vốn văn hóa dân tộc cho các cộng đồng địa phương. Cần nhiều cách thức sinh động, giản dị, hấp dẫn, dễ nhớ để lôi cuốn người dân, nhất là thanh niên, học sinh tìm hiểu di tích, di sản quê hương…

Có biết, hiểu thì mới yêu quý hơn, cùng mong giữ và tìm cách bảo vệ di sản quê nhà được. Như thế, di sản mới được lưu giữ và phát huy vào đời sống hiện đại, làm giàu có hơn cho người dân cả về tinh thần lẫn vật chất, trở thành nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.