Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Cùng với Chương trình mới đã và đang triển khai những năm gần đây, công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường cũng được ngành giáo dục quan tâm, nhất là ở các trường phổ thông. Tuy nhiên, để đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn, nhiều vấn đề liên quan đang được đặt ra bức thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Đầu tư cho hoạt động công tác xã hội đã trở thành lựa chọn của nhiều trường học. Ảnh: KHIẾU MINH
Đầu tư cho hoạt động công tác xã hội đã trở thành lựa chọn của nhiều trường học. Ảnh: KHIẾU MINH

THÔNG tư số 31/2017 ngày 18/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, định nghĩa: Tư vấn tâm lý cho học sinh là sự hỗ trợ tâm lý, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn học sinh gặp phải khi đang học tại nhà trường. Đồng thời nêu rõ, mục đích của công tác tư vấn tâm lý cho học sinh là, phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường; hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách học sinh.

Theo các chuyên gia, công tác xã hội trường học còn giúp các bậc phụ huynh hỗ trợ và tham gia một cách có hiệu quả vào hoạt động giáo dục con cái; hiểu được những nhu cầu phát triển và giáo dục của trẻ; tiếp cận các nguồn lực của trường học và cộng đồng; hiểu các dịch vụ giáo dục đặc biệt; tăng cường kỹ năng làm cha mẹ; và giúp các thầy cô giáo giảm căng thẳng áp lực trong công việc, thúc đẩy công tác phối hợp với phụ huynh học sinh tiến hành hiệu quả công tác giáo dục, nhất là với các em cần sự giáo dục đặc biệt, đồng thời hiểu hơn về gia đình học sinh và những yếu tố văn hóa và cộng đồng ảnh hưởng đến học sinh.

Tiếp sau Thông tư 31, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học, đồng thời ngành giáo dục cũng triển khai nhiều chương trình, hội nghị, hội thảo, tập huấn nhân viên công tác xã hội, bước đầu thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Ngành giáo dục tăng cường phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Đồng đội Trung ương, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như: Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Good Neighbors International (GNI), Room to Read (RtR),… để thực hiện các hoạt động phát triển công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học, chú trọng tư vấn, trợ giúp nhóm học sinh yếm thế.

Sau thời gian cả nước chống chọi với đại dịch Covid-19, dịp cuối năm 2022, ngành giáo dục tổ chức Hội thảo Giải pháp triển khai hiệu quả dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục, với mục đích tham vấn các chuyên gia cho ý kiến về báo cáo khảo sát đánh giá kết quả thực hiện hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tại 13 tỉnh, thành phố; trao đổi kinh nghiệm của các địa phương về thực trạng triển khai hoạt động công tác xã hội và hoạt động tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục hiện nay; trao đổi chuyên gia về các quan điểm khoa học của hoạt động công tác xã hội và hoạt động tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục; thảo luận, bàn giải pháp sửa đổi, bổ sung hai Thông tư số 31 và 33. Gần đây nhất, đầu tháng 6/2023, Bộ tổ chức thành công Tập huấn sử dụng tài liệu và bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên triển khai tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến thực trạng, nguyên nhân, động cơ tâm lý của học sinh có nguy cơ, suy nghĩ, hành vi tự gây tổn thương và tự tử; thực hành sơ cứu tâm lý và các hoạt động phòng ngừa.

Tuy bước đầu còn rất khó khăn, nhiều đơn vị, cơ sở giáo dục đã chủ động khắc phục, mở phòng tư vấn trong trường, thiết lập hệ thống tiếp nhận thông tin của trường như hòm thư góp ý, đường dây nóng (Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em theo số 111) cùng các hình thức sử dụng công nghệ thông tin như thông qua website của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, các trường để tiếp nhận các vụ việc có nguy cơ gây tổn hại đến người học.

Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui ảnh 1
Các hoạt động tập huấn, nâng cao nhận thức về công tác xã hội học đường cho giáo viên, nhân viên, ban quản lý nhà trường được tổ chức thường xuyên. Ảnh: GNI

VỀ nhân lực, theo báo cáo gần đây của 53 Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước, hiện có 35/53 địa phương (chiếm 66%) phân công giáo viên, nhân viên làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội tại các đơn vị trường học; có 28/53 địa phương (chiếm 52%) đã xây dựng và thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên, nhân viên thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học, cụ thể là giảm tiết dạy cho giáo viên kiêm nhiệm. Một số sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện và bảo đảm chế độ chính sách đặc thù.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo ngành giáo dục, trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít những hạn chế cần khắc phục, nhất là một số khó khăn về nhân lực. Cụ thể, Thông tư 33 mặc dù đã được triển khai tại các địa phương song kết quả từ công tác này vẫn chưa thật sự đi vào chiều sâu do không có biên chế cho nhân viên công tác xã hội ở các nhà trường, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, một số cán bộ quản lý các đơn vị trường học chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của công tác xã hội trường học, ngay cả tài liệu, sổ tay hướng dẫn còn thiếu. Hiện chỉ có 75% số Sở Giáo dục và Đào tạo (40/53) có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo n tâm lý, thực hiện quy định về giảm tiết dạy cho giáo viên kiêm nhiệm theo Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT.

Thời gian qua, điều đáng mừng, công tác tư vấn tâm lý được triển khai cả ở trường công và trường tư với việc thành lập các nhóm hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Hoạt động hỗ trợ tâm lý học học sinh còn được đưa vào các tiết ngoại khóa, tiết chuyên đề đan xen vào cuối tuần để giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tâm lý của học sinh lớp mình đảm nhiệm. Bên cạnh đó, hằng năm các trường đều tổ chức các buổi sinh hoạt chung, các buổi sinh hoạt dưới cờ diễn ra với quy mô toàn trường hoặc tổ chức riêng theo từng khối nhằm cung cấp kiến thức, phòng ngừa các vấn đề rối nhiễu tâm lý đối với học sinh. Những công tác trên khiến nhận thức của học sinh, phụ huynh và cộng đồng ngày càng được nâng lên. Việc nhận diện những khó khăn, bước đầu tìm phương án giải quyết không còn là thách thức.

Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế, thực trạng triển khai công tác xã hội, tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục còn thiếu sự đồng bộ, kết quả phụ thuộc nhiều vào đặc điểm, điều kiện, khả năng của mỗi trường, cả về nhân lực và cơ sở vật chất, dẫn tới hiệu quả chưa như mong đợi, nhất là sự trông đợi của chính các học sinh.

Theo ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết: "Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học. Bộ cũng đề xuất vị trí việc làm của viên chức tư vấn học sinh thực hiện nhiệm vụ chính là tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học".