Là chủ nhân hạng mục "Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội" (Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2024), GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính đã chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần những đợi chờ, kỳ vọng và cả những âu lo, trăn trở về một diện mạo tương lai xứng tầm cho Hà Nội, vào đúng thời điểm mảnh đất nghìn năm văn hiến tưng bừng kỷ niệm bảy thập niên Ngày Giải phóng Thủ đô.
Vốn liếng văn hóa in đậm dấu ấn thời kỳ cận đại
- Vào dịp Hà Nội tròn nghìn tuổi, ông từng gợi ý nên tiến hành một cuộc tổng điều tra và kiểm kê toàn bộ, để đánh giá tổng thể gia tài mà thành phố sở hữu, hoạch định các chương trình phát triển và bàn giao lại cho hậu thế. Gia tài ấy quý giá tới cỡ nào, thưa ông?
- Để có thể là sự tổng nhìn nhận lại những biến đổi lớn lao đã lưu dấu ấn đậm nét trên hình hài Thủ đô trong quãng thời gian 70 năm qua, chúng ta trước tiên phải trả lời câu hỏi, thành phố này đã tích lũy được những di sản văn hóa - kiến trúc gì, từ cái mốc năm 1954 trở về trước.
Hà Nội cổ về lịch sử, chưa hẳn đã cổ về kiến trúc đô thị. Các di chỉ kiến trúc, khảo cổ học có niên đại cả nghìn năm. Song, quỹ kiến trúc đô thị hiện hữu, tính cả các di tích, có độ tuổi không quá 300 năm. Đại đa số các công trình kiến trúc phố xá xuất hiện từ nửa sau thế kỷ 19. Nói gọn là đô thị cổ, kiến trúc cũ. Ngay cả khu phố thường quen gọi là cổ thì trên những gì còn lại, cũng chỉ nên gọi là cũ.
Thăng Long-Hà Nội từng là một kinh đô thực thụ, thịnh và suy qua thời gian. Đặc biệt từ đầu thế kỷ 19, nó đã đánh mất vị trí kinh đô - khi Vua Nguyễn Ánh chọn Phú Xuân làm nơi lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long và vì vậy, định hình cho mình diện mạo của một chốn thị thành - kẻ chợ.
Trong suốt thế kỷ 19, Hà Nội tồn tại với tư cách hợp phố và trở thành trung tâm thương mại - buôn bán - sản xuất hàng thủ công - thu gom hàng hóa từ các địa phương chung quanh - dạy học… Những tinh túy về vật chất còn lại từ những triều đại Lý - Trần - Lê vàng son xưa cũ hầu hết đã tan biến. Văn hóa phố phường đã thay thế văn hóa kinh kỳ. Cho đến cuối thế kỷ 19, đường phố ở Hà Nội chưa lát gạch và đá, vỉa hè cũng chưa có. Nhà chưa có nhiều tầng, đa phần thấp lè tè, không ít nhà tranh vách đất.
Từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 là giai đoạn mọi tích lũy văn hóa và vật chất hiện hữu còn rõ nét trên dung mạo phố phường hôm nay. Hình ảnh Hà Nội đã trở nên phổ biến, thân thương với những mái ngói thâm nâu, lô xô trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, với những ngôi nhà gạch hay nhà ống một - hai tầng.
Việc hình thành khu phố Pháp cũng làm nên một điểm nhấn kiến trúc đặc sắc cho mảnh đất này. Có lẽ vì vị thế và khả năng kinh tế hạn hẹp, những gì mà người Pháp xây dựng tại đây đều có quy mô vừa phải, không bành trướng về không gian, không có những công trình đồ sộ, không có những trục phố lớn, đại lộ - quảng trường - công viên… Điểm tưởng như hạn chế đó lại làm nên một hình thái kiến trúc chuyển tiếp mềm mại, hài hòa, không gây ra sự đột biến, tương phản và đối kháng. Có thể nói, trong thiết kế đô thị, người Pháp đã giải quyết thành công sự gắn kết và chuyển hóa giữa khu phố cũ của người Việt với khu phố thuộc địa, với sự xác lập vai trò trung chuyển của hồ Hoàn Kiếm, quy mô và hệ tỷ lệ xích không gian không hề tách biệt giữa hai phần mới và cũ.
Tóm lại, Hà Nội trước năm 1954 là một thành phố kết hợp uyển chuyển Á - Âu, hình thành một vùng văn hóa đô thị khép kín trong phạm vi địa lý nhỏ hẹp với dân số cho đến năm 1945 chỉ dưới 20 vạn dân. Vốn liếng văn hóa mà Hà Nội tích lũy, ôm chứa in đậm dấu ấn thời kỳ cận đại. Đó là một tài sản quý giá, đặc sắc, độc đáo nhưng cũng vô cùng mỏng manh, từ đó rất cần thái độ tiếp cận khách quan, trân trọng và cầu thị mà từng có những lúc chúng ta chưa hành xử được như vậy.
Ðể di sản Hà Nội được bảo tồn và phát triển tiếp nối
- Sau thời khắc "năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về", Hà Nội dường như đã "thay da đổi thịt" khá nhiều. Sự đổi thay đó, ngoài ý nghĩa tích cực chắc cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, thưa ông?
- Giai đoạn 1954-1965 chứng kiến công cuộc hàn gắn các vết thương chiến tranh và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Hà Nội ngày ấy còn rất nhỏ, dân số dưới 30 vạn, với tính chất của một đô thị hành chính - sản xuất nhỏ - tiểu thương, các cơ sở kỹ thuật và vật chất cũ kỹ. Giai đoạn năm 1965 đến dấu mốc Đổi mới là thời kỳ của những kế hoạch lớn, của những cải tạo và xây dựng dẫn đến sự biến đổi cơ bản trong kiến trúc Hà Nội trên cái nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp. Và từ đó tới nay, chúng ta đã và đang chứng kiến sự bùng nổ xây dựng dẫn đến sự biến đổi toàn diện của Thủ đô theo hướng hiện đại hóa.
Ngoái nhìn lại thì thấy, từ năm 1954 đến trước thập niên 90, Hà Nội đã trải qua một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn và thách thức nhưng cũng hình thành được nhiều công trình có tầm nhìn, quỹ kiến trúc được nhân lên gấp bội trong hoàn cảnh chiến tranh và bao cấp, thiếu thốn mọi bề. Về phương diện xã hội, công cuộc cải tạo công thương nghiệp đã làm biến đổi, thay đổi đến tận gốc rễ bản chất văn hóa, kinh tế phố phường của Thủ đô (cải tạo tầng lớp thương nhân, buôn bán vốn là sức mạnh và làm nên nét đặc sắc để thay bằng nền kinh tế bao cấp mậu dịch). Hà Nội dần dà phôi phai đi những giá trị văn hóa đã nảy nở và định hình cùng phố phường, phôi phai đi cả những thói quen, tập tục, nền nếp sống vốn là một dạng tinh hoa đất Hà thành.
Giá trị một thành phố cần được nhìn nhận từ cả hai chiều, tài nguyên và quỹ kiến trúc có thể đong đếm được và văn hóa đô thị - ở đây là văn hóa Thủ đô vốn tạo nên hình thái, bản chất và hồn cốt của Hà Nội. Khôi phục lại tinh hoa văn hóa ấy là việc chúng ta nên làm và phải làm. Bởi trong cuộc cạnh tranh giữa các đô thị, di sản và bản sắc cũng là những nhân tố đắc lực, là xuất phát điểm, là tài nguyên.
- Việc mở rộng Thủ đô dường như cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều bài toán nan giải để duy trì các đặc trưng đô thị trong quá trình hiện đại hóa. Ông nghĩ sao về điều đó?
- Hà Nội về tổng thể vẫn là một cơ thể đô thị duy trì được sự chuyển hóa không gian đô thị mềm mại, một khung cảnh đô thị gắn kết về phương diện hình thái học. Hà Nội có khuôn mặt của sự chuyển hóa và hòa đồng giữa làng và phố, làm cho Thủ đô ta giàu chất Á Đông… Hà Nội hôm nay, từ cách nhìn nào đó, đang là một "bảo tàng" kiến trúc và văn hóa đô thị. Đặc trưng cho thời kỳ cận đại, đặc trưng cho sự quá độ kéo dài trong phát triển xã hội, với những khác biệt có xuất xứ Á Đông và từ những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt sau này.
Từ sau Đổi mới, Thủ đô đã bước vào một giai đoạn phát triển mới với sức bật mạnh mẽ, tạo ra một nguồn tài nguyên đô thị mới cùng độ giàu có mới. Đất rồng bay mở mang, hiện đại lên trông thấy nhưng cũng hình thành những thách đố không nhỏ.
Sự phát triển đột biến về lãnh thổ đô thị đã khiến phần mới lan tỏa tứ phía đang ngày càng áp đảo phần lõi cũ tinh hoa - vốn chỉ vỏn vẹn vài chục cây số vuông song gói ghém biết bao hình ảnh, hoài niệm đẹp đẽ. Sau ngày 1/8/2008, diện tích Hà Nội rộng hơn gấp bốn lần, dân số nhảy vọt từ hơn 1 triệu lên gần 10 triệu người. Tỷ lệ người dân góp phần quan trọng tạo nên sắc thái văn hóa Thủ đô không nhiều, co cụm ở khu vực trung tâm, chủ yếu thuộc hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.
Vậy để cái phần tinh chất văn hóa nhỏ nhoi, khiêm nhường, mảnh dẻ và không có gì chắc bền ấy có thể nối mạch với diện tích mở rộng đang ngày càng to cao, rộng lớn, choáng ngợp, tiện nghi hiện đại, chúng ta rất cần những kiến trúc sư cùng nhà quy hoạch tài tình chứ không phải những cá nhân chỉ biết thuần túy quản lý hoặc kinh doanh đất đai. Biết trân trọng, vun đắp cái lõi lịch sử - văn hóa để tạo nên một đô thị phát triển hài hòa, cộng sinh giữa cái cũ và cái mới, cái vốn liếng và cái tân tiến để giảm sự đối kháng, mất cân bằng cùng sự hạn chế những ứ tồn đô thị là điều mà tôi luôn chờ đợi.
- Với "một người đã gắn bó máu thịt với Thủ đô trong cả cuộc đời lẫn sự nghiệp" (như tiêu chí vinh danh Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội mà ông vừa được trao tặng), điều mong mỏi lớn nhất mà ông muốn gửi gắm là gì?
- Nói đến Thủ đô là phải đề cập tới những yêu cầu đòi hỏi tối thượng. Thủ đô không chỉ dừng lại ở một đô thị đặc sắc mà phải là nơi chốn hàm chứa, gạn lọc, bồi đắp, kết tinh và lan tỏa những giá trị tinh hoa. Để làm được điều đó không thể chỉ trông chờ vào những công cụ vận động bình thường mà phải có những tính toán chiến lược trong mọi mặt. Để người dân không chỉ "sống ở Hà Nội" mà còn có thể dõng dạc khẳng định "Tôi là người Hà Nội"!
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
|