Để không còn cảnh "được mùa rớt giá"

Hôm trước tôi có dịp ghé thăm trang trại trồng bưởi ngọt của người bạn ở ngoại thành Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00

Tháng ba, hoa bưởi nở trắng xóa. Nhìn vườn bưởi đang thì trổ bông nhưng thân cành có vẻ xơ xác còi cọc do không được bón phân, cắt tỉa cành và dưới gốc cỏ dại mọc kín đất, tôi hỏi người bạn vì sao không thuê người làm cỏ và chăm bón cho cây. Bạn tôi bảo giờ giá nhân công đắt đỏ, phân bón thuốc trừ sâu cái gì cũng tăng mà bưởi lại rẻ quá, bán ra chẳng biết có thu lại đủ số tiền bỏ ra hay không, thôi thì cứ để như vậy, được đến đâu hay đến đó. Mùa vừa qua, vườn bưởi nhà bạn tôi thu hoạch được kha khá nhưng chị ấy hầu như không bán mà đem chia cho bạn bè, người thân.

Vườn bưởi này được trồng từ 15 năm về trước nên cũng kịp có những mùa thu hoạch bán được giá. Giờ đây, rất nhiều gia đình lao đao vì vườn bưởi đang độ phát triển tốt nhất thì gặp lúc bưởi rớt giá quá chừng, để chăm tiếp thì tốn tiền bạc công sức mà không có hiệu quả kinh tế, không chăm hoặc chặt bỏ thì đau lòng xót ruột. Hồi ấy thấy cây bưởi cho thu nhập cao, bán ra toàn 15-20 nghìn đồng một quả nên ai cũng ham trồng. Không ít người vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, dốc toàn bộ vốn liếng tích cóp cả đời người vào vườn bưởi hy vọng cuối năm có một mùa vàng bội thu theo đúng nghĩa. Tuy vậy, có những vườn do khâu chọn lựa giống chưa kỹ càng cộng thêm vấn đề thổ nhưỡng nên cây bưởi ngọt không cho trái chất lượng như kỳ vọng dẫn đến việc khó chiếm được thị trường tiêu thụ. Áp lực của bài toán thu chi đè nặng lên vai đa số chủ trang trại bưởi. Vài năm vừa rồi giá rớt, thậm chí chỉ còn vài nghìn đồng một quả mà bán không có người mua khiến nhiều nhà bỏ mặc bưởi rụng vàng cả gốc, vườn bưởi không được cắt tỉa chăm sóc, dẫn đến sâu bệnh khiến nhiều người đã tính đến việc chặt bỏ để trồng giống cây mới cho thu hoạch cao hơn.

Câu chuyện về cây bưởi ngoại thành Hà Nội hôm nay cũng giống như cây chanh đào ở Hòa Bình mấy năm về trước, người ta thi nhau trồng thật nhiều vì thấy chanh đào được giá. Lúc ấy tìm mua chanh trắng khó hơn mua chanh đào vì chúng đã bị chặt hết. Thế rồi một thời gian sau khi những vườn chanh đào cho thu hoạch thì giá chanh đào lại rẻ như cho, vì thị trường “bội thực”. Người nông dân lại trở lại trồng chanh trắng, chặt hết chanh đào khiến giờ đây “săn” được vài cân chanh đào ngâm mật ong lại không phải là việc dễ nữa. Cái vòng luẩn quẩn ấy khiến cho nhiều lần mọi người phải đi “giải cứu”nông sản, và sau hết, nông dân vẫn là người hứng chịu nhiều thiệt thòi nhất bởi sự thiếu định hướng phát triển cây trồng của chính mình. Đã đến lúc bà con cần tỉnh táo trước mỗi quyết định của mình để không rơi vào cảnh “được mùa rớt giá” như vậy nữa.