Đào tạo theo đơn đặt hàng

Nhiều trường cao đẳng, đại học đang nỗ lực bắt nhịp thời cuộc thông qua việc đổi mới đào tạo, ngành học gắn với đòi hỏi từ thực tế trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu... Từ đó, góp phần hình thành nên nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi ngày một cao từ tiến trình phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của quốc gia.
Sinh viên thuộc Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường trong giờ thực hành. Nguồn: Trường ĐH Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
Sinh viên thuộc Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường trong giờ thực hành. Nguồn: Trường ĐH Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

Nhiều ngành nghề còn khó tuyển sinh

PGS, TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Thương mại (Hà Nội) cho rằng, hiện các trường đại học đã quan tâm đến nâng cao chất lượng, giảng dạy các học phần liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, đa dạng hóa các lĩnh vực và ngành nghề đào tạo hướng tới "kinh tế xanh". Đơn cử một số ngành học có tỷ lệ người học rất lớn, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cao như quản trị nhân lực xanh, logistics xanh, chuỗi cung ứng xanh, direct marketing (tiếp thị tương tác)…

"Những ngành nghề liên quan đến môi trường rất "khát" nhân lực nên có lương cao, nhu cầu lớn. Hai năm vừa qua, một số sinh viên tốt nghiệp Trường đại học Thương mại các lĩnh vực "hot" như logistics, marketing, thương mại điện tử có thể nhận việc ngay từ khi đang học năm thứ ba hoặc năm thứ tư", TS Loan nói.

Mặc dù vậy, cũng theo bà Loan, nếu đặt lên bàn cân so sánh, sự phát triển nguồn nhân lực cho ngành kinh tế xanh hiện chưa đồng đều, thậm chí mất cân đối. Một số lĩnh vực còn thiếu và yếu như công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo.

PGS, TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển nêu lên thực tế, những năm qua, ngành môi trường luôn nằm trong nhóm ngành khó tuyển sinh viên. Với các ngành khoa học như địa chất học, hải dương học..., có trường có không quá 10 tân sinh viên mỗi khóa.

Trong đề án tuyển sinh của Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, mục tiêu của những ngành học về môi trường khá lép vế so các ngành công nghệ hay kinh doanh. Đặc biệt, ngành có tên rất thời sự là biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đặt chỉ tiêu 50 sinh viên nhưng chỉ có chưa đầy 10 sinh viên nhập học. Ngành kinh tế tài nguyên thiên nhiên có gần 50 sinh viên nhập học trên tổng số 100 chỉ tiêu.

Về vấn đề này, PGS, TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ thêm, cách đây khoảng 5 năm, ngành ô-tô điện được quan tâm và kỳ vọng sẽ thay thế ô-tô chạy xăng. Các trường đại học mở các ngành công nghệ ô-tô điện nhằm đón trước nhu cầu nhân lực. Nhưng đến nay, xe điện vẫn không tăng trưởng ở Việt Nam như kỳ vọng, hành lang pháp lý cho loại xe này cũng chưa có... Điều này đồng nghĩa cơ hội việc làm cho sinh viên các ngành liên quan đến xe điện sau khi ra trường khá ít. Ông Dũng nêu quan điểm: "Đào tạo nhân lực cho các ngành mới cần được đồng bộ với chiến lược của Nhà nước".

Ðể cánh cửa việc làm xanh rộng mở

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mới đây đã giao bốn trường đại học trực thuộc và Trường cao đẳng Lào Cai thí điểm triển khai chương trình đào tạo phát triển thị trường tín chỉ carbon. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng lựa chọn thêm ba trường cao đẳng, trung cấp đang đào tạo ngành nghề như tài nguyên và môi trường, nông nghiệp để cùng thí điểm đào tạo. Theo Bộ này, việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực tín chỉ carbon đang gặp phải thách thức do tính mới mẻ và phức tạp. Nếu không bắt đầu đào tạo ngay từ bây giờ, Việt Nam có nguy cơ bị tụt hậu so thế giới và bỏ lỡ cơ hội phát triển trong ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.

Bên cạnh đó, chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ TVET Việt Nam) đã hỗ trợ nhiều cơ sở đào tạo lao động liên quan đến phát triển xanh. Cụ thể, hỗ trợ ba trường cao đẳng đào tạo xử lý nước thải theo tiêu chuẩn Cộng hòa Liên bang Đức, hỗ trợ Trường cao đẳng Cơ giới thủy lợi Đồng Nai đào tạo ngành điện tử năng lượng và công nghiệp tòa nhà và công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí. GIZ TVET Việt Nam cũng phối hợp triển khai dự án phát triển Trường cao đẳng Nghề Ninh Thuận thành trung tâm đào tạo về năng lượng tái tạo. Chương trình còn dự kiến hỗ trợ thành lập thí điểm hội đồng kỹ năng nghề xử lý nước thải và năng lượng tái tạo để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp ở lĩnh vực này.

Cùng đó, trước biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai, thực phẩm bẩn,… nhiều ngành học đặc thù phải thay đổi để thích nghi, đào tạo nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, sống bền vững. Chẳng hạn như mới đây, ngoài sáu hội đồng hiệu trưởng khối ngành đã có - thuộc Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã bổ sung khối ngành mới là khoa học sự sống với sự tham gia của 12 trường. Khối ngành nhằm hướng đến mục tiêu đào tạo nhân lực phục vụ nghiên cứu, xây dựng môi trường sống "xanh", phát triển bền vững. Trong đó, có nhiều ngành trọng điểm như: khoa học môi trường, công nghệ thực phẩm, bảo vệ thực vật, khí tượng và khí hậu, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…

PGS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trường thành viên hội đồng của khối ngành này, nhận định rằng: Những năm gần đây, các trường phải thay đổi rất nhiều trong đào tạo để thích ứng, bắt kịp sự thay đổi của thực tế. Năm học trước, trường mở hai ngành mới là công nghệ vật liệu, công nghệ kỹ thuật hóa học cũng nhắm tới mục tiêu đào tạo lĩnh vực mới, tiếp cận được những công nghệ xử lý rác thải tiên tiến của thế giới. Sinh viên sẽ có kỹ năng, kiến thức trong việc tận dụng và tái chế phế thải công nghiệp thành những vật liệu thân thiện môi trường. Ngoài ra, trường còn có nhiều ngành đặc thù, như: biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, quản lý tài nguyên môi trường, quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quản lý tài nguyên môi trường biển đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Nói về cơ hội việc làm, ông Huỳnh Quyền cho rằng, nhu cầu nhân lực khối ngành khoa học môi trường rất lớn. Các địa phương từ cấp xã, huyện,… không có đủ nhân lực đáp ứng chuyên môn. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã đặt hàng, "xin" nhân sự ngay từ trong trường. Thậm chí, như ngành khí tượng thủy văn, tài nguyên nước,… doanh nghiệp tài trợ học bổng 100% để nhận sinh viên ngay khi các em ra trường. Do thiếu nhân lực, ngoài sinh viên chính quy, trường còn đào tạo hệ vừa học, vừa làm cho các địa phương gửi tới.