Theo Cơ quan Chống doping thế giới (WADA), các mẫu thử lần một (mẫu A) của sáu VĐV đoàn TTVN dương tính với chất cấm. Việc đưa ra kết luận cuối cùng cho các VĐV này còn tiếp tục chờ kết quả mẫu xét nghiệm thứ hai (mẫu B). Và chỉ khi mẫu B cũng cho kết quả dương tính, các VĐV mới bị xác định là vi phạm quy định về phòng, chống doping. Tuy nhiên, để được xét nghiệm mẫu lần hai, VĐV sẽ phải đóng chi phí hàng nghìn USD.
Cho đến thời điểm này, Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 31, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn khẳng định: “Chưa nhận được văn bản chính thức của WADA, nên không thể thông báo cụ thể về các mẫu thử kiểm tra doping tại SEA Games 31, cũng như chưa đưa ra thông tin nào về việc có tuyển thủ quốc gia có mẫu thử dương tính với doping”.
Tuy nhiên, trước khi đại hội diễn ra, sáu VĐV thể hình Việt Nam đã bị loại vì dương tính với chất cấm. Trong gần hai thập kỷ qua kể từ SEA Games 2003 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, TTVN từng ghi nhận khoảng 20 trường hợp VĐV bị hủy hoại danh tiếng, mất sự nghiệp vì doping. Trong đó một vài trường hợp đáng chú ý như: “búp bê” thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương dùng chất lợi tiểu bị cấm tại Olympic Bắc Kinh 2008; Năm 2010 á quân cử tạ Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn bị phát hiện sử dụng doping tại giải vô địch thế giới Thổ Nhĩ Kỳ; Năm 2019 VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh (vô địch châu Á và SEA Games) nhúng chàm, bị cấm thi đấu bốn năm cùng mức tiền phạt 5.000 USD từ Liên đoàn cử tạ thế giới.
Điểm chung của những vụ này là do người trong cuộc thường “vô ý sử dụng thuốc không theo chỉ định của các bác sĩ”. Nhiều ý kiến cho rằng VĐV Việt Nam hiện nay thiếu kiến thức, kém hiểu biết về doping, kể cả lực lượng HLV, các nhà quản lý thể thao thành tích cao. Nhận xét này khá phiến diện nếu nhìn vào “bản đồ doping” ở TTVN hiện trải rộng đến rất nhiều bộ môn như thể dục dụng cụ, bóng đá, xe đạp, đua thuyền, thể hình hay cử tạ...
Việc phát hiện doping tại Việt Nam gần như bất khả thi bởi khâu trang thiết bị, kinh phí cho việc xét nghiệm vẫn chưa được ngành đầu tư đúng tầm. Hiện tại, chúng ta có một đơn vị quản lý công tác doping là Trung tâm Doping và Y học thể thao trực thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao. Được thành lập hơn một thập niên qua nhưng do thiếu tài chính, đến nay mọi mẫu thử đều phải gửi sang Bangkok (Thái Lan) để làm xét nghiệm. Chính vì chưa tự xét nghiệm được và chi phí khá đắt đỏ khoảng 300 USD cho một mẫu kiểm tra , cho nên trước mỗi kỳ đại hội, TTVN chỉ lựa chọn ra một số lượng VĐV nhất định để kiểm tra.
Cũng do thiếu kinh phí nên tất cả các môn thi đấu ở cấp độ quốc gia không được thực hiện khâu kiểm tra doping. Bốn năm một lần, đại hội TDTT toàn quốc là sân chơi gần như duy nhất được tổ chức xét nghiệm doping nhưng với số lượng hạn chế. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có xét nghiệm doping cho cầu thủ dự giải bóng đá chuyên nghiệp hằng năm nhưng chủ yếu là làm xét nghiệm chất gây nghiện và cũng không phải tất cả được kiểm tra.
Chính sự lỏng lẻo này có thể tạo điều kiện để người trong cuộc cố tình sử dụng doping hoặc không giữ gìn thực hiện chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc chữa bệnh dẫn đến gián tiếp dương tính chất cấm. Chưa kể chế tài chỉ có thể áp dụng theo “án tại hồ sơ” đã trở thành môi trường thuận lợi cho căn bệnh thành tích vốn vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều nhà quản lý, lãnh đạo ngành thể thao.
Ở Việt Nam, công tác phòng, chống doping vẫn là một cuộc chiến rất gian nan, phức tạp. Vấn đề không chỉ VĐV vi phạm sẽ chịu án xử phạt nặng mà ở đây còn là trách nhiệm của ngành thể thao. Đã có nhiều bài học rất rõ ràng trong quá khứ, công tác phổ biến kiến thức trong sử dụng doping được đã quan tâm nhiều hơn. Do đó, liệu có phải nguyên nhân nhúng chàm đều do “thiếu hiểu biết” cùng sự làm ngơ của các nhà quản lý? Vì một nền thể thao trong sạch và “nói không với chất cấm”, ngành thể thao cần phải nghiêm túc đánh giá tầm mức nghiêm trọng của vấn nạn không hề mới này, và rất cần một giải pháp mang tính bước ngoặt trong phòng, chống doping, luôn bị xem là điểm yếu nhiều năm qua.