- Hiện mức năng suất lao động của Việt Nam có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này có đáng ngại không khi giai đoạn "dân số vàng" không còn lâu nữa, thưa ông?
- Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào với khoảng 51,6 triệu người, chiếm hơn 55% dân số. Việc tăng năng suất lao động có một ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của toàn xã hội. Do đó, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 xác định, nhân tố con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động hướng tới mục tiêu coi năng suất lao động là động lực, nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và thông qua thúc đẩy liên kết vùng và phát triển vùng. Từ đó, góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh, mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ đã đặt ra, chúng ta cần quyết liệt hơn nữa trong việc đưa ra những giải pháp đột phá, đồng bộ, toàn diện để có thể cải thiện mức năng suất lao động, tận dụng triệt để lợi thế của giai đoạn "dân số vàng".
- Thưa ông, phải chăng việc chúng ta chưa thể thu hút được lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào những ngành công nghệ cao cũng vì lý do chất lượng nguồn nhân lực?
- Xét về dài hạn, chúng ta không thể dựa mãi vào lợi thế cạnh tranh "lao động giá rẻ", mà cần đầu tư vào lao động chất lượng cao và mức năng suất lao động cao. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ các dự án FDI sử dụng công nghệ cao từ Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 5%, trong khi đó có tới 80% số dự án FDI sử dụng công nghệ trung bình và 15% sử dụng công nghệ lạc hậu.
So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, đến quý II/2022 mới chỉ đạt 26,2%. Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam cũng thuộc nhóm cuối của ASEAN. Như vậy, vẫn còn một khoảng cách rất xa giữa thực trạng chất lượng nguồn lao động với kỳ vọng của thị trường. Bên cạnh đó, lao động phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động, chuyển đổi nhân lực thấp.
Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cũng là thực tế khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại khi có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, một trong những giải pháp "gốc-ngọn" cho vấn đề này chính là thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, đặc biệt trong những lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao.
- Theo nhìn nhận của ông, doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đúng mức đến việc nâng cao năng suất lao động chưa?
- Cộng đồng doanh nghiệp Việt hiện nay đã dần thay đổi trong tư duy và hành động thông qua việc tham gia sâu hơn quá trình xây dựng chính sách và đào tạo kỹ năng cho người lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các công đoạn, lĩnh vực sản xuất, tăng quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất ở mức nhất định, thông qua đó làm tăng năng suất lao động. Chiến lược năng suất xanh cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm, chú trọng hơn, qua đó giúp nâng cao năng suất, đồng thời đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang hướng đến phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hoạt động quản trị doanh nghiệp. Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) chính là công cụ đắc lực hỗ trợ hiệu quả mà không phân biệt quy mô và loại hình doanh nghiệp trong thực hiện quản trị doanh nghiệp bền vững. Tại Kỳ họp Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN-BAC lần thứ 95 tại Campuchia vừa qua, với vai trò Chủ tịch ASEAN-BAC Việt Nam, tôi cũng đã giới thiệu về CSI như một dự án di sản của ASEAN-BAC Việt Nam. Các Chủ tịch ASEAN-BAC đã bày tỏ mong muốn hợp tác với ASEAN-BAC Việt Nam trong việc triển khai xây dựng bộ chỉ số tương tự như CSI tại các nước ASEAN và đối tác. Như vậy, tới đây, CSI sẽ được ASEAN hóa, điều này cũng thể hiện tính tiên phong của Việt Nam trong Cộng đồng kinh tế ASEAN đối với việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững.
- Đẩy mạnh nền kinh tế số sẽ mang lại tác động như thế nào đến bài toán nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, thưa ông?
- Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số được coi là giải pháp đột phá đối với tăng năng suất lao động, nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong những năm gần đây. Một khi đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đầu tư thích đáng, thúc đẩy hợp tác công-tư trong chuyển đổi số dưới sự dẫn dắt của Chính phủ, chúng ta có thể tận dụng tối đa nguồn lực giúp tăng năng suất lao động một cách nhanh chóng.
Trong năm 2022, Tổ chuyển đổi số của VCCI đã khảo sát hơn 190 nghìn doanh nghiệp về chuyển đổi số. Căn cứ vào kết quả ban đầu của khảo sát, VCCI sẽ xây dựng các chương trình hành động nâng cao năng lực chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong năm 2023. Nỗ lực này của VCCI cũng song hành với định hướng: Năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" mà Thủ tướng đã một lần nữa nhấn mạnh gần đây.
- Xin cảm ơn ông!
trình chuyển đổi số diễn ra như kỳ vọng, giai đoạn 2020-2030, dự đoán trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số có thể đóng góp từ 7 đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể.