Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu tăng cường phát triển nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng bảy triệu tấn vào năm 2030, chiếm hơn 70% tổng sản lượng thủy sản.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, mục tiêu của nuôi biển phải hướng đến cân bằng giữa nhu cầu của con người, giữ gìn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Nuôi biển phải góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp và gián tiếp tham gia nuôi biển, sinh sống gắn bó mật thiết với biển; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, xung đột lợi ích trong không gian biển.
Hiện nay, cả nước có khoảng 50 nghìn hộ ngư dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp đang nuôi biển, hầu hết vẫn chủ yếu ở trình độ thủ công truyền thống. Đặc điểm chính của nuôi biển thủ công truyền thống là quy mô của trang trại nhỏ, phương thức sản xuất tự phát, manh mún; công nghệ lạc hậu, sử dụng các loại vật liệu rẻ tiền không thân thiện với môi trường đề làm lồng bè nuôi; lực lượng lao động chưa qua đào tạo, kỹ năng nghề nghiệp chủ yếu qua kinh nghiệm và truyền khẩu, thiếu chuyên môn hóa; không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, không được đánh giá, đăng ký, đăng kiểm; không được bảo hiểm và không theo quy hoạch căn cứ trên điều kiện môi trường cụ thể…
Ngành nuôi biển Việt Nam hiện nay đang chú trọng tăng mật độ nuôi và năng suất, mà chưa hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Vì vậy đang đối mặt nhiều vấn đề về quy hoạch, thiết lập liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị, chịu tác động ngày càng rõ nét của biến đối khí hậu, ô nhiễm môi trường, khiến phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế-xã hội và môi trường.
PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, khuyến nghị, thời gian tới Việt Nam cần xây dựng các cụm công nghiệp nuôi biển, bởi đó chính là phương thức tổ chức sản xuất và giải pháp đột phá, để có thể phát triển nuôi biển thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa quy mô lớn, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn ngành thủy sản, thu hút đầu tư phát triển nuôi biển ở vùng biển xa bờ, phục vụ xuất khẩu. Đó cũng là tiền đề để phối hợp hoạt động nuôi biển với du lịch, điện gió và các ngành kinh tế biển khác.
Cũng theo PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng, khi cụm công nghiệp nuôi biển được hình thành, sẽ giải quyết những tồn tại của nghề nuôi biển. Thứ nhất, với việc thuê cơ sở hạ tầng đã làm sẵn, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ ngư dân không phải lo vốn đầu tư lồng bè, mà tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nuôi trồng hải sản. Thứ hai, lao động sẽ chuyên nghiệp như ở các khu công nghiệp, ngư dân không phải ở lại trên biển ban đêm để canh giữ trại nuôi, vì vậy, chấm đứt được tình trạng hình thành, phát triển các tụ điểm cư trú trên biển của ngư dân, giảm hậu quả xấu về rác thải sinh hoạt. Thứ ba, cụm công nghiệp nuôi biển sẽ quy định và áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tốt trong toàn cụm, khắc phục được tình trạng manh mún, giúp hình thành sản lượng hải sản nuôi lớn, tập trung, có cùng tiêu chuẩn chất lượng, có thể được đánh giá và công nhận theo các chuẩn quốc tế. Thứ tư, do hạn chế được mật độ nuôi, nuôi tích hợp đa loài để giảm tải trọng chất thải hữu cơ, lại được trang bị hệ thống tự động giám sát môi trường, sẽ hạn chế và chủ động kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường do quá tải chất thải.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, các cụm công nghiệp nuôi biển sẽ được cơ quan thẩm quyền đánh giá, chứng nhận đạt chuẩn, để các cơ sở nuôi có thể được thừa nhận là tài sản, và có thể được mua bảo hiểm, được thế chấp, góp vốn và thừa kế, mở ra cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng, chấm dứt tình trạng người sản xuất trên biển chịu toàn bộ rủi ro…
Để làm được điều này, trước hết các cơ quan chức năng cần sớm có quy hoạch không gian biển quốc gia. Tiếp đó là xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi biển; rút ngắn thủ tục cấp phép nuôi biển, thủ tục giao biển để tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dễ dàng hơn.