Công tác cán bộ “có vào có ra, có lên có xuống” là tín hiệu tích cực

Ông Bạch Ngọc Chiến (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định) (ảnh bên), khi đang là Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã chủ động viết đơn xin từ chức và thôi việc vì nhận thấy “khả năng đáp ứng và thích ứng với yêu cầu công việc ở cấp độ cao hơn đã đến giới hạn”, ông chia sẻ với Nhân Dân hằng tháng về câu chuyện “từ chức” của mình, cũng như chủ trương “có vào có ra, có lên có xuống” trong công tác cán bộ của Bộ Chính trị và hiện tượng nhiều công chức, viên chức xin thôi việc hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Công tác cán bộ “có vào có ra, có lên có xuống” là tín hiệu tích cực

Vì sao ông lại xin từ chức khi đang ở một vị trí cao và nhiều triển vọng?

Tôi viết “Đơn xin từ chức và thôi việc” gửi các cấp có thẩm quyền xem xét vào ngày 27/2/2020 khi đang là Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Quyết định này đã được cân nhắc kỹ, tôi tự thấy khả năng đáp ứng và thích ứng với yêu cầu công việc ở cấp độ cao hơn đã đến giới hạn và cũng không thấy có triển vọng phát triển hơn nữa. Trong 23 năm làm công chức, tôi đã chuyển việc vài lần và mỗi lần thay đổi là một lần ra khỏi vùng an toàn để đối diện thách thức mới; mỗi lần thay đổi tôi lại một lần trưởng thành hơn.

Trước đó khi tôi đang ở vị trí Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại (Bộ Ngoại giao), công việc đang rất thuận lợi, có đà thăng tiến nhưng tôi đã quyết định chuyển sang Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4) vì nhận thấy ở đó phát huy được rất nhiều các sở trường và kinh nghiệm từng làm Tùy viên báo chí của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Và khi làm Trưởng ban VTV4, tôi hăng say với công việc và đạt được một số thành tựu.

Mấy tuần sau khi tôi nộp đơn xin từ chức và thôi việc, một lãnh đạo của Ban Tổ chức Trung ương gặp tôi. Ông nói tôi cứ đề đạt nguyện vọng. Tôi đáp lại là không muốn tạo tiền lệ xấu cho công tác cán bộ, tức là để có được công việc mong muốn thì “làm mình làm mẩy” với tổ chức. Tôi nghĩ tổ chức có thước đo để đo giá trị của mình, thấy mình ở vị trí tầm này thì phù hợp, nhưng cao hơn có thể không phù hợp. Nên tôi biết mình là ai để biết tiến thoái. Tôi rất nhớ câu của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: “Không biết cách lên phải biết cách xuống”. Tôi nghĩ là tôi đã biết cách xuống một cách hợp lý.

Nhưng quyết định của tôi làm nhiều người bất ngờ. Có người nói: “Trèo cây đến ngày hái quả lại tụt xuống!”. Một người bạn vong niên bảo tôi: “Anh không hiểu tại sao em đang đi xe 80B lại chuyển về đi Grab?”. Nhưng với tôi, việc từ chức và thôi việc nên được nhìn nhận một cách bình thường. Cũng có người bạn nói với tôi: “May mà cậu về sớm, chứ ở lại thì cũng có khi dính”. Anh ngầm ý về cuộc chiến chống tiêu cực đang diễn ra. Tôi đáp: “Dính hay không dính là do lựa chọn”.

Là một người chủ động từ chức theo nguyện vọng cá nhân và xem đó là bình thường, ông đánh giá thế nào về phương châm “có vào có ra, có lên có xuống” trong công tác cán bộ của Bộ Chính trị?

Mới đây, trong Thông báo kết luận số 20 ngày 8/9 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, Bộ Chính trị khuyến khích tinh thần tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Đây là một bước tiến, cho thấy “từ chức” dần đã được đưa vào lộ trình, trở thành một lựa chọn trong sự nghiệp của mỗi người. Tôi cho rằng, tín hiệu tích cực này không nên chỉ giới hạn trong phạm vi cán bộ có khuyết điểm, vi phạm kỷ luật, mà có thể áp dụng với bất cứ ai cảm thấy mình không còn phù hợp, hết khả năng cống hiến hoặc có định hướng khác trong cuộc sống.

Có như vậy, từ chức mới dần trở thành điều bình thường, thành văn hóa thật sự, chứ không chỉ là một lựa chọn tình thế giữa “tự nguyện từ chức” hoặc “bị miễn nhiệm”.

Vậy tại sao việc từ chức ở các nước phát triển lại khá dễ dàng, còn ở Việt Nam lại rất hiếm?

Một trong các nguyên nhân, theo tôi là trên thực tế, từ chức ở nước ta đồng nghĩa với chấm dứt sự nghiệp chính trị và việc quay lại chính trường là bất khả thi.

Vấn đề quy hoạch và công tác cán bộ gần đây có nhiều đổi mới theo hướng có tĩnh có động, có vào có ra, có lên có xuống, nghĩa là rất linh hoạt, không phải thôi việc là hết “cửa” quay lại. Nếu không thực hiện đúng phương châm đó là rào cản cho cán bộ từ nhiệm, vì họ không còn cơ hội quay lại. Tôi rất thích thơ của Nguyễn Trãi, trong đó có bài đại ý trong giai đoạn ông từ quan về ở ẩn, ông luôn ngóng tin triều đình và mỗi khi nghe tiếng con chim khách kêu ngoài cổng, ông lại lật đật chạy ra vì cứ nghĩ đó là sứ giả của nhà vua cử đến. Lòng vẫn nghĩ về công việc chứ không phải đã “tắt lửa lòng”. Nguyễn Trãi từng từ quan, lui về ở ẩn năm 1438, sau đó được vua mời quay trở lại và phục chức năm 1439.

Lòng ông có còn ngóng tiếng chim khách?

Năm 1996 khi rời khối tư nhân để thi vào công chức, lúc đó thu nhập của tôi khoảng 1.000 USD/tháng, tương đương bốn cây vàng. Thời điểm đó, tôi vào làm việc ở Nhà nước không phải vì mưu cầu về kinh tế mà muốn dấn thân để phát huy sở trường, để đóng góp được gì cho xã hội, để thỏa chí làm trai.

Tôi đã cống hiến gần 1/4 thế kỷ cho công việc mình tâm huyết. Thực ra tôi nghĩ tôi là sản phẩm tốt của giáo dục xã hội chủ nghĩa, tôi sống có lý tưởng, muốn dấn thân cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Nghe thì có vẻ sáo mòn nhưng nó là một cách tư duy mà thế hệ 6X-7X được đào tạo. Nếu có cơ hội trở lại Nhà nước, được cống hiến đúng với sở trường của mình, tôi vẫn sẵn sàng. Điều đó cũng bình thường như khi tôi rời khỏi làm Nhà nước mà thôi.

Ông nghĩ gì về hiện tượng làn sóng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều vừa qua?

Trước đây, công chức, viên chức hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm Nhà nước. Nếu ra khỏi Nhà nước sẽ không có sinh kế, thất nghiệp và có vẻ “lạc loài”. Nhưng bây giờ đất nước mình phát triển đến mức độ có nhiều lựa chọn, thay vì chỉ bám một công việc trong biên chế. Hiện nay, xã hội, thể chế của chúng ta đã đủ cởi mở, đủ các lựa chọn và đủ cả độ bao dung để chấp nhận sự khác biệt mà trước đây được coi như “kỵ húy”.

Tôi may mắn khi được trưởng thành trong giai đoạn đất nước mở cửa, nên phát huy được khả năng của mình, tìm được công việc dễ dàng, có thu nhập tốt trong khối tư nhân. Cho đến bây giờ khi tôi xin nghỉ việc cũng có nhiều cơ hội ở bên ngoài mà họ rất cần, đặc biệt là những kỹ năng và kinh nghiệm tôi đã tích lũy được trong quá trình đi làm, như kỹ năng về truyền thông, về xây dựng mạng lưới, về tổ chức...

Thực ra, nghỉ việc lần này có cả lý do về kinh tế nữa. Nếu ở lại Nhà nước, lương của tôi cũng chỉ 11 triệu đồng. Với thu nhập đó, tôi không thể đủ sống... Cho nên công chức, viên chức nghỉ việc cũng là chuyện bình thường. Trước đây, vẫn có tư duy, có lương có “lậu” rồi đi làm thêm, nhưng đến bây giờ, những thực tiễn ấy lỗi thời rồi, đi làm là trông vào thu nhập từ lao động của mình, thu nhập không chính đáng ngày càng bị triệt tiêu đi.

Theo ông, cần những giải pháp nào để không những ngăn chặn được làn sóng công chức, viên chức bỏ việc mà còn có thể thu hút nhân tài từ bên ngoài vào làm cho khu vực công?

Hầu hết những người dám bỏ việc Nhà nước ít nhiều có đủ năng lực để làm việc và sống được ở bên ngoài. Chỉ những người chẳng đi đâu được, chẳng làm được gì khác mới bám chặt. Việc giữ chân được công chức, viên chức và thu hút được người tài phụ thuộc vào chính sách tuyển dụng, sử dụng và đánh giá của chúng ta. Nếu chúng ta tuyển dụng mà không dựa trên thực tài, dựa trên nhiều các tiêu chuẩn về hình thức thì không có được đội ngũ công chức mạnh, khó tuyển và cũng khó giữ người tài. Bởi vì người tài có nhiều lựa chọn, không làm ở đây họ sẽ làm chỗ khác.

Một điều quan trọng khác, muốn giữ chân công chức, viên chức thì phải tăng thu nhập của họ. Một biện pháp cấp bách là tinh giản biên chế vì bộ máy hành chính của chúng ta đang cồng kềnh, kém hiệu quả. Riêng việc lấy quỹ lương từ cắt giảm biên chế để tăng lương cho những người còn lại thôi đã là một thắng lợi lớn.

Đi đôi với phương châm “có lên có xuống, có ra có vào, có tĩnh có động” trong công tác nhân sự, theo tôi cần thực hiện cải cách hành chính, trả lương theo vị trí việc làm, theo đúng năng lực và đóng góp thực chất, không “cào bằng”. Tôi nghĩ nếu làm được như vậy, sẽ có thể ngăn chặn được tình trạng công chức, viên chức bỏ việc, thu hút được người tài vào khu vực công. Nhưng mặt khác, tôi cho rằng nhân sự ra khỏi khu vực công cũng thể hiện sự trưởng thành của xã hội, nên nhìn nhận ở góc độ tích cực. Điều này cho thấy một cuộc cạnh tranh về nhân lực giữa khối tư nhân và khối FDI. Đấy cũng là một sức ép tích cực để Nhà nước cần thay đổi chính sách về lao động-tiền lương.

Xin trân trọng cảm ơn ông!