Con số?

-Đánh giá thì cũng phải có con số đàng hoàng chứ chỉ ang áng rồi nói là “khá”, “tương đối tốt” thì ai biết đâu mà lần!
- Ông nói đúng ý nhiều người. Không có con số thì không lấy gì mà đánh giá nhưng có khi cũng khổ vì con số.

- Khổ là khổ thế nào?

- Tất cả đều trông vào ông thống kê nhưng những con số trong thống kê đã báo cáo ngay tại các cơ quan quan trọng của đất nước cũng có đáng tin hay không?

- Sao ông hay nghi ngờ thế?

- Đúng là mình không có điều kiện để tìm ra những chứng cứ bác bỏ. Nhưng có những con số mà những người trần mắt thịt như tôi cũng không thể tin được.

- Con số gì?

- Đấy ông xem, có người đã viết công khai: Câu trả lời khó nhất của nhiều quan chức là: “Vì sao ông giàu thế?”. Nhưng kê khai tài sản hàng chục vạn vị mà chỉ có một vị kỷ luật và năm vị phải giải trình thì người ngu dốt là tôi cũng đâu có tin!

- Tôi cũng không tin con số đó! Công bố con số đó là “hòa cả làng”!

- Lại còn…

- Còn gì thì nói ra đi chứ cứ úp úp, mở mở thế?

- Ông với tôi cùng đang công tác. Không biết ông thế nào chứ tôi không dám tự đánh giá là người chăm chỉ cần mẫn nhưng cũng tự nhận chưa đến nỗi vô tích sự sớm vác ô đi tối vác về, nhưng nhìn cơ quan thì trì trệ, bệ rạc; sáng nào cũng khoảng tám giờ rưỡi ngồi vào bàn làm việc đã là sớm. Tất nhiên ngồi vào bàn uống chè tán gẫu thì từ bảy rưỡi, tám giờ.

- Thì cơ quan tôi cũng thế!

- Thế mà chỉ có 1% số người không hoàn thành nhiệm vụ (gần đây lại cho là dưới 1%) thì ai tin được? Có ông lãnh đạo nói con số đó phải tới 30% thì còn có thể chấp nhận được, tuy rằng còn có người cho là vẫn nhẹ nhàng…

- Đúng thế. Sự nguy hiểm của những con số sai còn ở chỗ gây ảo tưởng cho lãnh đạo. Khi đánh giá cần có con số, nhưng phải là con số đúng, con số trung thực.