Bàn góp sự đời

Khôn ?

Anh ta được anh em đồng nghiệp cho là một người rất khôn. Cũng chẳng biết đó là lời khen hay là lời chê?

Khôn, khôn ngoan hiểu theo nghĩa biết cách xử lý khéo léo để tránh những bất lợi. Trái với khôn là dại, chỉ sự non yếu, thiếu bản lĩnh, xử lý khờ khạo, lúng túng trước các tình huống gây bất lợi.

Nhưng khi nói theo cách nói dân gian: "Khôn ăn người, dại người ăn" thì hình như không hoàn toàn chỉ nói về những đặc điểm tốt trong sự khôn ngoan, khéo léo của con người.

Vì trong ngôn ngữ không chỉ có khôn ngoan, mà còn có khôn ranh, khôn lỏi, khôn vặt để chỉ những ngoắt ngéo trong sự "khôn".

Cơ quan đang có cuộc tranh luận với những ý kiến khác nhau nhưng quan trọng là những ý kiến khác nhau đó lại ở mấy đồng chí lãnh đạo. Khi có ý kiến khác nhau thì chắc chắn phải có ý kiến đúng hoặc hợp lý nhất. Trước tình hình đó, khác với một số đồng nghiệp tham gia tranh luận thẳng thắn, nói rõ chính kiến để cùng tập thể tìm ra chủ trương hợp lý thì anh lại nói nước đôi để không mất lòng cả hai đồng chí lãnh đạo theo kiểu "nằm giữa không mất phần chăn". Thấy thế anh em cho là anh khôn nhưng là một thứ "khôn ranh".

Lại đến khi đồng chí lãnh đạo đã quá hai nhiệm kỳ phải chuyển công tác theo quy định. Ðồng chí nguyên lãnh đạo vốn là một cán bộ tốt có nhiều công lao nhưng cũng là con người cho nên không tránh khỏi những thiếu sót, nhược điểm. Khi bàn tán, đánh giá nhiều bạn đồng nghiệp rất công bằng, nhưng anh lại loan tin "khoét sâu" các nhược điểm của đồng chí nguyên là lãnh đạo mà trước đây anh đã từng lớn tiếng ca ngợi "tài năng, đạo đức tuyệt vời" rồi tung hô những điều gọi là mới mẻ, sáng tạo của người lãnh đạo mới. Ai cũng ủng hộ những quyết sách mới mẻ của đồng chí phụ trách mới nhưng quan sát thái độ của anh thấy rõ con người "đón gió trở cờ" của một người khôn như là một thứ khôn lỏi, khôn vặt, tỏ rõ cái nhân cách thấp kém của anh ta.

Cứ xem thế thì lời nhận xét sự khôn của anh là một thứ khôn vặt "khôn ăn người". Và anh thường thắng, thế mới buồn!