Con đường riêng của một trung tâm đào tạo trẻ

Sau tám năm chờ đợi, Sông Lam Nghệ An đã giành được ngôi vô địch Vòng chung kết U17 Quốc gia 2020. Sau khoảng thời gian dài lao đao vì kinh phí, lò đào tạo trẻ trứ danh bậc nhất Việt Nam vẫn luôn sản sinh nhiều thế hệ cầu thủ tài năng, vượt qua cả những trung tâm mới với kinh phí đầu tư nhiều hơn tới… 10 lần.

Cách đào tạo truyền thống của SLNA vẫn có "đất sống", nhưng về lâu về dài vẫn cần được đầu tư nhiều hơn.
Cách đào tạo truyền thống của SLNA vẫn có "đất sống", nhưng về lâu về dài vẫn cần được đầu tư nhiều hơn.

Ðường đến ngôi vô địch

Trên chiếc xe buýt cũ kỹ quen thuộc từ TP Vinh (Nghệ An) đến Hưng Yên, thầy trò Huấn luyện viên (HLV) Lê Kỳ Phương đã nhận "lệnh" từ lãnh đạo tỉnh nhà: Phải vô địch giải U17 Quốc gia 2020. Lực lượng đội Sông Lam Nghệ An (SLNA) năm nay được đánh giá tốt, với những gương mặt liên tục chiến thắng ở các lứa U13 và U15. Trong đó có cả những trụ cột được bổ sung từ đội U19 SLNA như đội trưởng Nguyễn Văn Bách, Ðinh Xuân Tiến.

Dù có thừa quyết tâm, các thành viên U17 SLNA cũng không thể quá tự tin khi nhìn sang các lò đào tạo trẻ khác. Trợ lý Phạm Văn Quyến thường xuyên phải động viên các học trò rằng: Hãy cứ thi đấu với tinh thần thoải mái nhất, ra sân bằng sự máu lửa của người con xứ Nghệ.

U17 SLNA khởi đầu khá chậm, nhưng càng vào sâu càng thể hiện sự già rơ của một đội bóng giàu truyền thống. Kịch tính đến từ trận bán kết với chủ nhà PVF, sau loạt luân lưu cân não. Tới trận chung kết, SLNA mới thể hiện hết sức mạnh, thắng Nutifood 3-2 để bước lên ngôi vị cao nhất. Sau tám năm, U17 SLNA mới giành được chức quán quân, và đây cũng là chiếc cúp thứ tám của đội bóng xứ Nghệ ở lứa tuổi "bẻ gãy sừng trâu".

Có thành tích mới có… tiền

Trở lại "ngôi vương" sau tám năm chờ đợi, SLNA khiến các đối thủ phải nể phục. Trong khi các đội bóng trẻ tham dự Vòng chung kết giải U17 Quốc gia được "chăm sóc" hết sức kỹ lưỡng như di chuyển bằng máy bay, ăn ở với điều kiện tốt nhất… thì cả thầy và trò U17 SLNA đi thi đấu bằng chiếc xe buýt cũ kỹ của tỉnh. Ðó là chưa kể chế độ ăn của các cầu thủ trẻ SLNA chỉ 90 nghìn đồng/ngày (đến khi vào giải mới tăng lên được 150 nghìn/ngày).

Nói về khó khăn với bóng đá Nghệ An có lẽ là thừa thãi, nhưng vẫn có những câu chuyện rất bất ngờ. Một thành viên Ban huấn luyện U17 SLNA kể rằng các thầy thậm chí còn phải "cắm" xe máy để học trò có bữa cơm ngon hơn. Ngay cả khi đến trung tâm PVF để tham dự giải, các thầy cũng phải ứng tiền ra để trả tiền phòng, tiền ăn. Ðể tiết kiệm chi phí, các thầy tự giặt quần áo cho học trò. Sau trận bán kết, chính các thầy đã hô hào phụ huynh và CÐV đóng góp được 14 triệu đồng thưởng nóng cho các cầu thủ, mỗi người được 500 nghìn đồng.

Theo thống kê, SLNA thua kém các cầu thủ ở đội bóng khác tới cả… chục lần về chế độ. Ngay cả lương của trợ lý Phạm Văn Quyến cũng chỉ khoảng sáu triệu đồng, trong khi một đồng nghiệp ở PVF được nhận mỗi tháng từ 30 đến 50 triệu đồng. Nếu như các lò đào tạo bóng đá trẻ như Viettel, PVF, Hoàng Anh Gia Lai… thường có một khoản kinh phí nhất định rót xuống mỗi năm, thì SLNA phải có thành tích mới được đầu tư. Vì thế, trong suốt tám năm dài không giành cúp vô địch lứa U17, quân SLNA vốn đã thiệt thòi càng trở nên khó khăn.

Phải đến khi có cúp, thầy trò HLV Lê Kỳ Phương mới nhận được khoản thưởng 300 triệu đồng từ tỉnh, tính ra mỗi người được nhận vài triệu đồng, nhưng cũng chưa biết bao giờ mới giải ngân.

Chuyên nghiệp không thể chỉ là quyết tâm

Ðào tạo kiểu truyền thống như SLNA, giờ là chuyện hiếm của làng bóng Việt Nam. Trong khi các lò đào tạo khác với nguồn kinh phí lớn, áp dụng các công nghệ tiên tiến, thuê thầy ngoại, thậm chí đi tập huấn nước ngoài, thì đội bóng xứ Nghệ vẫn hoạt động theo cách cũ.

Cách làm của SLNA là tạo ra áp lực với các cầu thủ từ ngay lứa U11. Mỗi người khi ra sân thi đấu đều phải tự ý thức rằng, họ không được phép thua. So cầu thủ đồng trang lứa, đội SLNA có bản lĩnh và dày dạn hơn. Một cầu thủ U11 có thể chơi cả giải U13 hoặc U13 có thể đá giải U15. Ðó là truyền thống của SLNA. Như HLV kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh chia sẻ: "Các đội trẻ đứng trước áp lực gặt hái thành công rất lớn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn kinh phí được cấp. Áp lực trên dẫn đến sự nghiêm túc ở mức tối đa trong đào tạo".

Không được đầu tư công nghệ (đặc biệt là khâu kiểm tra đầu vào), bóng đá Nghệ An từ lâu đã hình thành một chuỗi vệ tinh với hơn 20 trung tâm làm nhiệm vụ tuyển chọn cầu thủ trẻ. Cái "chất" của SLNA nằm ở chỗ họ sử dụng các tài năng trẻ của chính địa phương mình, những cậu bé với giấc mơ thoát nghèo, nỗ lực để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Một mình một đường, nhưng SLNA vẫn "ẵm" đều đặn danh hiệu các lứa U11, U15, U17… Nói như một lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ, cách đào tạo truyền thống của họ vẫn có đất sống, nhưng về lâu về dài thì phải thay đổi.

Cựu thần đồng bóng đá Việt Nam Phạm Văn Quyến cũng phải thừa nhận: "So các cầu thủ cùng trang lứa, SLNA luôn có động lực rất lớn. Nhưng bóng đá chuyên nghiệp không thể chỉ chơi với sự quyết tâm được. Hy vọng là sau thành công của các lứa tuổi U, bóng đá trẻ Nghệ An sẽ được đầu tư nhiều hơn, bởi đó là yếu tố sống còn giúp các em vươn tới đỉnh cao".