Trong những ngày diễn ra trận đấu, các sân vận động hiện đại của Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) chẳng mấy khi được lấp đầy chỗ ngồi, cho dù Ban Tổ chức đã rất chịu khó lôi kéo CÐV tới sân bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như tổ chức mini game show để thu hút khán giả. Hoặc cầu kỳ hơn, Ban Tổ chức còn tìm cả những bài hát đang thịnh hành ở các quốc gia có đội bóng tham dự Asian Cup 2019 để bật lên vào ngày thi đấu của họ.
Chất lượng của sân bóng, âm thanh, ánh sáng cũng như phương tiện di chuyển ở UAE thì miễn bàn, bởi đây là một trong những quốc gia có nền kinh tế giàu có hàng đầu châu Á, nên cơ sở vật chất của họ thực sự ở mức độ hoàn hảo. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, bóng đá không phải là sự quan tâm hàng đầu của người dân UAE, bất chấp việc họ là chủ nhà, nên Asian Cup 2019 không thể có được một bầu không khí cuồng nhiệt, nóng bỏng xứng tầm với vị thế của sự kiện.
Tuy nhiên, cũng vì UAE là một quốc gia giàu có, thu hút rất nhiều lao động nhập cư nên các trận đấu của những đội bóng nước ngoài tại Asian Cup 2019 lại tạo nên sự sôi động cho giải đấu này, chẳng hạn như hình ảnh hàng nghìn CÐV I-ran ùn ùn đổ tới sân Mohammed Bin Zayed Stadium trong trận I-ran - Y-ê-men vào tối ngày 7-1-2019, tạo nên một bầu không khí sôi sục.
Thêm một chi tiết nữa là cuộc sống ở UAE rất đắt đỏ và tốn kém, nên chuyện CÐV di chuyển từ quê nhà xa xôi tới đây để theo dõi bóng đá là chuyện cực hiếm. Tuyệt đại đa số CÐV Việt Nam mà chúng tôi gặp được ở trận Việt Nam - I-rắc ngày 8-1 vừa qua đều cho biết: Họ đang sinh sống và làm việc tại UAE nên mới tới sân để cổ vũ cho đội bóng, còn có rất ít CÐV lặn lội từ Việt Nam sang đây.
Nói một cách khác, Asian Cup 2019 giống như một sự kiện, một ngày hội dành cho du khách và người nước ngoài, hơn là dành cho Abu Dhabi và UAE.