Bệ đỡ để phát triển bền vững
Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học có nhiều đóng góp trong việc cải thiện và lai tạo giống cây trồng, góp phần giúp xây dựng nên nhiều kỹ thuật canh tác hiệu quả hơn, như: ứng dụng kỹ thuật chọn dòng tế bào biến dị soma, nhân giống trong ống nghiệm, lai vô tính, sản xuất cây đơn bội; ứng dụng trong các phương pháp canh tác mới như phương pháp màng dinh dưỡng và hệ thống thủy canh; ứng dụng công nghệ trong kỹ thuật chăn nuôi như cấy chuyển phôi, tạo ra chế phẩm phòng bệnh cho vật nuôi,...
Ngành công nghệ sinh học đã đưa công nghệ lên men vào lĩnh vực sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm và trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng nhất cho đến thời điểm hiện tại. Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, con người có thể chọn được những chủng vi sinh vật có khả năng lên men tốt, hỗ trợ đắc lực trong công nghệ sản xuất nước lên men, sữa, thực phẩm chức năng protein, chất làm tăng hương vị, chế biến rau củ quả,...
Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, thời gian qua chúng ta đã sản xuất quy mô công nghiệp giống cây ăn quả có múi sạch bệnh và giống dứa Cayen chất lượng cao, năng lực sản xuất cây giống cây ăn quả có múi sạch bệnh trong cả nước tăng lên 600.000 cây/năm và với dứa nhân được 10 triệu chồi/năm.
Trong những năm gần đây, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong nước như Viện Khoa học nông nghiệp miền nam, Viện Cây ăn quả miền nam, Viện Lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã có những đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ở phía nam- khu vực phát triển nông nghiệp quan trọng của đất nước.
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất lúa gạo lớn nhất của đất nước, vì vậy việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất lúa gạo được coi là yếu tố quyết định, giúp cải thiện các giống lúa, tăng sản lượng cũng như chất lượng gạo để phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu, cũng như đối phó với tình hình biến đổi khí hậu.
Viện Lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long đã phát hiện ra một giống lúa có năng suất cao và chất lượng tốt. Viện cũng đã tìm thấy 30 giống lúa có chất lượng đầy hứa hẹn cho phép Viện phát triển với quy mô lớn sau khi kiểm tra thử nghiệm năng suất. Bên cạnh đó, Viện cũng đã nghiên cứu thành công công nghệ biến đổi gen để tạo ra một giống lúa có hàm lượng dinh dưỡng cao và có khả năng chịu đựng hạn hán.
Viện Cây ăn quả miền nam thì tập trung vào việc nghiên cứu công nghệ sinh học để phát triển các loài cây ăn quả đặc biệt có giá trị kinh tế cao. Công nghệ nổi bật nhất của Viện là nhân giống cây có múi không bệnh với kỹ thuật ghép "shoot-tip". Sử dụng kỹ thuật này, các nhà khoa học đã tạo ra những giống cây có múi có khả năng chống chọi với một số bệnh do virus gây ra. Cho đến nay, Viện đã chuyển giao nhiều giống cây trồng không bệnh có năng suất cao cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, giúp họ chủ động trong việc canh tác và thu hoạch.
Trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất tinh, phôi tươi và đông lạnh ở quy mô xí nghiệp nhỏ tự động hóa đã góp phần tăng nhanh số lượng đàn bò sữa cả nước từ 29.500 con năm 1999 lên tổng đàn bò sữa gần 375.000 con năm 2022. Nhờ ứng dụng công nghệ vi sinh mà các vaccine như: vaccine tụ huyết trùng trâu bò, vaccine dịch tả vịt và Parovirus lợn; các loại phân bón vi sinh và phân hữu cơ sinh học cũng được phát triển.
Trong lâm nghiệp, công nghệ sinh học đã cho phép sản xuất cây giống bạch đàn, keo... bằng nuôi cấy mô để trồng trên 10.000ha rừng và nhân giống vô tính cây phi lao trong dung dịch.
Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng); Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030 (Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ);…đã chỉ ra định hướng phát triển tổng thể công nghệ sinh học thông qua việc tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp sinh học, đổi mới cơ chế, chính sách, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm từ công nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực và trở thành một ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục vụ an sinh xã hội, môi trường bền vững.
EVFTA - cú huých cho công nghệ sinh học
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Sau hơn hai năm thực thi, EVFTA đã chứng tỏ là cú huých lớn cho xuất khẩu, giúp đa dạng thị trường và chủng loại mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Theo TS Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam, nhờ EVFTA, công nghiệp sinh học Việt Nam có một số cơ hội lớn: giúp cho các loại hàng hóa được sản xuất bằng chính các công nghệ sinh học từ nguồn nguyên liệu nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh. Về sở hữu trí tuệ, cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp quy định của pháp luật hiện hành, chính vì vậy, các công nghệ đã được nghiên cứu, phát triển và đăng ký sở hữu trí tuệ về công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến sẽ có lợi thế rất lớn khi gia nhập một trong những "thị trường công nghệ" lớn nhất thế giới là EU. Nhìn chung, các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế về công nghệ, vì vậy đã góp phần tích cực trong việc tạo ra một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao. Và xu thế đầu tư của EU cũng giúp các doanh nghiệp chế biến trong nước có cơ hội tiếp nhận công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học của EU, từ đó thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU với lợi thế cạnh tranh cao về nhân lực và nguyên liệu giá rẻ, phong phú, sẵn có.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Mạnh Dũng cũng lưu ý, để nắm bắt được các cơ hội này không phải là dễ dàng. Hàng hóa được tạo ra từ các công nghệ "Made in Vietnam" còn cần phải vượt qua nhiều rào cản như: hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ… Các doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực chế biến nông sản cần chủ động nâng cao, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và áp dụng mô hình, công cụ quản trị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào thị trường châu Âu, tìm hiểu thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp mình.
Chính thách thức "tồn tại hay lụi tàn" là động lực để các doanh nghiệp và cả nền công nghệ sinh học Việt Nam nỗ lực vượt bậc trên con đường tiến lên phía trước.