Pháp lý bài bản cho mua, bán và sáp nhập

NDO -

Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là một hoạt động bình thường trong nền kinh tế thị trường, nhưng vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Trong xu thế tăng cường hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực Đông - Nam Á và thế giới, việc đẩy mạnh hoạt động này để phát triển kinh tế trong nước và tham gia mạnh mẽ, hiệu quả cao vào mạng lưới kinh tế toàn cầu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, là vô cùng cần thiết, hứa hẹn nhiều lợi ích.

Chúng ta cũng đã đạt kết quả bước đầu khả quan về lĩnh vực này, báo hiệu một sự bùng nổ, gia tăng mạnh mẽ hoạt động M&A. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đến hết năm 2012 giá trị các thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam đã đạt 5 tỷ USD, tăng gấp năm lần so với 5 năm trước đó. Sáu tháng đầu năm nay dấu hiệu bùng nổ M&A càng rõ hơn, đã có 120 thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và phát hành cổ phần ra ngoài. Tuy nhiên những con số này so với con số thương vụ M&A ở các nước kinh tế thị trường phát triển mạnh trên thế giới, vẫn còn là ít ỏi, vì đây là lĩnh vực kinh doanh rất khó, doanh nghiệp tham gia M&A luôn phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, song số thành công, thật sự hài lòng chỉ khoảng 20%.

Lý do thất bại của các thương vụ M&A là bởi doanh nghiệp không làm tốt công tác chuẩn bị, vội vã mua bán hoặc sáp nhập mà không xác định rõ được mục tiêu, điều tra kỹ đối tác, không xác định được điểm mạnh, điểm yếu của mình, của người, lường trước những khó khăn và nguy cơ rủi ro. Thủ tục tiến hành M&A là một trong những khó khăn lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp lý, môi trường xã hội, độ mở của nền kinh tế, cấu trúc của doanh nghiệp, chia sẻ lợi ích, tùy theo mỗi nước, mỗi hoàn cảnh cụ thể, không có khuôn mẫu sẵn để dễ dàng vận dụng theo. Mặt khác, không ít cơ quan quản lý kinh tế, thương mại và luật gia ở nước ta lại chưa có sự nghiên cứu thật sự bài bản về lĩnh vực M&A, chưa theo kịp với sự gia tăng mạnh hoạt động M&A hết sức đa dạng, phong phú, doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp trong nước, và gần đây doanh nghiệp trong nước cũng đi mua được doanh nghiệp của nước ngoài.

Để giúp các doanh nghiệp nước ta thành công, cũng như tạo được sân chơi sinh động, lành mạnh, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, theo các chuyên gia kinh tế, rất cần tạo dựng nền tảng pháp lý đầy đủ, phù hợp và trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho các doanh nhân, giúp họ vận dụng sáng suốt, đúng đắn, đem lại thành công trong các giao dịch M&A.