Chuyện của “những người ở lại”

70 năm trước, chuyến tàu cuối cùng chuyển cán bộ, chiến sĩ, con em miền nam tập kết ra bắc nhổ neo rời Bến Bắc Cao Lãnh (nay thuộc Phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Mỗi khi kể lại, các thế hệ luôn nhắc nhớ nhau câu nói: “Người đi vinh quang, người ở lại anh dũng”. Lời hẹn ước hai năm đoàn tụ đã bị kéo dài thành 21 năm, với biết bao hy sinh, mất mát mới tới được ngày hòa bình, thống nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Cụ Võ Thị Quỳnh Mai cùng con gái xem kỷ vật của chồng, ba để lại.
Cụ Võ Thị Quỳnh Mai cùng con gái xem kỷ vật của chồng, ba để lại.

Chúng tôi bồi hồi tìm lại những người con quả cảm đã “ở lại anh dũng” năm xưa. Sự khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh khiến cho chỉ còn rất ít chứng nhân của lịch sử còn sống, và đều đã trên dưới 90 tuổi. Nhưng ký ức về những tháng ngày hào hùng ấy vẫn lưu dấu đậm nét trong tâm trí của những người thân trong gia đình. Như trường hợp cụ Phạm Văn Thuận, sinh năm 1934, ngụ tại đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, thành phố Cao Lãnh. Cụ đã mất cách đây ba năm. Chị Phạm Thị Kiều Nga, sinh năm 1973, là con gái cụ bùi ngùi kể: “Nhiều năm qua, ba tôi chống chọi với bệnh tật, phần vì tuổi cao sức yếu, phần vì những năm tháng chiến đấu, ba nhiều lần bị bắt tù đày, bị địch đánh đập, hành hạ dã man, khiến những di chứng ngày ấy ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe ba lúc về già”. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, trên gương mặt, từng câu nói của chị Kiều Nga luôn hiện rõ sự tự hào, niềm tin yêu đối với người cha kính yêu: “Tôi không chỉ phục ba trong chiến đấu, mà còn quý ba trong cách dạy anh em chúng tôi. Ba là người hiền từ, sống rất tình cảm và sống theo kịp thời đại, nắm bắt tâm lý của các con. Ba luôn dạy con cách sống làm người. Ba bảo con người ta muốn thành công thì phải sống tích cực, có sức chịu đựng, nung nấu ý chí để khi làm được, người ta tôn trọng mình”.

Trong căn gác của ngôi nhà trên phố treo nhiều hình ảnh cụ Phạm Văn Thuận và các đồng đội. Trò chuyện với chúng tôi, cụ Võ Thị Quỳnh Mai - vợ của cụ Phạm Văn Thuận, năm nay tròn 90 tuổi kể, những người ở lại vô cùng gian khó, nguy hiểm. Nhiều lần, cụ Thuận bị địch bắt, cụ Mai và các con phải lẩn trốn ở nhiều nơi. “28 tuổi chúng tôi lập gia đình. Mới có mang được con trai đầu lòng hai tháng rưỡi là chồng tôi đi chiến đấu suốt, lâu lắm mới về thăm nhà một lần. Những khi chồng tôi bị địch bắt giam, đánh đập, hành hạ tàn nhẫn, tôi vài lần tìm mọi cách vào nhà lao thăm chồng, nhìn những vết thương mà địch gây ra, lòng tôi đau nhói”, cụ Võ Thị Quỳnh Mai chia sẻ.

Lần mở từng trang hồi ký có tên “Một chặng đường ở lại của tôi” của cụ Phạm Văn Thuận, có đoạn: Tôi tham gia cách mạng năm 1953. Đồng chí Tư Đốc (lúc đó là Bí thư xã Tịnh Thới) có ý định đưa tôi ra bắc để tiếp tục được học tập, bồi dưỡng trở thành lực lượng nòng cốt sau này. Nhưng sau đó, tổ chức đảng nhận định tình hình sau tập kết sẽ có nhiều việc quan trọng, nhiều nhiệm vụ phải làm nên cần bố trí lực lượng ở lại để hoạt động trong tình hình mới. Thế là tôi được phân công ở lại. Đồng chí Tư Đốc biết và động viên tôi: “Quê hương cần những anh em công tác tốt như chú ở lại!”…

Hoạt động thanh niên học sinh đến tháng 10/1959 thì tôi bị bắt. Lúc tôi bị bắt, không phải do phong trào thanh niên, học sinh của chúng tôi bị lộ mà trong cơ sở của ta ở Tịnh Thới có người bị địch bắt, chúng đánh đau không chịu nổi nên khai đại, nhớ ai khai đó vì người này cũng gần nhà trong xóm nên biết tôi, khai tôi. Địch bắt tôi điều tra và giam một thời gian tại Cao Lãnh, chúng thấy tôi không liên quan nên thả ra. Tháng 2/1963, tôi bị bắt lần thứ hai khi địch bố vào căn cứ ở xã Nhị Mỹ. Cũng là lúc tôi mới vừa hay tin vợ mình đang mang thai đứa con đầu lòng khoảng bốn tháng. Ngày tôi thoát ly, dù rất thương vợ nhưng cũng đành để vợ ở nhà vừa làm ruộng nuôi sống gia đình thay chồng đi chiến đấu xa vừa chăm sóc ba mẹ chồng để tôi yên tâm vào căn cứ hoạt động. Lần đó, chúng tuyên án tôi mười tám tháng tù giam. Những ngày tôi bị giam giữ, vợ tôi bụng mang dạ chửa lặn lội khắp nơi tìm chồng để thăm nuôi. Với tôi, tình cảm và nghĩa cử đó đã giúp tôi có thêm niềm tin vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ tra tấn của quân thù để hoàn thành nhiệm vụ mà cách mạng đã giao phó.

Và còn nhiều lắm những người “ở lại anh dũng” như: Lê Thị Huệ, Nguyễn Đắc Hiền, Lưu Văn Trừ… Họ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, đau thương mất mát, góp nhiệt huyết của mình cho mục đích duy nhất, đấu tranh vì một ngày mai hòa bình cho quê hương.

Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp tổ chức đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tập kết ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt rưng rưng niềm xúc động. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng chia sẻ: “Theo quy luật thời gian, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh trẻ trung, nhiệt huyết của năm xưa giờ đây đã thành ông, bà. Có những người đã về với đất mẹ, nhưng chúng ta tin rằng với ý chí sắt đá, tình yêu quê hương vô bờ vẫn còn ngự trị trong tâm thức của mỗi nhân chứng lịch sử, sẽ là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo”.

Thi hành Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, thị trấn Cao Lãnh, quận Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa trước đây (nay là tỉnh Đồng Tháp) được chọn là điểm tập kết 100 ngày của Khu Trung Nam Bộ (Khu 8) để chuyển 13.508 cán bộ, chiến sĩ, con em miền nam rời quê hương xuống tàu tập kết ra bắc