Căn phòng 30 m2 được bảo vệ 24/24 giờ
Trước thời điểm năm 2017, ở nơi đầu não của mỗi nhà máy đều có căn phòng được bảo vệ nghiêm ngặt. 30 m2 chỉ để dành cho lưu trữ tài liệu!
Anh Nguyễn Xuân Hải, Quản đốc Phân xưởng Vận hành 1, quản lý hai nhà máy Phú Mỹ 1 và Phú Mỹ 4, cầm trên tay một cuốn sổ dày, giấy đã ngả mầu, chi chít những con số viết tay, mỉm cười nói: “Chị đang thấy một thứ đã thuộc vào kỷ vật ở đây!”.
Khó tưởng tượng được, cách đây chỉ hơn hai năm thôi, khi mà vận hành nhà máy chủ yếu được ghi chép lại một cách thủ công, trung bình cứ mỗi một tháng, một vị trí/cương vị trực sẽ phải viết kín một cuốn sổ như vậy. Thành lệ, cứ vào ca ba ngày cuối tháng là mỗi cương vị vận hành được cấp sổ nhật ký mới để ghi mọi thông tin, thao tác, diễn biến trong ca trực. Ðối với các VHV, công việc cũng tốn giấy mực không kém khi phải ghi, đánh giá thông số vận hành định kỳ một hoặc hai giờ tùy theo hệ thống, thiết bị.
Tính ra, Nhà máy Phú Mỹ 1 có đến 10 cuốn nhật ký vận hành và Nhà máy Phú Mỹ 4 là bảy cuốn. Nếu xếp tất cả lại, mỗi tháng lại được chồng sổ cao cỡ một mét. Về nguyên tắc, tất cả những tài liệu liên quan vận hành nhà máy đều phải được lưu trữ trong 20 năm. “Chị thử tưởng tượng xem, bao nhiêu lâu, sẽ kín một căn phòng 30 m2”, Hải hỏi tôi. Câu trả lời: Nhanh thôi! Rồi khi căn phòng đã chất ngất tài liệu, sẽ lại phải di chuyển đến một chỗ lưu trữ khác. Nhưng không chỉ đơn giản xếp sổ vào kệ đâu, còn phải lo để “bà Hỏa” không hỏi thăm. Lo cả việc phòng chống ẩm mốc, mối mọt…
Giờ - mọi chuyện đã đổi thay. Ðưa tôi đến phòng điều khiển của Nhà máy Phú Mỹ 1, Quản đốc Nguyễn Xuân Hải chỉ vào cái máy tính bảng trên tay một VHV và nói, công nghệ đã giúp cho một cái chạm tay trên thiết bị di động có thể giải quyết được các vấn đề về vận hành. Có lẽ chẳng bao lâu, những lớp cán bộ nhân viên trẻ đến với Nhiệt điện Phú Mỹ sẽ chỉ được nghe về căn phòng 30 m2 xưa kia như một câu chuyện “ôn nghèo, kể khổ” của lớp đàn anh...
Trưởng ca của Nhà máy Phú Mỹ 1 Ðậu Văn Trung có 20 năm kinh nghiệm làm việc tại nhà máy nên cảm nhận rất rõ giá trị của việc sử dụng phần mềm nhật ký vận hành điện tử. Nhiệm vụ của người trưởng ca là nhận lệnh trực tiếp từ Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia (A0) rồi lệnh cho VHV tăng giảm công suất của mỗi tổ máy. Với sai số cho phép chỉ là ± 3%, tốc độ tăng giảm chu trình hỗn hợp 5MW/tổ máy, trách nhiệm khiến cho trưởng ca chịu áp lực lớn. Chỉ cần chậm hay phát nhận dư công suất sẽ bị phạt. Mức phạt căn cứ vào giá mua điện ở thị trường vào thời điểm đó. Vậy nên, áp dụng phần mềm nói trên không chỉ giúp kiểm soát được tính xác thực của việc ghi, đánh giá thông số vận hành mà còn hữu ích vì có chức năng cảnh báo khi VHV nhập thông số vượt quá giới hạn, hay giúp phát hiện sự bất thường của thiết bị hoặc sai sót trong việc ghi thông số. Có công nghệ, có lẽ mỗi cương vị trong ca trực đều cảm thấy “an toàn” hơn, anh Trung gật đầu tán thành nhận xét ấy của tôi.
Trưởng ca Phú Mỹ 4 Ngô Thanh Tiến chia sẻ thêm, giờ đây mỗi khi tìm kiếm thông tin lưu trữ anh và các cộng sự không còn phải mất thời gian đào bới trong căn phòng 30 m2 chất ngất nữa. Chỉ cần một cái click chuột là đủ thông tin làm báo cáo, vừa nhanh, vừa chính xác. Thêm nữa, công nghệ khiến xóa nhòa ranh giới địa lý. Ngồi ở vị trí điều hành của nhà máy nhưng anh Tiến biết mọi chuyện diễn ra trong căn phòng đều được kiểm tra, giám sát, quản lý từ xa. Ðiều ấy khó tránh khỏi tạo áp lực nhưng lại giúp cho mỗi vị trí trực nâng cao hiệu quả công việc và trách nhiệm hơn.
Trước khi rời khỏi căn phòng điều khiển trung tâm, Quản đốc Nguyễn Xuân Hải đưa tôi đến một máy tính ở góc phòng, hiển thị trên màn hình là chương trình E-learning với bài tập “thực hành 5S”. Hóa ra, anh Ngô Thanh Tiến vừa tranh thủ khoảng thời gian trước khi vào ca, ôn bài về các tiêu chí “sàng lọc, sắp xếp, săn sóc, sạch sẽ, sẵn sàng”!
Dù chương trình đào tạo trực tuyến mới được Tập đoàn đưa vào thử nghiệm đầu tháng 9 thôi, nhưng anh em ở đây đều có ý thức học hỏi nâng cao trình độ từ nguồn tư liệu tập trung, được xây dựng bài bản này, Quản đốc Hải vui vẻ chia sẻ.
Vòng đời của máy & nguồn lực DN
Thông thường khi áp dụng công nghệ sẽ giảm số lượng người lao động, điều ấy tạo nên tâm tư ở không ít đơn vị. Ðem băn khoăn ấy hỏi Hải, anh cho biết, áp dụng công nghệ không giảm số lượng 98 người của Phân xưởng Vận hành 1 nhưng thời gian tiết giảm được trong khâu nhập, xuất số liệu, giúp cho mỗi vị trí nâng cao được hiệu suất lao động, dành nhiều thời gian hơn cho công tác giám sát, đánh giá, vận hành thiết bị.
Anh Trần Thái, Quản đốc Phân xưởng 2, quản lý hai nhà máy “có tuổi” nhất công ty, đó là Phú Mỹ 2.1 và Phú Mỹ 2.1 mở rộng cũng đánh giá cao việc tích hợp các ứng dụng dùng chung như quản lý kỹ thuật PMIS của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), chương trình quản lý công tác bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện MAXIMO của Tổng công ty Phát điện 3 vào vận hành nhà máy.
Nhờ dùng PMIS, công tác báo cáo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật không còn phải tính toán một cách thủ công nữa. Thay vào đó, các tiêu chí quản lý kỹ thuật được theo dõi, cập nhật, hiệu chỉnh sai sót hằng ngày trên phần mềm giúp các đơn vị vừa phối hợp dễ dàng trong kiểm soát số liệu vừa giảm được thời gian, nhân sự thực hiện thủ tục báo cáo các chỉ tiêu kỹ thuật. Việc trước đây mất đến vài ngày để làm, giờ chỉ còn là thao tác click chuột để chọn kỳ báo cáo mà thôi.
Ðối với nhà máy nhiệt điện, “thấu hiểu” được vòng đời của máy móc giúp cho việc tối ưu hóa vận hành, bảo đảm tối đa độ khả dụng của thiết bị. Trước đây, dữ liệu về các thiết bị vật tư, lịch sử bảo dưỡng… không được quản lý tập trung, cũng không có sự kết nối dữ liệu giữa các đơn vị gây nên khó khăn trong công tác quản lý. Nhờ dùng MAXIMO, dữ liệu được tập trung nên lịch sửa chữa thiết bị, kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng được tính toán không chỉ hợp lý mà còn hạn chế tối đa những sai sót kỹ thuật, Quản đốc Thái cho biết thêm. Như năm nay, tính đến tháng 9, các công trình sửa chữa lớn, trung - đại tu các tổ máy, lò đều đã bảo đảm, chất lượng, tiến độ.
Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới từng lưu ý rằng, chiều rộng, chiều sâu của những thay đổi từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư báo trước sự thay đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Tôi đã nhớ đến nhận định này khi ngồi lại với anh Trần Hữu Thanh, Phó Giám đốc công ty. Chỉ cầm trên tay máy điện thoại thông minh, anh Thanh có thể xử lý công việc ở bất cứ nơi nào, miễn là có sóng điện thoại. Và cũng chỉ cần một cái chạm tay, anh có thể nắm bắt được mọi diễn biến từ các nhà máy, cũng như các khâu phụ trợ. Rõ ràng, phần mềm E-Office 3.0 hay phần mềm quản lý nguồn nhân lực doanh nghiệp ERP đã tạo nên một sự thay đổi lớn lao trong việc nâng cao hiệu suất công việc.
Ùn ứ trong giải quyết văn bản đi - đến, văn bản nội bộ không còn kể từ khi sử dụng E-Office 3.0. Hay như sử dụng phần mềm ERP, bộ công cụ quản trị doanh nghiệp đã mang đến giải pháp quản lý toàn diện. Nó tạo nên một hệ thống thông tin thống nhất, tập trung toàn ngành về cả dữ liệu và quy trình nghiệp vụ giúp nâng cao năng lực quản lý tài chính, vật tư doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Nói không ngoa, ERP trở thành công cụ hỗ trợ cho lãnh đạo trong việc ra quyết định, anh Thanh hào hứng chia sẻ.
Sự tự tin của vị Phó Giám đốc, hay nhiệt huyết của người quản đốc trẻ, sự chuyên tâm của mỗi cương vị trong ca trực… tất cả tạo nên trong tôi một ấn tượng sâu sắc về trải nghiệm 4.0. Cuộc cách mạng ấy quả thật đã tác động đến đời sống của DN và mỗi con người theo những cách phong phú làm sao!