Chông gai sau những đỉnh cao

Với người hâm mộ, Đội tuyển nữ Việt Nam đã tạo nên cột mốc lịch sử khi bước vào sân chơi World Cup. Đó là hành trình mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu của những Chiến binh Sao vàng. Song, đây cũng là thách thức không nhỏ với lứa thế hệ kế cận.
0:00 / 0:00
0:00
Bóng đá nữ Việt Nam cần sớm lấy lại phong độ ở những giải đấu sắp tới.
Bóng đá nữ Việt Nam cần sớm lấy lại phong độ ở những giải đấu sắp tới.

BƯỚC tới vòng loại Olympic Paris 2024, Đội tuyển nữ Việt Nam sớm để thua chủ nhà Uzbekistan trong trận ra quân. Dù chiến thắng 3-1 trước Ấn Độ ở cuộc đọ sức tiếp theo, chúng ta vẫn rơi vào cảnh thất thế, cũng như không có quyền tự quyết số phận của mình.

Đội tuyển nữ Việt Nam không còn hy vọng đi tiếp bởi đối thủ Nhật Bản sở hữu chênh lệch trình độ rõ rệt. Lần chạm trán gần nhất tại ASIAD 19, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung phải vào lưới nhặt bóng tới bảy lần và hoàn toàn bất lực khi tìm kẽ hở xâm nhập khung thành đối phương.

Đến Uzbekistan lần này, Đội tuyển nữ Nhật Bản mang theo đội hình được đánh giá còn cao hơn thế. Đó là những ngôi sao từng "làm mưa, làm gió" tại World Cup nữ 2023 như Hinata Miyazawa, Kumaga, Endo, Minami, Shimizu, Tanaka Mina, Miyano… Trước nền bóng đá hàng đầu châu lục, luôn tồn tại khoảng cách khó lòng khỏa lấp. Sự chênh lệch về thực lực giữa các cô gái Việt Nam so đối thủ Nhật Bản đã thể hiện rõ điều này.

Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta trước cuộc chạm trán không còn là câu chuyện thắng hay thua. Đó là những phút giây chiến đấu hết mình để tri ân người thầy đã gắn bó suốt nhiều năm, biết bao cuộc hành trình đong đầy cảm xúc.

VÒNG loại Olympic Paris 2024 là giải đấu cuối cùng huấn luyện viên Mai Đức Chung dẫn dắt Đội tuyển nữ Việt Nam. Quyết định này vốn đã được xác định từ lâu. Và dẫu chúng ta không thể bước tiếp, chặng đường đã qua luôn được xem như những tháng ngày thành công rực rỡ.

Ở tuổi 72, huấn luyện viên Mai Đức Chung là nhà cầm quân cao tuổi nhất, trong số 32 "vị thuyền trưởng" tại World Cup nữ 2023. Ông đã cống hiến trọn vẹn tâm huyết, sức khỏe và thời gian cho bóng đá nữ, chưa kể đến những áp lực về thành tích trên cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia.

Trong suốt 12 năm dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam, huấn luyện viên Mai Đức Chung đã giành tới sáu Huy chương vàng SEA Games, một chức vô địch AFF Cup. Ông cũng là "vị thuyền trưởng" có công đầu đưa bóng đá nữ nước nhà tham dự sân chơi World Cup.

"Bố" Chung từng tâm sự phải dùng đến thuốc ngủ sau những cuộc đọ sức căng thẳng của đội tuyển. Hay nỗi nhớ thú vui quăng cần câu cá khi đi qua những hồ nước lớn ở New Zealand. Hành trình sát cánh bên các cô gái vàng xuyên suốt hàng loạt giải đấu cũng khiến ông không thể sum vầy bên con cháu và tận hưởng bữa cơm gia đình.

SAU đỉnh cao với tấm vé tham dự Cúp thế giới, việc phải dừng bước tại ASIAD 19 hay mới nhất là vòng loại Olympic Paris 2024 đặt ra yêu cầu cấp bách cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần xây dựng lộ trình mới nhằm từng bước cải thiện sức mạnh đội tuyển. Trước mắt, chúng ta cần một chuyên gia thấu hiểu nền văn hóa và sinh hoạt của con người Việt Nam. Với đội hình hiện tại, lứa thế hệ lão làng từng chinh chiến một thời (gồm Thùy Trang, Thu Thảo, Thúy Nga hay Huỳnh Như…) sẽ được thay thế bởi những trụ cột tương lai như Thanh Nhã, Thu Thương và Vạn Sự…

Song, bài toán nhân sự sẽ khó có thể giải quyết triệt để nếu chất lượng giải vô địch quốc gia không sớm cải thiện. Đó cũng là điều thầy Chung luôn trăn trở. Đã 10 năm qua, giải đấu chưa thể tìm thêm nhà tài trợ mới. Trong số 63 tỉnh, thành phố vẫn chỉ có một vài địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam, Quảng Ninh hay Thái Nguyên chú trọng phát triển phong trào.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn, việc nâng cao chất lượng cho giải bóng đá nữ vô địch quốc gia vẫn luôn được chú ý. Hằng năm, chúng ta cũng đầu tư từ U16 đến U19 và cấp đội tuyển quốc gia trước khi tham dự các giải quốc tế đều được đi tập huấn nước ngoài và thi đấu giao hữu. Cúp Quốc gia cũng là sự kiện giúp các đội bóng có thêm số trận thi đấu cọ xát trong năm.

Dẫu vậy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy các địa phương hoạch định bóng đá nữ như bộ môn trọng điểm. Từ đó, tìm kiếm phương án tăng số lượng trận đấu, mở rộng đầu tư cho các đội đi tập huấn trước sự kiện lớn để cầu thủ tích lũy về mặt kinh nghiệm, cũng như tự nâng cao trình độ chuyên môn của mình.

Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao chế độ đãi ngộ, khen thưởng kịp thời hay giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh cũng cần được các địa phương quan tâm nhiều hơn. Việc hoàn thiện chính sách, chế độ về lương, lương hưu và khâu đào tạo nghề cho cầu thủ sau khi kết thúc sự nghiệp… cũng là những yêu cầu cần thiết giúp thúc đẩy phong trào bóng đá nữ trong cả nước.