Chọn chìa đúng cỡ, mở khóa đúng cách

Công tác ở khu vực mang tính đặc thù cao như vùng Tây Nguyên, có nhiều việc mà cán bộ người dân tộc thiểu số không phải cứ tâm huyết là có thể đảm trách được. Mà bên cạnh sự tâm huyết, họ cần có thêm sự am hiểu phong tục, tập quán và biết cách loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đồng thời khơi dậy ý chí tự lực, vươn lên của chính đồng bào mình.
Chị Điểu Thị Prợt (bên trái) - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Nai Thượng, Cát Tiên (Lâm Đồng) cùng nghệ nhân dệt thổ cẩm người Mạ.
Chị Điểu Thị Prợt (bên trái) - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Nai Thượng, Cát Tiên (Lâm Đồng) cùng nghệ nhân dệt thổ cẩm người Mạ.

1. Thực tế, một bộ phận không nhỏ đồng bào còn tồn dư tập tục cũ, chưa tiếp cận tri thức, khoa học hiện đại. Bởi vậy, người cán bộ cần tăng cường hoạt động, nêu gương, dùng giáo cụ trực quan, trực tiếp cầm tay chỉ việc, giúp đồng bào thay đổi nhận thức, tiếp cận cách tổ chức cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ. Đơn cử, rất nhiều đồng bào còn chưa thoát khỏi tư duy “ăn rừng”, sống thụ động, chỉ cần vừa đủ, không màng mở mang làm ăn. Nếu đồng bào không chủ động tiếp cận những phương thức mưu sinh mới và cách tổ chức cuộc sống văn minh thì họ tự lùi lại phía sau.

Hơn ai hết, cán bộ người dân tộc thiểu số hiểu rõ điều này và đảm trách nhiệm vụ giúp đồng bào vượt qua những rào cản cố hữu. Một trong những cách quan trọng là xây dựng, lan tỏa những mô hình tốt, những cách làm hay trong cộng đồng. Làm được điều đó cũng góp phần hạn chế những hủ tục, những thói quen xấu.

Vấn đề là nên trao cho đồng bào nghèo chiếc “cần câu” hay “xâu cá”?

Câu hỏi này đặt ra khi lựa chọn con đường sinh kế. Cán bộ người dân tộc thiểu số phải là những người nhận diện chính xác nguyên nhân, từ đó xác lập cách làm hiệu quả. Thực tế đòi hỏi cán bộ phải là người chọn được những chiếc “chìa khóa” đúng cỡ và phải biết mở khóa đúng cách. Cán bộ phải là những người biết cách trao cho ai “xâu cá” và trao cho ai “cần câu”. Từ sự am hiểu, họ tác động vào quá trình thay đổi nhận thức của đồng bào.

Tất nhiên, làm được điều đó không hề đơn giản. Để thay đổi nhận thức của những người lớn tuổi rất khó, vì nếp nghĩ cũ kỹ đã bám chắc trong óc, trong tim của họ. Bởi vậy mà cần đến những cốt cán, tiên phong. Hiện nay, các tỉnh khu vực Tây Nguyên chú trọng công tác quan tâm bồi dưỡng, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín tại cộng đồng. Cách làm này phát huy hữu hiệu trong đời sống buôn làng.

Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả công tác lựa chọn, bồi dưỡng và đào tạo từ lớp cán bộ trẻ. Một số trường học ở vùng cao nguyên, nhà trường đã lồng ghép các buổi ngoại khóa giáo dục cho các em về con đường lập thân, lập nghiệp. Cán bộ, thầy cô cũng giúp các em thay đổi nền nếp, trực tiếp cầm tay chỉ việc để các em thay đổi tư duy, biết cách tổ chức và vươn lên làm chủ cuộc sống. Những người trẻ vừa có tri thức, vừa tâm huyết với cộng đồng sẽ là những hạt nhân cốt cán xây dựng tương lai bền vững cho quê hương.

2. Cán bộ người dân tộc thiểu số cần có một hệ thống giải pháp, nhưng với đồng bào, trước hết dân vận là công cụ quan trọng. Muốn dân vận hiệu quả, trước hết phải am hiểu người dân, trong đó có văn hóa, căn tính tộc người. “Cả hệ thống chính trị vào cuộc” là một khẩu hiệu đúng đắn. Nhưng điều chúng ta cần là trong hệ thống ấy phải có những cán bộ tận tâm, thấu cảm, biết quan sát, lắng nghe để thuyết phục đồng bào vượt qua những cửa ải cố hữu.

Sự bằng lòng với cuộc sống chỉ cần đủ cái ăn, lúc khó khăn đã có Nhà nước lo chính là căn bệnh trầm kha của một bộ phận đồng bào. Với những đồng bào nghèo, ít học trên miền núi cao thì liều thuốc đặc hiệu chính là những liệu pháp tâm lý gần gũi, những lời nói dễ hiểu.

Thực tế chỉ ra rằng, ở đâu cán bộ có tâm, có tầm, có phương pháp vận động tốt thì ở nơi đó cuộc sống của đồng bào phát triển. Ở nơi nào cán bộ “đút chân gầm bàn”, viết báo cáo theo mẫu thì người dân ở đó mất đi niềm tin, mất đi điểm tựa. Đồng bào dân tộc thiểu số có suy nghĩ và hành xử mộc mạc. Họ yêu quý những cán bộ tháo giày lội ruộng, mở tai lắng nghe tâm tư của họ; chỉ ra cái tốt để họ làm theo và cùng họ loại trừ cái xấu; biết cách tìm đường giúp họ vượt qua mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống, cải thiện từ những điều nhỏ nhặt hằng ngày…

3. Ở một khía cạnh khác, cán bộ phải là người am hiểu văn hóa để vận động đồng bào vượt qua những tập tục lạc hậu. Thí dụ như tâm lý “ăn chung” vẫn tồn tại trong một số cộng đồng. Ở một vùng người dân tộc Mạ, chị Chủ tịch Hội phụ nữ (cũng là người dân tộc thiểu số) từng đứng ra phát động mỗi buôn xây dựng vài mô hình trồng rau, nuôi gà đẻ trứng, nhưng một hai năm thì mô hình này “chết yểu”. Nguyên nhân đơn giản là do những gia đình không trồng, không nuôi thì không ngừng xin trứng, xin rau làm cho các gia đình tích cực nuôi, trồng chán nản, rồi bỏ cuộc. Rút ra bài học về những mô hình “chết yểu” nói trên, ngay sau đó, chị Chủ tịch Hội phụ nữ đã cho triển khai việc trồng rau và nuôi gà đẻ trứng cho tất cả hội viên phụ nữ trong toàn xã, mà hầu như nhà nào cũng có hội viên. Vậy là từ đó không còn ai xin ai nữa!

Hay ở một nơi khác, có một Phó Chủ tịch huyện người dân tộc Cơ Ho sống cộng cư cùng dòng tộc. Gia đình ông trồng lúa, mỗi mùa thu hàng chục tấn, nhưng kho lúa nhà ông không bao giờ dám khóa. Hỏi ra mới biết lý do đơn giản chỉ bởi “khi cần thì bà con trong họ đến nhà mình tự lấy lúa xay gạo ăn!”.

Cộng cảm và chia sẻ là một lối sống đẹp, nhưng tập tục “thú săn chia đều cả làng” khiến những người có tinh thần tiên phong cũng khó vượt ra khỏi áp lực cộng đồng. Nếu họ thoát ra thì sẽ bị cô lập mà với đồng bào thì sự xa lánh của cộng đồng còn đáng sợ hơn cái chết. Chính cái quyền sở hữu mập mờ chung chung đó đã làm triệt tiêu động lực cá nhân.

Vị cán bộ huyện ấy không tiếc lúa với bà con dòng họ, nhưng với sự am hiểu văn hóa và trách nhiệm của một người lãnh đạo, ông đã làm cách khác. Phó Chủ tịch huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hỗ trợ bà con khai khẩn đất đai, mở rộng diện tích canh tác cây lúa để tự lo gạo ăn chứ không chỉ chờ xúc từ kho lúa nhà khác…

Đó là vài câu chuyện chứng minh về sự kéo lùi tiến trình phát triển do sức nặng tập tục. Rất may, nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số với sự hiểu biết và tâm huyết, đã biết cách thay đổi tư duy cộng đồng. Kết quả ấy sẽ khó lòng có được nếu cán bộ không am hiểu văn hóa, không biết cách linh hoạt trong xử lý những tình huống tương tự kể trên.