NHIỀU năm trở lại đây, chuyện thương hiệu nông sản Việt bị đăng ký và "cướp tên" trắng trợn xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Câu chuyện về nước mắm Phú Quốc, cà-phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre hay gần nhất là loại gạo được xếp hạng ngon nhất thế giới - ST25... được xem như những thí dụ điển hình của việc thiếu sự quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp.
Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến tháng 8/2022, cả nước đã có 116 sản phẩm hoàn tất thủ tục bảo hộ chỉ dẫn địa lý các mặt hàng nông, lâm, thủy sản (trên tổng số hơn 140 đơn đăng ký) và 1.682 chứng nhận tập thể. Nếu xét riêng trong số hơn 100 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước, chỉ có số ít được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Đây là con số vô cùng khiêm tốn nếu nhìn vào số lượng lớn mặt hàng nông sản tiềm năng của Việt Nam.
Trong khi, muốn các sản phẩm được khai thác và phát triển thương mại để mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, các địa phương và doanh nghiệp cần tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng nội địa và quốc tế, cả về nguồn gốc, danh tiếng, chất lượng sản phẩm... Việc xây dựng thương hiệu mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ chỉ là một trong số những bước đầu tiên cần phải hoàn thành.
THỰC tế, dựa vào những tiến bộ khoa học, câu chuyện bảo vệ bản quyền hoàn toàn có thể được thúc đẩy song hành sự phát triển không ngừng của ngành công nghệ sinh học ở nước ta. Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương, Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử, Viện Di truyền nông nghiệp, các giống nông sản đặc trưng của Việt Nam hoàn toàn có thể được giải mã bộ gen và xem đó như mã định danh nông sản. Điển hình như khi hoàn tất giải mã vải Thanh Hà sẽ thu được mã DNA và mã gen bản quyền để lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (big data). Việc các địa phương hay quốc gia khác muốn chiếm đoạt sẽ rất khó khi có cơ sở dữ liệu đối chiếu và so sánh.
Tuy nhiên, điều này lại đòi hỏi tiềm lực đầu tư tương xứng cho công tác nghiên cứu và giải mã gen. Việt Nam sở hữu vô vàn giống nông sản quý đặc trưng tương ứng mỗi địa phương nên việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vô cùng tốn kém, phải mất nhiều thời gian, công sức. Hiện tại, Viện Di truyền nông nghiệp mới chỉ hoàn thành duy nhất đề án giải mã toàn bộ hệ gen của hơn 600 giống lúa. Với phần còn lại, dựa trên đơn đặt hàng của từng địa phương, chúng ta chỉ có thể xây dựng mã DNA cho một vài nông sản đặc trưng để sau này có mã truy xuất nhằm bảo vệ giống cây trồng.
Không chỉ khó khăn về kinh phí, kỹ thuật, việc thu thập số lượng lớn giống cây để phân tích và giải mã cần đội ngũ rất nhiều chuyên gia cùng thực hiện. Đó là những điểm hạn chế, trái ngược xu thế chung của thế giới khi các nước phát triển đã đầu tư rất mạnh trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn.
NHƯ nhận định của các chuyên gia, sự phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp hiện đại cũng tạo nên những yêu cầu cấp bách trong việc đăng ký bằng sáng chế hay bản quyền về sở hữu trí tuệ. Khi nhận được sự đầu tư đủ lớn, các giống nông sản sẽ có sự chuyên biệt hóa về chất giúp gia tăng giá trị kinh tế. Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng là yếu tố duy nhất giúp các nhà đầu tư ngăn ngừa các tổ chức, cá nhân kinh doanh trục lợi mà không được sự cho phép của chủ sở hữu, để có thể dễ dàng thu hồi vốn hơn. Từ đó thúc đẩy nghiên cứu và tạo động cơ tái đầu tư cho quá trình sáng tạo, cũng như khuyến khích đưa phát minh vào cuộc sống.
Theo Cục trưởng Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí, đối với những sản phẩm đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các địa phương có nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cần nỗ lực duy trì và nâng cao về số lượng và chất lượng sản phẩm, bảo đảm áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, thực hành sản xuất nông nghiệp (VietGAP, GlobalGAP), thiết lập và áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.
Rõ ràng, câu chuyện xây dựng và bảo vệ bản quyền thương hiệu không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp mà rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội trong việc quản lý, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Mới đây, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng đã chính thức được bấm nút triển khai trên toàn quốc. Đây là kết quả từ việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp "minh bạch-trách nhiệm-bền vững" và có ý nghĩa quan trọng trong việc "Định danh nông sản Việt".