Chất lượng vẫn hơn số lượng

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Vũ Xuân Tùng (quận Tây Hồ, Hà Nội)

Tháng 9/2016, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) chính thức được triển khai phục vụ người dân Thủ đô và khách du lịch. Kể từ đó tới nay, sau gần 10 năm, thành phố Hà Nội đã có thêm 3 tuyến phố đi bộ trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ và thị xã Sơn Tây.

Tuy liên tục được ra mắt, nhưng dường như hiệu quả mà các tuyến phố đi bộ mang lại đã không được như kỳ vọng. Thường xuyên tập thể dục ở khu vực gần phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), tôi nhận thấy nơi đây không thu hút được nhiều “người đi bộ” như mục đích ban đầu hướng tới. Nguyên nhân có lẽ nằm ở việc mật độ dân cư ở khu vực này không cao, bản thân khu vực cũng không phải địa điểm du lịch lý tưởng và chưa hội đủ các điều kiện cần thiết liên quan.

Trong khi đó, phố đi bộ Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) cũng thường rơi vào tình trạng đìu hiu vì không được tích hợp những dịch vụ phù hợp để hút khách lui tới. Khó hiểu hơn nữa, con phố đi bộ này lại tọa lạc ở ngay cạnh Công viên Thống Nhất, vốn đã là một không gian hoàn toàn có thể đi bộ thoải mái quá quen thuộc với người dân Thủ đô. Nhiều năm nay, Công viên Thống Nhất vẫn loay hoay với bài toán phát triển các cụm dịch vụ vui chơi, giải trí. Vậy nhưng, phố đi bộ Trần Nhân Tông vẫn ra đời, để rồi sau đó trở thành một bộ phận gắn liền với công viên, tồn tại theo một cách gượng gạo, gò ép.

Theo các thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng, tôi được biết, sắp tới các quận Đống Đa, Ba Đình cũng sẽ xây dựng phố đi bộ. Chủ trương kiến tạo môi trường, không gian nâng cao đời sống tinh thần người dân của các nhà quản lý là rất đúng đắn. Thế nhưng, nên chăng cần có đánh giá kỹ hơn về hiệu quả của các tuyến phố đi bộ trước khi bắt tay vào triển khai theo kiểu phong trào?