Chấn chỉnh hoạt động lao động thời vụ ở nước ngoài

Dư luận tại tỉnh Quảng Bình rất bức xúc khi 41 người lao động đi làm việc thời vụ nông nghiệp tại Hàn Quốc đợt 1 năm 2022 đã bỏ trốn với tỷ lệ 83%. Do vậy, 55 lao động vừa tuyển dụng đợt 2 tại địa phương này đã bị phía Hàn Quốc từ chối cấp thị thực.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Bình thăm nơi làm việc của lao động thời vụ mà tỉnh đưa sang Hàn Quốc.
Cán bộ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Bình thăm nơi làm việc của lao động thời vụ mà tỉnh đưa sang Hàn Quốc.

Lao động bỏ trốn tăng cao

Việc thỏa thuận đưa người lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc là thỏa thuận được ký giữa chính quyền thành phố Yeongju với một số ít địa phương của Việt Nam, trong đó có Quảng Bình. Theo kế hoạch tuyển chọn và đưa người lao động tỉnh Quảng Bình đi làm việc tại Yeongju đợt 1 năm 2022 với số lượng 44 người (34 nam, 10 nữ). Tỉnh Quảng Bình phối hợp phía đối tác Hàn Quốc đã xét duyệt 41 lao động trúng tuyển và hoàn thiện các thủ tục cần thiết để xuất cảnh sang Hàn Quốc trong tháng 4 và theo đúng thỏa thuận đã ký kết, thời gian về nước của người lao động là ngày 15/9 vừa qua.

Thế nhưng, ngay khi sang được vài ngày, có bốn lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc và đến ngày 12/7 có 10 lao động vi phạm hợp đồng. Tuy vậy, chính quyền thành phố Yeongju vẫn tiếp tục gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình hỗ trợ tuyển dụng đợt 2 năm 2022 với 60 lao động.

Sau đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đã phối hợp UBND các địa phương trong tỉnh và người đại diện của phía Hàn Quốc tổ chức phỏng vấn, tuyển chọn được 55 lao động, dự kiến nhập cảnh vào Hàn Quốc ngày 6/9. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2022, chính quyền thành phố Yeongju phát hiện số lao động đợt 1 năm 2022 của Quảng Bình tiếp tục bỏ trốn với số lượng lên 24 người nên Văn phòng xuất nhập cảnh Daegu đã từ chối cấp giấy chứng nhận cấp thị thực cho lao động thời vụ của tỉnh. Chính quyền thành phố Yeongju đã gửi thông báo cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Bình không thể làm các thủ tục nhập cảnh cho người lao động đợt 2 và dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong việc tiếp nhận người lao động năm 2023.

Cuối tháng 8/2022, số người lao động đợt 1 bỏ trốn chiếm tỷ lệ 83% (34/41 người) nên cơ quan chức năng Hàn Quốc từ chối cấp thị thực cho người lao động Quảng Bình đi làm việc thời vụ đợt 2.

Cần chế tài đủ mạnh

Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với các địa phương, gia đình có người lao động bỏ trốn để động viên họ quay lại nơi làm việc nhưng nhiều gia đình không phối hợp, không cung cấp thông tin của con em họ”.

Ở chiều ngược lại, nhiều người lao động trong tỉnh buồn tủi và thở dài bởi mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ đợi đến ngày lên đường… Với vi phạm của số lao động bỏ trốn kia, chưa biết bao giờ họ được sang Hàn Quốc, và như vậy, cơ hội thoát nghèo cũng dần xa.

Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thanh Phương cho biết, khác với các chương trình xuất khẩu lao động khác sang Hàn Quốc, thỏa thuận đưa người lao động Quảng Bình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Yeongju chỉ dành cho lao động nghèo và gia đình người có công. Nếu tuân thủ đúng các quy định thì một lao động có thể được đi nhiều lần, gia đình được đi nhiều người, trong đó phía bạn khuyến khích, ưu tiên đi làm theo cặp vợ chồng. Có nghĩa là không chỉ có nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo lập ý thức, kỹ năng cho lao động để sau này trở về vừa có nguồn vốn, vừa có tay nghề để lập nghiệp tại quê hương. Chính quyền thành phố Yeongju cũng hứa nếu lao động thực hiện tốt thỏa thuận thì mỗi năm họ sẽ tuyển khoảng 3.000 lao động Quảng Bình sang làm việc thời vụ. Như vậy, cơ hội được xuất khẩu lao động giá rẻ nhưng thu nhập ổn định mở ra rất lớn đối với hộ nghèo trong tỉnh.

Việc lao động bỏ trốn không chỉ ảnh hưởng đến cả chương trình thỏa thuận xuất khẩu lao động mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, địa phương, do đó cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý. Điều quan trọng nữa là cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu lao động; hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này, thậm chí có thể mạnh tay xử lý đối với các trường hợp lao động bỏ trốn có tính hệ thống.