- Thưa KTS Phạm Thanh Tùng, đang có hiện tượng nhiều trường học ở một số địa phương tổ chức đốn hạ nhiều cây lớn, nhất là phượng vĩ, do lo ngại về vấn đề an toàn. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Cây phượng, hay bất cứ cây gì được trồng ở nơi công cộng cũng đều không có lỗi. Lỗi là ở con người. Cây xanh cũng có số phận như con người, đều phải trải qua những giai đoạn nhất định, trong đó có giai đoạn già cỗi. Nếu cái tay chúng ta bị thương, mọc u nhọt, chúng ta phải chữa trị chứ.
Việc ồ ạt chặt cây là thể hiện chúng ta đang hoang mang, thiếu sự bình tĩnh, thiếu ý kiến xác đáng của các chuyên gia. Việc chặt cây xanh vô tội vạ không phải là giải pháp tối ưu bảo đảm an toàn môi trường trường học, thậm chí còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống học đường. Sau sự cố đau lòng, các nhà trường cần kiểm tra tình trạng của cây thường xuyên, để tâm và chăm sóc cho cây nhiều hơn. Cơ quan quản lý cây xanh cũng phải có trách nhiệm. Không phải đến mùa mưa bão mới đi cắt tỉa.
- Hiện trạng ồ ạt chặt bỏ cây cho thấy việc nhận thức xã hội về việc trồng cây, chăm sóc và bảo vệ cây nơi công cộng đang có vấn đề?
- Sự cố đổ cây xanh làm chết người, hư hại tài sản vẫn xảy ra trong mùa mưa bão. Các đơn vị quản lý cây xanh đã có kế hoạch cắt tỉa, thậm chí đốn bỏ cây để giảm rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, nhiều cây cổ thụ đang xanh tốt cũng bị chặt bỏ là rất đáng tiếc. Có một thực tế là, ở nước ta, người đi cắt tỉa cành cây, chặt cây chỉ là những người thợ làm công ăn lương bình thường chứ không phải là chuyên gia về cây. Nếu có chuyên môn, chúng ta sẽ có nhiều cách để khám sức khỏe cho cây, biết được cây có bị rỗng giữa hay không. Ngoài ra có thể kiểm tra khung rễ của cây nông hay sâu, khoan thăm dò quanh bộ rễ xem có ảnh hưởng gì không, để có cách gia cố cho chắc chắn. Ở các nước phát triển người ta có máy siêu âm cây, thiết bị dò. Do đó có thể phân tích qua máy tính xem cây có bị ốm đau không để điều trị.
- Không chỉ tạo bóng mát, cây xanh còn có ý nghĩa tạo cảnh quan trong tổng thể kiến trúc, nhất là của đô thị?
- Với nhiều đô thị, cây xanh mang lại thương hiệu, bản sắc. Cây xanh là thành phần không thể thiếu của không gian công cộng, tạo thành cấu trúc của đô thị. Nói đến Hải Phòng là nhớ về thành phố hoa phượng đỏ. Hay TP Hồ Chí Minh có những phố me nổi tiếng. Rồi Hà Nội, thành phố có lịch sử hơn nghìn năm với những đường phố rợp mát bóng cây chạy dọc ngang theo hình ô bàn cờ. Cây xanh ở đô thị Hà Nội còn là văn hóa, gắn với ký ức của nhiều người dân. Nói về cây ở Hà Nội, phố Lò Ðúc có hai hàng cây sao đen cổ thụ cao hàng vài chục mét. Các phố Phan Ðình Phùng, Trần Phú, Ðiện Biên Phủ, Trần Hưng Ðạo bốn mùa rợp mát bóng những cây sấu có tuổi đời gần thế kỷ, thậm chí còn hơn thế, thân xù xì thẫm màu thời gian. Ðường Nguyễn Du đêm mùa thu nồng nàn hương hoa sữa. Ngay như trong trường học, cây phượng gắn với tuổi học trò, với mùa thi, mùa chia tay. Cây xanh đã trở thành văn hóa, đi vào thơ ca nhạc họa. Phải giữ và phải có cách xử lý tốt hơn.
- Song cũng cần thừa nhận, việc lập quy hoạch và trồng, chăm sóc cây, ở các không gian công cộng, kể cả trong các trường học, hiện chưa được chú trọng đúng mức, thưa ông?
- Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, trong trường học người ta không trồng cây to, cao. Họ chọn giống cây thấp, bóng tỏa rộng để bảo đảm độ an toàn cho học sinh. Ðó là cách chúng ta cần học tập và nghiên cứu. Ở trong trường học nước ta, việc đặt bồn hoa cũng cần phải được chú ý hơn, tạo môi trường thân thiện cho học trò.
Thêm nữa, trong quy hoạch đô thị cũng phải lựa chọn cây phù hợp, khoa học. Nhiều năm qua, chúng ta đã lựa chọn không đúng loại cây phù hợp thổ nhưỡng nên nhiều cây có tuổi thọ không bền. Cần phải chú trọng hơn nữa việc đầu tư cho cảnh quan, cho nhan sắc của đô thị văn minh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!