Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1972-2022)

CÂU CHUYỆN TỪ MỘT TẤM ẢNH

Cuối năm 1972, người đến thăm và chúc mừng chuyến công tác vào Quảng Trị của tôi thành công đầu tiên là một vị khách chưa hề quen biết. Bác trạc gần 50 nhưng cử chỉ, dáng dấp thật nhanh nhẹn, khuôn mặt kiên nghị. Sau cái xiết tay là những câu thăm hỏi niềm nở. Dường như bác đã quen biết tôi từ lâu.

Bức ảnh nhà báo Ngọc Đản chụp chiến sĩ Lê Văn Ninh ở mặt trận Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Bức ảnh nhà báo Ngọc Đản chụp chiến sĩ Lê Văn Ninh ở mặt trận Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

- Tôi tìm anh muốn hỏi chuyện về đứa con tôi ngoài mặt trận!

Giây phút phân vân. Tôi nhìn bác không chớp.

- Lê Văn Ninh đó mà, anh nhớ không? Ninh quê ở Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An.

Tôi chưa hình dung nổi Ninh là người thế nào thì bác rút từ túi áo một tờ báo Quân đội nhân dân được xếp nhỏ, vuông vức, chìa cho tôi xem bức ảnh trên trang nhất.

Đúng là bức ảnh tôi chụp ở mặt trận Thành cổ Quảng Trị. Dòng chữ chú thích ở phía dưới nổi lên đậm đà: "Lê Ninh, chiến sĩ Đại đội 1, Phân đội 4 Quân giải phóng, chiến đấu dũng cảm tiêu diệt nhiều tên lính thủy đánh bộ, một mình giữ vững một mũi chốt phía đông bắc thành Quảng Trị".

Như để giúp tôi nhớ lại, bác giới thiệu tiếp về lai lịch đứa con mình một cách tự nhiên: "Nó là con trai thứ hai của tôi, năm nay vừa tròn 20 tuổi. Cuối năm 1971, đang học Đại học Bách khoa Hà Nội nó xung phong lên đường đi đánh Mỹ".

- A! Ninh "bách khoa".

Tôi không kìm nổi, bất giác reo lên sung sướng. Trước mắt như hiện lên hình ảnh Ninh, không chỉ là một chiến sĩ đang nắm chắc khẩu B41 tì lên công sự bên thành cổ, hướng nòng súng về phía địch như trong bức ảnh, mà là hình ảnh của người chiến sĩ mang tầm vóc của người dũng sĩ thành Quảng Trị. Tấm ảnh nhỏ làm sao nói hết được những điều đó.

*

Tôi kể về dũng sĩ đó với người cha theo câu chuyện của Đại đội phó Võ Trọng Bảy kể cho tôi nghe:

"Hôm ấy mũi chốt của Đại đội 1 có nguy cơ lọt vào tay bọn lính thủy đánh bộ. Bọn địch với số lượng gấp hàng mấy chục lần, dựa vào phi pháo của Mỹ đang cố mở những đợt tiến công cuối cùng vào số chiến sĩ ta đang kiên cường giữ chốt. Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 Võ Trọng Bảy nhận được lệnh cử thêm ba chiến sĩ bổ sung cho chốt. Biết tin, Ninh nằng nặc đòi ra chốt chiến đấu. Bảy nhìn khuôn mặt trắng xanh, đôi mắt đen trũng sâu, mồ hôi đầm đìa từng vạt áo của Ninh mà ngần ngại. Vốn người cùng quê nên Bảy hiểu Ninh rõ lắm. Được phân công làm quản lý đại đội, công việc hợp với tính cẩn thận, chắc chắn của Ninh. Vả lại ở "xê bộ", Ninh còn có thể giúp đỡ anh em giải quyết được nhiều chuyện.

CÂU CHUYỆN TỪ MỘT TẤM ẢNH -0

Chiến sĩ Lê Văn Ninh cùng đồng đội ở chiến trường. 

Ninh là người quản lý đặc biệt. Bao giờ anh cũng khư khư mang theo khẩu B41. Trận Ái Tử, sau khi chuẩn bị lương thực cho đơn vị xong, anh theo mũi chủ công xung phong vào giữa vị trí của địch. Đơn vị cử người đi tìm thì gặp anh chững chạc giải 20 tù binh về. Trải qua những ngày chiến đấu gian khổ, sức khỏe Ninh giảm sút rõ rệt. Cơn sốt vừa rồi làm anh quỵ xuống. Không chịu đi viện, bây giờ Ninh lại đòi lên chốt, Bảy thật khó xử...

Tôi kể say sưa về đứa con trai của bác, không hề một chút giấu giếm.

"Con người Ninh vẫn thế. Bạn ấy rất cương nghị - tôi nói tiếp với bác như vậy. Đại đội phó Bảy biết không thể giữ chân Ninh nên phải đồng ý để Ninh ra chốt giữa lúc cuộc chiến đấu gay go nhất...

Nhờ chớp sáng của đạn pháo địch, Ninh dẫn Sơn và Hạ, hai chiến sĩ "mới toanh" đến vị trí chốt, sau 2 giờ mày mò giữa bãi gạch vụn và bùn đất nhão nhoẹt còn nóng hơi bom đạn. Sau một đêm thức trắng căng thẳng, Ninh tưởng như kiệt sức. Thỉnh thoảng anh rùng mình vì cơn sốt rét đang nổi lên trong cơ thể. Theo cung cách đánh địch của các chiến sĩ giữ chốt ở đây, Ninh bày sẵn trên các mũi râu tôm hàng chục quả lựu đạn đã mở nắp sẵn và giữ bên mình khẩu B41. Cối cá nhân địch bắt đầu dập đến. Mảnh đạn bay sàn sạt. Chen vào đấy là những quả pháo khoan như muốn đánh tung cả lòng đất. Chúng bắn dồn dập, vội vã rồi bỗng chốc chuyển làn.

Gần một trung đội địch lặng lẽ xô đẩy nhau về phía Ninh. Mấy loạt đạn các bin chíu chíu qua tai anh. Nghi chúng đã phát hiện được mình, Ninh lẹ người lui về râu tôm bên trái. Bọn địch xông lên từng đoạn. Kẻ địch bao giờ cũng vậy, chúng ỷ vào số đông, vào bom đạn Mỹ. Những giây phút ngắn ngủi đủ cho Ninh suy nghĩ: "Đừng hòng, tao đã ở đây thì bom đạn của chúng mày cũng bằng thừa". Bọn địch lò dò từng bước, đầu đã che lấp lỗ ngắm của khẩu B41. Ninh bình tĩnh xiết cò. Tiếng nổ xé lên. Tiếng súng tiểu liên của Sơn và Hạ nổ chắc gọn diệt những tên sống sót đang chạy lùi về phía sau. Bị đánh bất ngờ, bọn đi sau hò hét. Ba tên địch men theo rãnh hào nông choèn dọc bờ tường hòng thọc sườn Ninh. Khi anh quay sang trái lấy quả đạn B41 thì bắt gặp những thân hình mặc quần áo rằn ri đang lộ mình sát mặt đất. Ninh nhanh nhẹn vươn người khỏi thành hào, tung lựu đạn chính xác vào đầu chúng. Quả lựu đạn có sức "thuyết phục" ghê gớm. Tên chỉ huy vội vã cho quân lui về phía sau.

Hỏa lực địch lại dập đến. Chúng bắn đủ các cỡ đạn. Một tiếng "huỵch" dội vào vách hầm. Ninh thấy ngực mình bị nén lại, hơi thở tưng tức. Ninh cố nhoài người ra ngoài. Hầm râu tôm bị lấp kín, đất trồi lên che hết miệng hào. Bọn địch đánh cù nhầy, dẳng dai một cách khó chịu. Đói khát quẫy trong ruột gan Ninh. Khi tiếng đạn hơi thưa, Ninh vứt mảnh tôn qua vị trí Sơn và Hạ để bắt liên lạc. Ninh nhận được trả lời bằng một nắm vỏ đạn tiểu liên bay lại.

"Còn sống cả! Bọn địch đừng có hòng đặt chân đến mũi chốt này". Tự nhiên Ninh thấy thanh thản lạ. Trận đánh thứ tư, thứ năm lại diễn ra. Trận đánh không cân sức lần thứ bảy diễn ra lúc xế chiều. Bọn địch sắp tràn đến mũi chốt cánh phải. Sao tiếng súng vẫn im. Sơn và Hạ đâu? Mặt Ninh nóng ran. Phút giây anh cảm thấy như có chuyện gì không lành xảy ra. Bây giờ thì bọn địch thọc theo hai mũi khoảng chừng một trung đội. Khi tên chỉ huy la ó: "Bắt sống Việt cộng!" thì bọn lính háu ăn nhập thành một cánh xông lên.

- Quyết chiến đấu đến cùng để trả thù cho Sơn và Hạ!

Ninh vớ luôn hai, ba quả lựu đạn, cùng một lúc tung vào giữa đội hình địch. Sau khi những tiếng nổ đanh gọn nối nhau xé nát bọn địch ra, một số tên cụm lại, Ninh kịp thời phóng luôn quả đạn B41. Ninh đánh nhanh đến nỗi bọn giặc không dám nghĩ trên mũi chốt chỉ còn lại người chiến sĩ trẻ. Bọn chúng liều chết lần giữa đám khói mù mịt, bám vào công sự phía mũi chốt của Sơn và Hạ.

Tình hình đang diễn ra căng thẳng thì những người bạn chiến đấu của Ninh đã xuất hiện đúng lúc. Đại đội phó Võ Trọng Bảy dẫn hai tiểu đội đến tiếp sức cho tổ của Ninh giữa ban ngày. Vượt gần 1 km bãi trống dưới hỏa lực dày đặc của địch và ngay trước mặt kẻ thù là điều không dễ. Nhưng vì chiến thắng, vì đồng đội, các chiến sĩ có thể làm được việc phi thường như vậy. Đại đội phó Bảy mở túi lấy phong lương khô đưa cho Ninh, mỉm cười bảo ở nhà vẫn tin là Ninh sẽ gỡ được mũi chốt đến giờ này.

Đêm hôm đó, Ninh dẫn 15 chiến sĩ tập kích bất ngờ, đánh tung cả đại đội lính thủy đánh bộ ngụy ra ngoài bờ mương, cách mũi chốt gần km. Trận đánh giúp cho Bảy hiểu hơn về tài trí thông minh và lòng dũng cảm của chiến sĩ mình.

*

Bức ảnh của Ninh mà tôi ghi được trong buổi sáng khi ánh bình minh bừng lên, chiếu sáng cả trận địa chốt trên thành Quảng Trị. Người chiến sĩ cầm chắc trong tay khẩu súng B41, cùng đội ngũ chiến đấu của mình. Đôi mắt anh tròn đen sáng quắc dọi về phía trước. Nơi ấy còn những bóng đen, ma quái.

Người cha ngắm nhìn hình ảnh con, không quên nhắc lại ý nghĩ xưa: "Ở nhà nó là đứa trẻ ngoan, chăm học. Nó thẹn thùng khi tôi nhắc đến tên người bạn gái nào đó gửi thư. Nó chậm chạp... Tôi lo cho nó trong gian khổ sẽ xử trí thế nào. Tôi hiểu về nó hãy vẫn còn ít...". Rồi bác giương đôi mắt nhìn khoảng trời xanh thẳm qua vòm cửa sổ, gật gật đầu, nói một câu thật tâm đắc:

"Người cha cũng không hiểu hết tính nết đứa con mình. Bản tính nó sẽ bộc lộ hết qua thử thách. Bây giờ tôi mới hiểu hết về nó. Tuổi trẻ các anh có hạnh phúc là được trưởng thành từ trong cuộc chiến đấu này!".

Nói đến đây, giọng ông nghẹn lại...

Ngày 2/9/1972, người chiến sĩ quả cảm Lê Văn Ninh đã hy sinh cùng với bao đồng đội trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị.

Người cha của Ninh là bác Lê Lâm, lúc đó là Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Thông tấn xã Việt Nam.

Mới đây, tôi gọi điện cho anh Lê Văn Huỳnh, nguyên là Đại tá, Trưởng phòng Khoa học Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc vừa mới nghỉ hưu hỏi thăm về việc tìm được mộ của Lê Văn Ninh? Anh Huỳnh buồn bã trả lời: "Vẫn chưa tìm được anh ạ! Có lẽ hương hồn anh Ninh đã an tịnh cùng đồng đội trong nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị, nơi anh đã chiến đấu, hy sinh".

Đúng vào dịp ngày Quảng Trị giải phóng, hàng trăm nghìn người khắp cả nước lại về với Thành cổ Quảng Trị thắp nén hương tri ân, tưởng nhớ liệt sĩ Lê Văn Ninh và bao đồng đội của anh. Cầu mong sự hy sinh to lớn đó sẽ mang lại nền độc lập vững bền của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.