Cảnh giác đồ ăn cổng trường

Trong bữa trưa công sở, chị Hoài mang chuyện con gái học lớp 5 một trường ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ với mọi người.
0:00 / 0:00
0:00

Chuyện là gần đây về thấy con cứ kêu lâm râm đau bụng. Gặng hỏi, con gái chị mới “tiết lộ” giờ ra chơi buổi chiều các bạn rủ nhau ra cổng trường ăn quà vặt. Hôm thì ăn kem, hôm mua sữa trân châu, hôm mua bánh tráng trộn…

Chuyện chị Hoài kể lập tức được các chị khác hưởng ứng, vì ai cũng có con đang tuổi ăn tuổi học.

Chị Dương góp chuyện: “Thế vẫn còn là… nhẹ đấy. Vừa rồi ở quê chồng chị tại huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), hơn 100 học sinh bị nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn một thứ kẹo lạ bán ngoài cổng trường. Trong số đó, 5 học sinh xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, khó thở, tê môi”.

Câu chuyện của chị Dương đề cập xảy ra vào giờ ra chơi sáng 25/11, 126 học sinh của Trường THCS thị trấn Cái Rồng (khu 3, thị trấn Cái Rồng) đã mua và sử dụng loại kẹo vỏ mầu xanh biển, nhãn mác cùng dòng chữ nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt, tại một cửa hàng ngoài cổng trường. Rất may sau đó nhà trường đã phối hợp Trung tâm Y tế của huyện theo dõi, điều trị cho các học sinh.

Câu chuyện đồ ăn vặt bán bên ngoài cổng trường từ lâu đã được nhắc tới, nhưng dường như càng ngày vấn đề này càng có xu hướng nghiêm trọng hơn. Các cơ quan truyền thông cũng đã nhiều lần cảnh báo về hàng quán bên ngoài cổng trường, về nguồn gốc và chất lượng các loại đồ ăn vặt cho học sinh; đặc biệt là ngày càng xuất hiện nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán giá rẻ, gây tò mò, bắt mắt giới trẻ. Thế nhưng xem ra chuyện này vẫn chưa được các địa phương, các trường học, cơ sở giáo dục quan tâm đúng mức. Thành thử, nhiều học sinh vẫn tìm cách mua đồ ăn ngoài cổng trường, gây ra những hệ lụy xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe của tuổi thanh thiếu niên.

Từ những câu chuyện các phụ huynh trao đổi trong bữa trưa công sở ở trên, kết hợp thực tế đang diễn ra bên ngoài cổng trường học, đã tới lúc các thầy, cô giáo cần quán triệt mạnh mẽ tới học sinh do mình quản lý, phụ trách. Song song đó, các địa phương cũng cần phối hợp, tăng cường lực lượng để kiểm tra các hàng quán bán bên ngoài cổng trường. Xử lý nghiêm những người bán hàng không có giấy phép, bán các loại đồ ăn, kẹo lạ không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chưa được kiểm định…

Còn từ phía gia đình, các bậc phụ huynh cũng cần nhắc nhở, khuyến cáo con trước các món đồ ăn vặt ngoài cổng trường, đặc biệt là những đồ ăn lạ, mầu sắc… Cha mẹ cũng cần kiểm soát tiền của con. Việc học sinh hằng ngày mang tiền đi học, dù chỉ năm, mười nghìn đồng cũng có thể là khởi đầu cho một thói quen ăn quà vặt không lành mạnh, có nguy cơ ngộ độc, rước bệnh vào thân…