Cẩn trọng không thừa

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cảnh báo một số website, ứng dụng như Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF… có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư mà không được cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00

Các nghiệp vụ một số đơn vị kể trên sử dụng là hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực tế… không mới, vì nhìn lại từ khi cho vay ký quỹ (margin) để mua chứng khoán chưa có các quy định cụ thể (cách đây hơn một thập kỷ) thì các hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh vẫn thường xuyên được sử dụng để lách quy định. Chưa bàn đến mức độ sai phạm hay dấu hiệu vi phạm, vì vấn đề này sẽ có kết luận của cơ quan quản lý, nhưng nhìn ở góc độ nhà đầu tư (NĐT) thì việc tự bảo vệ mình là yếu tố tiên quyết và ở đây NĐT phải có kiến thức lẫn kinh nghiệm.

Một điều rất rõ ràng là nếu giao dịch chứng khoán thì NĐT phải đặt lệnh qua công ty chứng khoán (CTCK), còn mua chứng chỉ quỹ thì phải thông qua công ty quản lý quỹ, tức là những kênh chính thống, chuẩn mực từ trước đến nay.

Trong bối cảnh số lượng NĐT chứng khoán tăng mạnh trong khoảng ba năm qua, trong đó có rất nhiều NĐT trẻ, quen với việc tiếp cận, sử dụng công nghệ, những yếu tố kể trên có thể thay đổi. Với các NĐT tạm ước tính là từ 30 tuổi trở xuống, việc tiếp cận với sàn chứng khoán từ đầu thường sẽ qua website, mạng xã hội… Còn với thế hệ 7x, 8x… thì thường tiếp cận qua việc lên sàn chứng khoán, không nhiều thì ít. Hiện nay, NĐT có thể mở tài khoản chứng khoán từ xa. Nhiều NĐT, không nhất thiết phải trẻ tuổi, có thể không cần nắm bắt khái niệm sàn chứng khoán. Điều này tất nhiên ảnh hưởng đến suy nghĩ, hay bộ lọc để đề phòng rủi ro của NĐT. Đơn cử, trong thời gian qua, việc một số đơn vị đứng ra triển khai sản phẩm “mua trái phiếu” cho nhiều NĐT cá nhân, thực tế không phải là NĐT cá nhân sở hữu trái phiếu. Mệnh giá của trái phiếu thường lên đến 1-2 tỷ đồng, thậm chí hơn, vậy làm sao NĐT bỏ ra vài trăm nghìn hay vài triệu đồng có thể mua?

Ở hình thức nêu trên, đơn vị trung gian sẽ đứng ra mua trái phiếu lô lớn, sau đó chia nhỏ theo mệnh giá của mình và “bán” cho NĐT thông qua chứng từ ghi nhận sở hữu một số tiền nhất định nào đó. Thực tế, không phải NĐT cá nhân nào cũng tìm hiểu đến tận cùng để đặt vấn đề mình có thật sự sở hữu trái phiếu hay chỉ sở hữu theo kiểu gián tiếp, mua chung. Nhìn về thói quen của NĐT trẻ tuổi giao dịch chứng khoán qua ứng dụng, thì việc thấy một ứng dụng nào đó “hay hay” cũng có chức năng “chứng khoán” là rất bình thường. Điều này khác với những NĐT có thâm niên, nhìn chung vẫn tin tưởng sử dụng các công cụ có tính “chính thống”. Cũng từ đây, có thể nảy sinh rủi ro tiềm ẩn chờ đợi các NĐT chưa có nhiều kinh nghiệm. Bởi vậy, thị trường rất cần những cảnh báo kịp thời của cơ quan quản lý. Ngoài ra, mỗi NĐT cũng cần cẩn trọng tự trang bị cho mình các công cụ để bảo vệ chính mình.