Đông đảo đội ngũ, đa dạng trường phái
Hội nghị lý luận phê bình văn học (LLPB VH) lần thứ V do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương và NXB Giáo dục tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội ngày 27/11 với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”. Hơn 40 tham luận và ý kiến của các nhà nghiên cứu từ các viện, trường đại học, hội nghề nghiệp, tạp chí chuyên môn đã bàn đến nhiều nội dung, gồm cả sự phát triển của LLPB lẫn các thể loại sáng tác thơ, truyện, tiểu thuyết, dịch…
Phát triển đông đảo về lực lượng, phong phú về phương pháp, trường phái, tư tưởng nhờ sự đổi mới, mở cửa của đất nước cho đến cởi mở trong tiếp nhận của giới nghề. Qua đó tác động đến hoạt động sáng tác và rộng hơn là góp phần làm nên sự phong phú của đời sống văn hóa. Đó là vài nét chính về thành tựu LLPB VH nửa thế kỷ qua, tính từ dấu mốc giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, qua dấu ấn Đổi mới năm 1986, đến bước ngoặt hòa nhập với thế giới - như cách tạm khái quát của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều. Với báo cáo đề dẫn hội nghị của mình, PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, Chủ tịch Hội đồng LLPB - Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Ý thức đổi mới tư duy nghiên cứu và nỗ lực hiện đại hóa LLPB đã giúp cho đời sống LLPB có nhiều khởi sắc. Sự thay đổi nhãn quan khoa học, việc mở rộng tiêu chí đánh giá giá trị trên nền tảng nhân văn, hiện đại đã giúp cho LLPB dần thoát khỏi lối phê bình áp đặt, máy móc, giáo điều.
Với lập luận của mình, PGS, TS Nguyễn Văn Dân (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho thấy một số thành tựu cơ bản là tự do học thuật, chuyên nghiệp hóa hoạt động LLPB và thúc đẩy tính dân chủ trong nghiên cứu khoa học. Còn PGS, TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trung ương nêu ra một loạt trường phái hiện đại của thế giới đã vào Việt Nam như trường phái hình thức Nga, thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, mỹ học tiếp nhận, nghiên cứu văn học so sánh, ký hiệu học, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hậu cấu trúc và lý thuyết liên văn bản, lý thuyết diễn ngôn, chủ nghĩa hậu hiện đại, nữ quyền luận, phê bình sinh thái, lý thuyết địa văn hóa… Ông cũng cho rằng, nền LLPB VH của ta đã tiếp thu và ứng dụng tinh hoa mỹ học cổ điển thế giới, đồng thời chuyển đổi hệ hình LLPB văn nghệ theo hướng hiện đại…
Nhưng cũng không tránh né thực tế có nhiều hạn chế, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra các bất cập trong hoạt động LLPB VH, thậm chí là sự núp danh, núp bóng, lợi dụng và cả sự non yếu trong nhận thức, thực hành công tác LLPB ở không ít trường hợp. Theo PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNT Trung ương, thì có đông đảo về số lượng nhưng còn hạn chế về năng lực và trình độ, đặc biệt là khả năng cập nhật thành tựu mới của khoa học xã hội nhân văn hiện đại. Sự phân bố không đồng đều còn thể hiện qua việc tập trung ở các trường, viện, đô thị lớn nhưng lại vắng bóng, thậm chí “trắng địa bàn” ở các địa phương xa trung tâm.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cũng nhắc lại vấn đề vốn được nêu lên nhiều thời gian qua như tình trạng phê bình cánh hẩu, thù tạc hoặc viết theo đặt hàng của thị trường, PR, biến phê bình thành quảng cáo diễn ra khá phổ biến. Theo ông, hiện tượng này cần được ngăn chặn bởi lối phê bình vô thưởng, vô phạt sẽ gây nhiễu loạn trong thẩm định, đánh giá.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Tinh thần đối thoại chưa được phát huy triệt để trong các sinh hoạt học thuật. Văn hóa tranh luận nhiều lúc bị vi phạm. Hiện tượng quy chụp, “bỏ bóng” đá người” vẫn chưa chấm dứt. Không ít cây bút phê bình sớm bỏ nghề vì “tai nạn nghề nghiệp” hoặc bị chụp mũ một cách phi lý.
Cần hơn những “đôi cánh” mới
Đáng băn khoăn với nhiều tham luận của hội nghị khi đi vào phân tích những dòng chảy sáng tác, quá trình vận động của các thể loại, và những trường hợp sáng tác cụ thể, những liên hệ qua các thế hệ người sáng tác. Điều đó dễ khiến người theo dõi thấy rằng, đây là một cuộc sinh hoạt tập trung vào đánh giá, tổng kết hoạt động sáng tác, đổi mới, cách tân của các thể loại khác hơn là chuyên sâu vào LLPB. Qua đây có lẽ cần lưu ý lại với ban tổ chức, bởi với ý nghĩa “xu thế” mà hội nghị đặt ra, rất cần sự đi sâu để dự đoán, định hướng cho chặng đường tiếp theo của LLPB. Cũng như đi sâu, tập trung cho riêng thể loại để nêu ra những ý kiến cụ thể cho hoạt động LLPB, đội ngũ tác giả làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, viết LLPB; và bàn đến những vấn đề cần đề xuất cho chính sách, cơ chế đối với người làm LLPB, tác phẩm LLPB; rồi thúc đẩy các phương thức đưa tác phẩm LLPB vào cuộc sống… Đó chính là những yếu tố xúc tác cần thiết cho xu thế, cho sự phát triển, khẳng định và vươn lên của thể loại, lĩnh vực LLPB trong đời sống văn học, đời sống văn hóa, xã hội.
Với một số tham luận có phần ít ỏi so với hơn 40 tham luận của hội nghị, một số chuyên gia đã đưa ra những giải pháp thiết thực cho hoạt động LLPB VH nhìn từ góc độ lãnh đạo, quản lý, đồng hành tiếp sức cũng như vị trí của các nhà nghiên cứu, phê bình. Theo đó, rất cần được chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ bằng việc đào tạo người làm LLPB có chuyên môn cao, có năng lực nghiên cứu và nắm bắt thực tiễn đời sống văn hóa, VHNT. Cũng không thể thiếu những người có uy tín chuyên môn cao, tâm huyết, có lập trường chính trị vững vàng tham gia quản lý văn hóa, văn nghệ.
TS Phan Tuấn Anh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Huế: Chúng ta có thể thấy tư duy lý luận văn học Việt Nam trước 1986 đều đi theo hệ hình tiền hiện đại, tức là lấy tác giả làm trung tâm của quá trình giải nghĩa văn học… Nhu cầu đổi mới lý luận từ tiền hiện đại sang hiện đại và hậu hiện đại xuất hiện và ngày càng trở nên rõ ràng, bức thiết… Cuối những năm thập niên 90 của thế kỷ XX, LLPB VH Việt Nam bắt đầu cuộc chuyển đổi hệ hình lần thứ hai, từ hiện đại sang hậu hiện đại… LLPB VH đã thật sự nở rộ trong thế kỷ XXI với nhiều đóng góp của các nhà nghiên cứu quan trọng.
Bên cạnh đó, từ hội nghị cũng phát đi ý kiến cần có chính sách đầu tư thích đáng với những công trình khoa học trọng điểm song song với việc đẩy mạnh xã hội hóa nghệ thuật. Song song với đó, phải chú trọng phát hiện tài năng, khuyến khích tìm tòi, đổi mới trong LLPB. Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ để có được những công trình khoa học xuất sắc, tầm cỡ. Cũng như vậy, cần tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế để đưa văn học Việt Nam tiến ra thế giới một cách hiệu quả. Cùng với đó, trong đó, sẽ có những bước giao thoa, giao lưu để đi đến thành quả mới của lĩnh vực LLPB.
Rất nên, từ hội nghị này, các bên tổ chức, các nhà nghiên cứu, phê bình tiếp tục đưa ra những đề xuất cụ thể hơn về các hình thức hoạt động, thúc đẩy công tác và đội ngũ LLPB VH. Thí dụ như các cuộc gặp gỡ thường niên dành cho tác giả LLPB, LLPB trẻ để báo cáo các thành quả nghiên cứu mới, thuyết trình về các xu hướng LLPB đang nổi lên của thế giới. Hoặc các trại viết dành riêng cho đội ngũ LLPB vốn còn được tổ chức ít ỏi thời gian qua. Cùng với đó, nên đánh giá lại và nâng mức nhuận bút cho tác phẩm LLPB như công trình đăng tạp chí, sách xuất bản. Rộng hơn là nên có cách đặt hàng, tuyển lựa bản thảo LLPB xuất sắc để xuất bản, phát hành dưới hình thức sách in truyền thống hay ấn bản điện tử, sách nói…, hướng tới đối tượng đặc thù là người nghiên cứu, sinh viên, người hoạt động báo chí, truyền thông, các nhà quản lý văn nghệ, rộng hơn là tiếp cận công chúng yêu văn học. Rồi tăng cường các hình thức hội nghị, hội thảo trực tuyến, tận dụng mạng xã hội, diễn đàn báo chí điện tử để lan tỏa các ý kiến, tham luận, công trình LLPB VH, tận dụng không gian mạng này để xây dựng các “kho” tài nguyên LLPB.
Và như thế, mong sao những tiếng nói gợi mở, đề xuất tiếp theo cho lĩnh vực LLPB VH vốn còn thưa thớt trong mặt bằng đời sống VHNT thời gian qua, sẽ tiếp tục được gióng lên nhiều hơn, tích cực hơn nữa.