Cân nhắc phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất hai phương án rút BHXH một lần. Những đề xuất mới này có ngăn được “làn sóng” rút BHXH một lần luôn “nóng” trong những năm qua?
0:00 / 0:00
0:00
Duy trì việc làm cho người lao động là giải pháp căn cơ. Ảnh: HẢI NAM
Duy trì việc làm cho người lao động là giải pháp căn cơ. Ảnh: HẢI NAM

Chính sách cũ đã đi vào cuộc sống

Phương án một là giữ nguyên quy định hiện hành, tức lao động tham gia dưới 20 năm BHXH và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần. Lao động được rút toàn bộ quá trình đóng nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu.

Phương án hai là cho lao động rút một lần song nhiều nhất không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này lao động đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ BHXH…

Chung quanh đề xuất này, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, qua khảo sát cho thấy, người lao động không mặn mà với đề xuất mới. Ông lý giải, chế độ BHXH một lần được quy định rất sớm trong chế độ chính sách về BHXH ở nước ta. Ngay tại Điều 28, Nghị định 12, năm 1995 đã có quy định này.

Từ đó, trong quá trình hoàn thiện quy định pháp luật thì chế độ này luôn được sửa đổi, bổ sung. “Chế độ BHXH một lần hiện nay được quy định tại Điều 60, Luật BHXH cùng với Nghị định 93 về BHXH là chế độ tốt nhất cho người lao động hiện nay”, ông Quảng nói.

Theo ông, đến nay, đã có hàng triệu người lao động bị mất việc làm, hoàn cảnh khó khăn nhận tiền theo quy định này. Đủ thấy, chính sách này đã đi vào cuộc sống, cho nên, người lao động cảm nhận được và tất yếu muốn giữ quy định này.

Thực tế, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, độ bao phủ mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống. Độ bao phủ BHXH tăng chậm trong khi số người về một cục lại tăng, bình quân cứ hai người vào hệ thống thì một người rời đi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.

Cân nhắc phương án rút bảo hiểm xã hội một lần ảnh 1

Người lao động cần cân nhắc khi có ý định rút bảo hiểm xã hội. Ảnh: NAM NGUYỄN

Giải pháp nào có lợi hơn?

Bình luận về hai phương án, ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, cả hai phương án đều có ưu điểm và nhược điểm. Với phương án giữ nguyên sẽ tạo cơ hội cho người lao động khi họ rất khó khăn cần thiết rút số tiền đó. Về nguyên tắc đó là tiền của họ và họ có quyền được rút. Nhưng lợi thì ít, hại thì nhiều vì hệ thống an sinh xã hội thể hiện sự bảo đảm lâu dài khi người lao động không còn khả năng lao động, về hưu, lúc đó phải có nguồn để sống, không thể dựa vào Nhà nước hay nhờ vả con cái được. Và điều này còn dựa trên quy định của Hiến pháp, quyền con người “Công dân Việt Nam có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, vậy an sinh xã hội đó thể hiện ở hai phía Nhà nước hỗ trợ và người lao động đóng góp, để làm sao không có xã hội chênh lệch giàu nghèo và ai cũng có cuộc sống không bị bỏ lại phía sau. Bất lợi của việc rút một lần nhiều hơn là cái lợi mang lại trước mắt”.

Với phương án 2 “rút 50%”, ông Sĩ Lợi cho rằng, có một ưu điểm cơ bản, là khi rất khó khăn, người lao động vẫn rút được 50% để giải quyết vấn đề trước mắt, còn lại 50% bổ sung khi về già. Và trong quá trình phát triển, nếu có điều kiện, người lao động tiếp tục đóng thêm vào để khi về hưu vẫn có thu nhập lương hưu cao hơn.

Ông Lợi cũng cho biết, trước đây cũng đã tính toán về việc chỉ cho người lao động rút BHXH một lần 8% (tỷ lệ người lao động đóng) và không được rút 14% (tỷ lệ người sử dụng lao động đóng BHXH), tuy nhiên chưa hợp lý. “Chúng ta nên lấy ý kiến của người lao động và người dân về vấn đề này. Tuy nhiên, theo tôi, phương án 2 có lẽ ưu việt hơn”, ông Lợi nói.

Đồng quan điểm, TS Phạm Quang Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho rằng, nếu đặt lên bàn cân, có lẽ phương án thứ hai sẽ có lợi cho người lao động hơn. Bởi khi khó khăn, họ vẫn được rút 50% để giải quyết các vấn đề trước mắt. Còn lại 50%, họ có thể tiếp tục đóng thêm để khi về già vẫn có lương hưu, giải quyết những vấn đề áp lực tài chính mà họ có thể phải đối mặt. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, vấn đề cần nhất hiện nay là phải đẩy mạnh tuyên truyền, để người lao động thấy được lợi, hại của việc rút BHXH một lần, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Duy trì việc làm bền vững, bảo đảm an sinh xã hội

Mục tiêu đến năm 2030 độ bao phủ của số người tham gia bảo hiểm khoảng 60% (theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương). Nhưng với làn sóng rút BHXH một lần như thời gian qua, ông Quảng cho rằng, sẽ là thách thức lớn nếu không có những thay đổi căn cơ trong chính sách BHXH.

Theo ông Quảng, bản chất của BHXH một lần là giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động khi mất việc làm. Với đề xuất là giảm 50% mức hưởng so với hiện hành, người lao động vừa được hưởng một phần, phần còn lại được bảo lưu đến khi người lao động hưởng chế độ hưu trí. Tuy nhiên, ông lưu ý, tất cả trường hợp rút BHXH một lần là khi mất việc làm. Còn khi vẫn có công ăn việc làm, không ai nhận BHXH một lần. Do đó, giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần là phải có giải pháp duy trì việc làm bền vững, chất lượng việc làm là quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động lúc khó khăn... “Còn giảm 50%, khó ngăn được làn sóng này”, ông Quảng nói.

Ngoài ra, dẫn thực tế, nhiều trường hợp người lao động không được giải quyết chế độ do doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, ông Quảng khẳng định, nhiều người lao động chưa có niềm tin vào hệ thống an sinh. Do đó, chúng ta cần tăng cường biện pháp, bảo đảm thực thi pháp luật để tạo niềm tin cho người lao động. Cạnh đó, Luật BHXH sửa đổi cần tăng tính hấp dẫn, tăng cường quyền lợi của người lao động khi tham gia vào hệ thống. Như vậy, mới thu hút được họ “gắn bó” với BHXH.

Nhìn nhận một cách sòng phẳng, TS Phạm Quang Long nhấn mạnh, trong câu chuyện tiền đóng BHXH là của người lao động, họ đóng thì họ cũng có quyền rút. Song ông đặt vấn đề, nhiều người muốn hưởng BHXH một lần có lẽ chưa hình dung về cuộc sống sau này, khi đã về già. Hơn nữa, việc rút BHXH một lần sẽ ảnh hưởng đến mục đích tốt đẹp của chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng đến nỗ lực bao phủ BHXH toàn dân. Bởi vậy, ngoài nỗ lực đưa ra các giải pháp căn cơ, cũng cần có giải pháp tuyên truyền để người tham gia bảo hiểm hiểu về hậu quả. Ông dẫn chứng, để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong dài hạn, nhiều nước trên thế giới không cho phép người tham gia BHXH được rút một lần, trừ trường hợp đặc biệt, như ra nước ngoài định cư hay hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu…