- Thưa ông, vấn đề nổi bật qua thực tế khảo sát ban đầu của chúng tôi tại một số cơ sở đào tạo là không đạt được các chỉ tiêu đề ra trong cả hai Đề án 1341 và 1437, đặc biệt là với Đề án 1437. Từ góc độ quản lý nhà nước, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
- Có thể nói, khi xây dựng cả hai Đề án nêu trên, Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt quyết tâm rất cao trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu đào tạo, phát triển được nguồn nhân lực phục vụ phát triển văn hóa nước nhà trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Quyết tâm ấy còn được thể hiện rõ ở cách thức chọn các cơ sở đào tạo ở nước ngoài thuộc nhóm hàng đầu tại từng quốc gia về uy tín, chất lượng đào tạo và chấp nhận mọi mức chi phí nếu ứng viên trúng tuyển.
Tuy nhiên, chỉ tiêu đặt ra là mục tiêu để phấn đấu. Việc đào tạo tài năng trong các lĩnh vực có yếu tố năng khiếu bẩm sinh như văn hóa nghệ thuật thật sự cần được nhìn nhận một cách khách quan. Đối với Đề án 1341, thực tế lâu nay, số lượng học sinh, sinh viên dự tuyển vào khối các trường văn hóa nghệ thuật rất ít ỏi so các ngành học khác, nên việc tuyển chọn tài năng với các tiêu chí đặt ra từ đó cũng không dễ dàng. Đối với Đề án 1437, cử ứng viên đi học ở nước ngoài, trong thực tế, có sự chênh lệch giữa trình độ đào tạo về văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài, nên việc sinh viên có thể trúng tuyển vào các trường thuộc nhóm hàng đầu như kỳ vọng của chúng tôi gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, những ràng buộc, quy định về việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai các Đề án này cũng dễ khiến người học cân nhắc khi ứng tuyển.
Thí dụ: Tại Đề án 1341, mong muốn hỗ trợ kinh phí cho các tác phẩm tốt nghiệp của học sinh, sinh viên tài năng không được chấp thuận từ các bộ, ngành có liên quan. Tại Đề án 1437, có quy định về kinh phí cấp cho việc đi lại của người học ở nước ngoài là một lần vé khứ hồi, trong khi có trường hợp du học Nga, sau một năm dự bị, bắt buộc phải về nước để gia hạn VISA nhưng chi phí liên quan không có, nên khó khăn cho các em. Trong quy định kinh phí cấp cho du học nước ngoài, không có phần dành cho tham gia các sự kiện, hội thảo khoa học liên quan nên nếu người học được mời hoặc muốn tham gia, họ phải tự túc kinh phí…
Phạm Gia Minh (hàng trước, thứ hai từ trái sang), hiện học tại Học viện Ballet Bolshoi (BBA) theo Đề án 1437. |
- Chia sẻ của ông cho thấy có tồn tại một khoảng cách không nhỏ giữa diễn tiến đời sống và nội dung cả hai Đề án. Đây liệu có phải là mấu chốt của mọi mấu chốt dẫn đến việc dù quyết tâm thực hiện song vẫn chưa đạt các chỉ tiêu đã đề ra?
- Nếu nhìn nhận khách quan, đến nay, kết quả triển khai cả hai Đề án chưa được như kỳ vọng nhưng không có nghĩa là không đạt kết quả tích cực. Kết quả học tập, nghiên cứu, sáng tác ban đầu của người học đã cho thấy hiệu quả của cả hai Đề án này. Việc đầu tư đào tạo tốt cho người có khả năng và ham muốn cống hiến lâu dài cho văn hóa nghệ thuật là để góp phần xây nền tảng bền vững hơn cho các em, để các em phát triển và tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp sau. Tác động, sức lan tỏa xã hội của các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật của các em sau khi học tập theo Đề án không thể chỉ được đánh giá trong ngắn hạn.
Cho đến thời điểm này, sự lan tỏa của các Đề án đã rộng hơn. Riêng trong năm 2023, số lượng trúng tuyển đã đạt bằng tổng số lượng trúng tuyển và cử đi học trong các năm trước đó.
- Thưa ông, trong câu chuyện với hai sinh viên vừa học xong năm thứ tư lớp tài năng hội họa tại Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn quyết tâm du học từ năm thứ nhất đại học về Bảo tồn di sản văn hóa ở Vương quốc Anh, theo Đề án 1437, chúng tôi nhận thấy bản thân hai em cũng chưa thể hình dung tương lai khi về nước, ba năm sau, sẽ ra sao, bởi công việc trong nước liên quan ngành học này rất ít ỏi. Ông có thể có kiến giải cụ thể hơn về chính sách sử dụng nhân lực chất lượng cao sau khi được đào tạo theo hai Đề án nói trên?
- Theo Đề án 1437 và theo quy định hiện hành, sau khi kết thúc khóa học, du học sinh phải trở về báo cáo kết quả học tập với cơ quan cử đi học theo cam kết. Nếu người học có nguyện vọng học lên bậc cao hơn và trúng tuyển, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để các em tiếp tục hành trình này.
Nhưng tôi hiểu ý của chị, đúng là có những nút thắt trong việc tạo lối rộng mở về điều kiện, môi trường làm việc để có thể phát huy sớm nhất và tốt nhất các tài năng ấy. Ngay trường hợp em sinh viên học ngành piano hệ đại học tại Royal College of Music (Trường Nhạc Hoàng gia, London, Vương quốc Anh), năm 2025 là em ấy tốt nghiệp và về nước theo hạn định; kết quả học tập của em ấy tốt nhưng đúng là em ấy sẽ phải cân nhắc, lựa chọn hướng đi cho phù hợp với năng lực và sở trường. Thực tiễn hiện nay có những quy định về tinh giản biên chế, trình độ đầu vào dự tuyển của các cơ quan đơn vị khác nhau, rồi còn chế độ chính sách đãi ngộ đối với họ trong quá trình làm việc…
Theo tinh thần của cả hai Đề án, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật bằng ngân sách nhà nước là để tạo môi trường, điều kiện học tập tốt nhất cho các em phát triển đam mê sáng tạo, tiềm năng sở trường của mình và có thể đóng góp tài năng ấy ở bất cứ nơi đâu, trong cơ quan nhà nước, tại các nhà hát, đơn vị nghệ thuật tư nhân, trở thành nghệ sĩ độc lập… Tất cả là để phục vụ tốt hơn cho công chúng, cho xã hội.
Nhưng đến nay, chúng tôi nhận thấy là đã đến lúc phải xây dựng các giải pháp đồng bộ và liên ngành để việc đào tạo đồng thời sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật có hiệu quả hơn nữa.
- Các giải pháp đó đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét cụ thể ra sao, thưa ông?
- Chúng tôi nhận thấy cần trở lại mô hình đào tạo từ hệ trung cấp về năng khiếu lên đến đại học tại các ngôi trường nghệ thuật có bề dày truyền thống và bảo đảm được các tiêu chuẩn đào tạo chuyên nghiệp. Các em được học tại một môi trường như vậy từ nhỏ sẽ tự trui rèn nếp học hành cũng như ý chí rèn luyện chuyên môn nghệ thuật một cách mạnh mẽ, bền bỉ. Song, đây là vấn đề lớn, cần được sự đồng thuận giữa các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành khác vì liên quan đến bốn bộ luật còn có những bất cập đối với đào tạo lĩnh vực nghệ thuật đặc thù: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó là sự đồng thuận và phối hợp tổ chức thực hiện của nhiều cơ quan liên quan khác.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang làm việc tích cực với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện Dự thảo Nghị định Quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, sau khi đã xin ý kiến các thành viên Chính phủ, tiến tới trình Chính phủ để phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang triển khai xây dựng, đề xuất ban hành các quy định pháp luật nhằm hoàn thiện, đồng bộ hóa các quy định về chế độ chính sách đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa nghệ thuật... góp phần xây dựng giải pháp đồng bộ từ đào tạo đến sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hiện nay, có 10 trường đại học và học viện, hai trường cao đẳng và hai trường trung cấp đào tạo về văn hóa nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là nguồn chủ đạo cung cấp nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành văn hóa nghệ thuật trên cả nước. 13 trong số 14 trường là nơi trực tiếp đào tạo nhân lực theo Đề án 1341 và cử tuyển nhân lực theo Đề án 1437. Bên cạnh đó, các công chức, viên chức, nghiên cứu viên, văn nghệ sĩ có bằng tốt nghiệp ngành, chuyên ngành phù hợp, được cơ sở đào tạo nước ngoài tiếp nhận, và đáp ứng đủ điều kiện ứng tuyển theo Đề án 1437 cũng được khuyến khích tham gia Đề án này.